Nhận thức lại về Covid

Nhận thức lại về Covid

Thứ Năm, 19/08/2021 - 06:00

Khi đại dịch Covid-19 nổ ra ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 11/ 2019, cả thế giới bàng hoàng. Không hiểu điều gì đang xảy ra nơi đây. Đến khi Trung Quốc chính thức công bố về dịch, lập tức các nhà khoa học của cả thế giới đã vào cuộc nghiên cứu về con virus gây bệnh có định danh là Sars-CoV-2 này.

Về nguồn gốc, có hai giả thiết được đưa ra. Thứ nhất, virus bắt nguồn từ loài dơi, lây nhiễm vào một nhân viên phòng thí nghiệm rồi từ đó lây lan ra cộng đồng. Giả thuyết này không phải là không có cơ sở khi ta nhớ lại dịch Sars hồi năm 2002 - 2004, bùng phát đầu tiên ở thành phố Phật Sơn, Trung Quốc rồi lan ra thế giới được bắt đầu từ những chú cầy hương, vốn là món chén khoái khẩu của dân cư nơi đây.

Con virus gây ra dịch này được định danh là virus Sars-CoV. Thật ra so với dịch Covid-19 hiện nay trên thế giới thì dịch Sars năm xưa bé tí: Chỉ có tổng số 8.422 bệnh nhân và 774 người tử vong. Nó cũng biến mất khá nhanh chóng. Thế nhưng rất có thể từ con virus Sars-CoV này nó đã âm thầm biến chủng ra thành Sars-Cov-2 gây họa lớn cho loài người.

Giả thiết thứ hai về nguồn gốc virus đó là sản phẩm nhân tạo của phòng thí nghiệm, “bất cẩn” để xổng ra vô tình hoặc hữu ý gây hại cho nhân loại. Đây cũng là một điều đáng xem xét kỹ lưỡng, bởi cấu tạo của con virus gây bệnh lần này đang có nhiều điểm bất thường. Và độc lực của nó hầu như tăng lên sau mỗi lần biến chủng chứ không giảm đi như quy luật thường thấy. Những điều phán đoán trên đang được các nhà khoa học trên thế giới tích cực xác minh, hy vọng sẽ có câu trả lời chính xác trong thời gian tới.

Có điều đầu tiên cả giới khoa học lẫn người dân đều có nhiều ngộ nhận về Covid. Thậm chí giới y khoa ban đầu còn cho rằng “không có bằng chứng về virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp lây từ người sang người”. Rất nhiều người (trong đó có cả tôi!) lại cho rằng, nó là một loại cúm ác tính, kiểu như cúm mùa nhưng là đặc thù của các vùng khí hậu khô lạnh trong lục địa, rồi nó cũng sẽ nhanh chóng mất đi cùng với thời gian…

Nhưng diễn biến dịch Covid-19 hiện nay đã khiến cho tất cả ngã ngửa, nhầm to. Covid không suy yếu và mất dần đi theo thời gian và yếu tố thời tiết hay địa lý, mà trái lại nó vẫn đang hoành hành dữ dội gây ra đại dịch trên toàn cầu. Số người mắc đã trên 200 triệu, số tử vong đã hơn 4 triệu. Những biến đổi và phát triển của virus đang hoàn toàn khác với các hiểu biết vốn có của con người về loài này. Thật kinh khủng! Đây đúng là một đại dịch gây ra nhiều hệ lụy khôn lường nhất cho nhân loại hiện nay, nó không những tàn phá về sức khỏe tính mạng con người mà còn phá hoại cực kỳ nặng nề về kinh tế xã hội và ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ mọi người sống trên hành tinh này, không trừ một ai.

Các nhà khoa học ngay từ đầu đã tiên phong đối đầu với con virus quái ác này. Và nhờ họ, cùng với các diễn tiến bệnh dịch trên thực tế chúng ta đã dần nhận thức được đúng đắn hơn về con virus Sars-CoV-2 và đại dịch covid-19. Thực tế cấu tạo của con virus này vô cùng đơn giản: Nó chỉ gồm một chuỗi RNA được bao bọc bởi một cái màng kết cấu bằng glycoprotein (carbonhydrate kết hợp với acid amin) có tạo hình như quả cầu gai.

Glycoprotein có tính chất xuyên màng: Nó đi xuyên qua được màng tế bào để thâm nhập vào bên trong, chiếm giữ điều khiển hoạt động sinh hóa trong tế bào người, nhân lên vô số và kết thúc là tiêu diệt luôn tế bào chủ. Cái màng glycoprotein của virus trong kết cấu của nó có một gốc OH, do đó virus có tính chất hút nước và sự tồn tại của nó cần có môi trường ẩm ướt. Điều đó giải thích tại sao những cơn ho, hắt hơi, hơi thở của người bệnh vốn mang rất nhiều các giọt nước li ti kiểu như dạng khí dung bắn ra ngoài, chứa đầy những con virus còn sống khiến cho người lành ở cự ly gần hít phải và nhiễm bệnh nhanh chóng.

Bởi thế, không khí ngoài trời hầu như không tồn tại virus có khả năng gây bệnh: Dù người bệnh có thải vào không khí thì hoặc bị bất hoạt ngay, hoặc không đủ nồng độ virus gây bệnh, nếu không ai ở cự ly gần mà hít luôn virus. Nên trong đợt dịch hiện nay người ta đã tổng kết, đến 99% là bệnh nhân bị lây ở “không gian khép kín, cự ly gần”. Thoáng khí, giữ khoảng cách an toàn, khẩu trang đó là những biện pháp phòng bệnh tối cần thiết để bảo vệ mình hiện nay.

Cũng như với nhiều loại dịch bệnh gây ra do virus, không có thuốc nào và cách nào rồi đây có thể tiêu diệt hết được. Bởi con virus này nó lại có một vật chủ lợi hại đó chính là con người. Thật bi kịch, khi chúng ta phải nhận thức một cách chính xác rằng, con người chính là “vật chủ” lan truyền virus Sars-CoV-2 gây đại dịch Covid-19! Con đường lây lan chính là người sang người! Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào áp dụng giải pháp tiêu diệt hay thanh trùng triệt để “vật chủ” này.

Các nhà khoa học bèn nghĩ ngay đến giải pháp chế tạo vaccine, vốn đã từng cứu nhân loại ra khỏi những cơn đại dịch khủng khiếp trong quá khứ. Vừa qua một loạt các vaccine đã được đưa vào sử dụng “trong điều kiện khẩn cấp của dịch bệnh”. Một chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 vô cùng rộng lớn đã và đang triển khai.

Người ta từng hy vọng, với khoảng từ 70 - 80% số người được tiêm vaccine, sẽ tạo ra được miễn dịch cộng đồng đủ để đánh bật Covid-19 ra. Thế nhưng thực tế dịch bệnh hiện tại lại cho ra những kết quả không lấy gì làm khả quan: tại các nước đã phổ cập vaccine cao như Israel, Anh, Đức, Mỹ, Nhật… số ca nhiễm virus gần đây vẫn tăng cao chóng mặt trong cộng đồng, bất kể người ta có tiêm hay chưa tiêm vaccine! Vậy giải thích thế nào về tình trạng này? Giờ người ta chỉ còn bấu víu vào một điều rằng, với những đối tượng đã tiêm vaccine, nếu có nhiễm bệnh thì cũng nhẹ và không tử vong. Hy vọng, trong tương lai gần diễn tiến của dịch bệnh sẽ chứng minh điều đó là đúng. Chúng ta phải chờ thôi, không khác được.

Thật ra cho đến nay, đã có nhiều thông tin về các loại thuốc có thể ức chế virus: Hydroxychloroquine, Remdesivir… công bằng mà nói, tất cả đều chưa phải là một thuốc đặc hiệu, kiểu như Tamiflu vẫn dùng trị bệnh cúm mùa. Rất nhiều hãng dược, các phòng thí nghiệm trên thế giới đang đổ tiền của để nghiên cứu một loại thuốc uống vào có thể tiêu diệt hoặc kiềm chế căn bản con virus quái quỷ kia. Hy vọng loại thuốc đó sẽ nhanh chóng ra đời để ngành y tế có thêm phương tiện chiến đấu chống lại nó.

Nhưng những điều trên chỉ càng cho thấy, loài người sẽ không có cách gì để loại trừ vĩnh viễn con virus này ra khỏi cuộc sống của mình. Từ lịch sử trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, các trận cúm mùa hàng năm tại Âu- Mỹ, đến dịch Sars năm 2002-2004, dịch Mers năm 2012 và đến nay là đại dịch Covid-19 đang diễn ra là minh chứng hùng hồn, cái sinh vật chưa hoàn chỉnh, thậm chí bị coi là thứ “bên rìa sự sống”, vẫn đang hàng ngày hàng giờ biến chủng thành những thứ mới, ngày càng ác nghiệt hơn.

Vậy con người phải làm gì để thích ứng với nó đây, chứ chẳng lẽ chúng ta cứ kéo dài tình trạng đình đốn toàn cầu, đóng băng xã hội như hiện nay mãi? Thế thì vô hình chung loài người đã bị một kẻ hầu như vô hình, chỉ có kích thước không tới 100 nanomet kia bắt làm “nô lệ” của nó mãi hay sao?

Để chống lại sự xâm nhập của virus, trước hết mỗi chúng ta phải nâng cao sức đề kháng tự thân bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, luyện tập đúng độ. Với một cơ thể khỏe mạnh, virus sẽ bị tiêu diệt. Thực tế dịch bệnh cho thấy, có đến hơn 80% số người nhiễm virus mà không có triệu chứng gì, cơ thể khỏe mạnh của họ đã tự thiết lập hàng rào phòng vệ tiêu diệt mọi con virus xâm nhập. Có một số khá lớn có triệu chứng nhẹ rồi tự khỏi mà hầu như thầy thuốc cũng không phải hỗ trợ gì: Ở đây cũng chính là vai trò của sức đề kháng trong cơ thể đã phát huy tác dụng.

Còn một số bị nặng, thậm chí tử vong, theo các thống kê công khai trên trang Worldmetters thì chiếm khoảng trên dưới 2% bệnh nhân, tùy từng nước khác nhau có sự xê dịch. Nhưng thống kê cũng cho biết, số người tử vong chủ yếu là ở nhóm người mắc bệnh nền mãn tính và tuổi cao từ 65 trở lên. Có lẽ với điều này, chúng ta cần phải chấp nhận quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” vốn là bất biến của đời người.

Cả xã hội và ngành y tế phải nhanh chóng chuyển từ nhận thức sang hành động rằng, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Sars-CoV-2 gây ra sẽ không bao giờ mất đi, thậm chí nó có thể còn biến thành loại khác có độc lực mạnh hơn. Nên cần thiết phải chuyển từ thực hiện chiến lược đối phó như với Pandemic - dịch bệnh, mà chuyển sang đối phó với nó như là một loại bệnh đặc hữu - Endemic.

Chặng đường chống đại dịch Covid-19 còn nhiều gian nan (Ảnh sưu tầm)

Từ đó tập trung nâng cao năng lực điều trị của thầy thuốc và các cơ sở y tế cùng với việc đề ra chiến thuật tầm soát bệnh cho phù hợp: Chỉ xét nghiệm dựa trên dấu hiệu lâm sàng chứ không xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng như hiện nay. Chống Covid sẽ trở thành một công việc thường quy hàng ngày của thầy thuốc và cơ sở y tế chứ không còn là một chiến dịch căng thẳng kéo cả xã hội vào cuộc như đang làm. Thực tế sẽ không một nền kinh tế xã hội nào chịu đựng nổi cách chống dịch phong tỏa xã hội mãi như hiện nay. Sự đổ vỡ về kinh tế xã hội, thậm chí là thiệt mạng do các bệnh tật khác không được chữa trị đầy đủ sẽ lớn hơn rất nhiều hậu quả đơn thuần do Covid gây ra. Bởi thế, phương châm “sống chung với Covid” sẽ bắt buộc phải trở thành hiện thực, dù chúng ta có muốn hay không.

Tuy nhiên để khái niệm Pandemic thành Endemic, “sống chung với Covid” thành hiện thực, từng người và cả xã hội đều cần phải có thay đổi, từ nhận thức đến hành động. Cần có những bước đi phù hợp. Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, nới lỏng dần giãn cách xã hội, thay đổi lối sống, chú trọng bảo vệ nhóm người yếu thế đối với bệnh tật… Đó là những việc cần làm ngay cùng với một việc rất căn cơ lâu dài là tăng cường trang thiết bị máy móc, và tuyển dụng thầy thuốc cho các trung tâm hồi sức cấp cứu vốn đã chứng minh vai trò đặc biệt hữu dụng trong việc cứu sống bệnh nhân covid nặng thời gian qua. Chỉ có vậy, chúng ta mới mới chủ động trong phòng chữa bệnh và làm chủ cuộc sống của mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top