Aa

Nhân vật ấu thơ đi cùng tôi

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Bảy, 27/08/2022 - 06:09

Có bao nhân vật, bao người bạn đã từ trang sách bước ra theo tâm trí cùng ta đi mãi từ ấu thơ đến tận bây giờ. Có những lúc ngồi ngẫm thật lạ, sao những hình ảnh, câu chuyện ấy lại bám rễ trong ta lâu đến thế?

Nó như mọc lên theo tháng năm để tỏa ra những không gian, những tưởng tượng. Và ta sống trong đời này, lại vẫn có được một đời sống khác, lung linh, bay lượn, nuôi nấng tâm hồn.

Bây giờ có khi người trong nhà vẫn gọi tôi là Tí trâu. Tí trâu con cụ cả Lẫm trong truyện “Ông cản ngũ” của nhà văn Kim Lân, nhỏ tuổi mà đánh vật hăng lắm. Chắc tại mấy bố con tôi hay chơi đùa chơi trò đánh trận giả, tôi còn bé đâu biết gì, cứ xông vào mà đấm mà đá, hoặc lấy cái quạt nan khua loạn xạ. Nhân hồi đó buổi trưa nằm ngủ, bố tôi hay đọc chuyện cho con nghe, có truyện “Ông cản ngũ”, nên bố tôi gọi tôi là Tí trâu, còn tôi gọi bố là cụ Cả Lẫm. Sau có những lần tự mình đọc truyện, đến đoạn cao trào lại hay rơm rớm nước mắt. Đó là khi cụ cả Lẫm đã thua ông Cản ngũ trong một keo vật, ông bước khỏi xới mà sao vẫn nghe tiếng trống thúc ầm ầm. Quay lại thì ra thằng Tí trâu đã xông vào đấu với ông Cản ngũ. Nhưng ông không muốn ra đòn mạnh tay với nó, như chính cụ Cả Lẫm trước đó đã không xuống tay với ông, và nhờ đó ông chuyển thế nguy thành thắng. Có lúc ông Cản ngũ thử bóp gân xương cho Tí trâu tái người đi, nhưng nhả ra nó lại lăn xả vào. Và ông thấy sao bỗng yêu nó đến thế! Còn cụ Lẫm thì đứng nhìn, mắt rơm rớm, cụ hiểu hết, và cụ xông vào, dừng trận đấu, bắt thằng Tí trâu vái ông Cản ngũ làm thầy.

Tên Tí trâu gắn với tên tôi trong lời gọi vui của gia đình còn lâu. Nhiều khi tôi cứ nghĩ, mình cũng có cái tính gì hăng hăng như cái cậu thiếu niên làng vật truyền thống xứ Bắc có hội đền Đô nổi tiếng ấy. Còn những nhân vật khác trong truyện này cũng có cái nét rất hay để tôi nhớ và thậm chí cũng muốn mình có được gì đó giống họ. Như ông Cản ngũ thì cao lớn, uy nghi, ông đi đấu vật các nơi để tìm người tài giúp ông Tán Thuật đánh Tây. Cụ Cả Lẫm thì xù xì, gân guốc. Anh Quắm đen học trò của cụ thì to khỏe như một con trâu mộng. Trước cái hôm đấu mà bị thua ông Cản ngũ, anh nung nấu lắm, anh ngồi chẳng nói chẳng rằng, uống từng bát rượu. Sau cả Quắm đen và Tí trâu đều theo ông Cản ngũ đầu quân cho ông Tán Thuật. Đọc những chuyện như thế, những người như thế, thật là mê quá đi!

Lễ hội Đền Đô nổi tiếng ở Bắc Ninh. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Tất nhiên tôi còn có biệt hiệu khác rất… hài, là “Hưng Khoai”. Vì chẳng hiểu thế nào đám bạn lại gán cho tôi, có lẽ do ít hôm trước đó học môn Văn đến truyện “Cây tre trăm đốt”, thế là khi trêu chọc nhau, chúng bỗng gọi tôi là anh Khoai. Tôi thì mặc kệ, gọi vui thôi mà, nhưng sau bố tôi biết, hơi bực mình, bảo hay gì cái thằng Khoai chỉ biết ngồi khóc, toàn phải nhờ ông Bụt giúp cho.

Ông Bụt cũng đi cùng những ước ao hão huyền của tôi một thời gian, cho đến khi mình hiểu là không nên cầu xin ông, mà cũng chẳng nhờ gì ông được, cũng có thể là đừng nhờ ông, để ông còn đi giúp người khác. Còn bây giờ, thì lạ là mình lại có lúc ao ước xa xôi là được nhìn thấy ông thôi, cho thỏa niềm ngưỡng mộ một nhân vật huyền linh luôn chìa tay che chở, khuyên nhủ, giúp đỡ bao nhiêu người khó trong chuyện xưa. Hồi bé, đọc những chuyện có ông, thỉnh thoảng tôi hay ngước lên những lùm cây cao. Ở đó, khi ánh nắng lấp lóa xuyên qua những tầng lá, có khi trong vạch sáng còn ánh lên một mảng màu như cầu vồng, bỗng dậy lên một cảm giác gì đó hơi kỳ ảo, như sắp có một ai đó hiện ra. Tôi mong đó là ông Bụt, và ông sẽ cho tôi thỏa nguyện một món đồ, một cuốn truyện, một thứ hay một việc gì đó như là đi về quê hay ra Hà Nội ở chơi nhà họ hàng chẳng hạn, mà tôi đã xin bố mẹ nhưng chưa được, hoặc bị từ chối.    

Nhiều nhân vật đã đọc thuở nào như nhắn với ta điều gì, thổi vào trong suy nghĩ non nớt của ta những cảm nhận mơ hồ về cuộc đời, về con người, về điều gì đó mà ở thiếu thời, ta vẫn hơi hơi đọc ra được như là cách nghĩ, cách sống, là giữ lấy những tốt đẹp trên đời, giữ lấy cái gì tốt cho mình. Những nhân vật ấy, những khung cảnh, sự miêu tả, bao nhiêu việc xảy ra từ trang sách, họ có mặt trên hành trình đi đến sự vượt qua, mạnh mẽ hơn lên, yêu thương thêm lên, khiến cho ta đọc mà nghĩ đến quanh mình, và khi nhìn, biết về những khổ đau có thật ở đâu đó, ta cứ nao lòng. Có khi tôi đi theo những con phố của thị xã Hà Đông ngày trước trên nền những làng cũ mà nghĩ về những nhân vật mình đã đọc. Có lúc còn le lói một ước ao sau này có thể viết ra những câu chuyện gì đó, kể, tả về những nhân vật nào đó trên những trang giấy. Và mong họ cũng đầy tình cảm, đầy nhanh nhẹn, linh hoạt, đầy những phiêu lưu như mình đã thấy đây, trên trang sách này.  

Hình tượng ông Bụt trong truyện cổ Việt Nam. (Ảnh: Tri thức & Cuộc sống)

Hồi chúng tôi còn nhỏ, bố hay dắt ra mua truyện ở hiệu sách nhân dân gần nhà. Có câu chuyện cổ nước ngoài mà sao trí nhớ theo thời gian càng thấy xót xa. Người thợ săn nọ bỗng một ngày biết được tiếng muôn loài, anh ta nghe những con vật nói với nhau về một tai họa sắp xảy ra, đất sẽ sụt xuống và lửa sẽ bùng lên, thiêu rụi xóm làng. Khổ thay, nếu nói ra bí mật kinh hoàng này, thì kẻ tiết lộ cũng sẽ gặp một kết cục khủng khiếp khác: Hóa đá! Tôi nhớ, sau những ngày dằn vặt, người thợ săn quyết định mời cả làng đến trước nhà mình và nói ra điều bí mật. Trong câu chuyện cổ, tác giả dân gian cũng đưa đẩy làm cho tình thế thêm phần kịch tính, mà giờ tôi nghĩ, nếu làm phim, dựng kịch, chắc các nhà nghệ sĩ sẽ có nhiều chi tiết để dần lên cao trào lắm! Cứ nói thêm một điều gì đó, người thợ săn lại hóa đá dần, từ đầu gối, đến thắt lưng, đến cổ, và sau khi anh dặn xong mọi người nơi tránh trú để thoát khỏi tai họa, thì lời nói của anh bỗng tắt. Mọi người nhìn lại thì cả người anh đã biến thành đá! Sự lãnh nhận hy sinh của con người dẫn dắt cộng đồng làm cho tôi sau này thấy nghèn nghẹn.

Cũng như một hôm về quê, lục trong thùng sách vở, giấy tờ bừa bộn của anh chị họ để tìm gì đó đọc được, tôi thấy cuốn sách giáo khoa môn Văn mà mình chưa học tới. Cứ thế ngồi cả chiều ngoài hiên, gập chân đến mồ hôi ướt nhờn cả hai cẳng, đọc câu chuyện Đan kô dẫn đoàn người đi trong rừng thẳm, giữa những cái mõm đen đặc và hôi thối của đầm lầy, giữa bão bùng tăm tối quăng quật đoàn người đói rét. Đọc Đan kô xé toang lồng ngực và chàng rứt trái tim ra, giơ cao lên, trái tim nóng bỏng cháy sáng đưa đoàn người tìm ra được thảo nguyên xanh mướt, tôi ngạc nhiên quá khi ai đó có thể làm được cái việc đau đớn như vậy. Nhưng tôi cũng nhớ lâu nỗi buồn của chàng khi nhìn đám đông những người đang căm tức, đang gào lên đòi giết chàng khi vẫn còn ở trong rừng, đi mãi mà chưa thoát khỏi bóng tối, nỗi muộn phiền và cô đơn của chàng khi ấy đã tột cùng.

Những câu chuyện, những tình huống dữ dội, gợi hình, gợi trí tưởng tượng còn non nớt của tôi một cách mạnh mẽ, cứ cuốn mình vào miên man những suy tưởng lạ lùng. Lạ quá, thực tình cảm thấy có những gì rất khác ngoài đời thực, khi mình đọc theo những trang sách. Ngay cả khi không phải là những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích đầy tính thêu dệt, đầy những tưởng tượng phong phú đến bất ngờ, mà có những chuyện được viết từ đời sống hiện đại của mình đây, sao cũng khiến mình bâng khuâng quá.     

Vẫn còn đấy hình ảnh chú bé Ti-mua cùng đồng đội đi rình bắt đám trẻ trộm táo trong vườn trong cuốn sách của nhà văn Nga Arơcađi Gaiđa. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần tập truyện tranh nhiều màu kể vắn tắt câu chuyện này, và sau đó là tập truyện khổ to nhiều chữ, có một số tranh minh họa, cứ nhớ mãi những ánh đèn pin lóe lên tứ phía khi đội thiếu niên ập vào khu vườn và bọn trộm táo ném tứ tung về phía những ánh đèn. Nhưng nhớ hơn nữa cảnh Ti-mua lấy mô tô của chú, chở Giê-nhi-a trong đêm lên tận thành phố để gặp bố của cô bé khi ông chỉ có được một lúc về qua nhà để lại ra chiến trường. Người chỉ huy sau giây phút mừng rỡ ôm chặt con gái vừa ào vào nhà, đã bước đến bắt chặt tay Ti-mua như với một người đồng đội. Xem tranh và đọc đến hành trình chở bạn trên chiếc xe mô tô lấm đầy bùn đất ấy, tôi mường tượng ra điều gì đó như là phiêu lưu, như có gì rất đỗi người lớn, và tôi mong sau này họ sẽ… lấy nhau. 

Những trang sách mở ra cho tâm hồn mình những chân trời mới. (Ảnh minh họa)

Đấy là ước như thế, từ câu chuyện. Và dừng lại ở trang cuối thì cứ tiếc mãi sao chuyện không dài ra nữa, để được thấy tiếp nhân vật đi lại, làm thêm những việc gì đó đầy náo nức có thể còn diễn ra nữa. Và sau đọc lại, thì càng về gần những trang cuối, lại dấy lên cái cảm giác nôn nao sắp đến chỗ kết thúc hôm nào. Xem “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” của nhà văn Xuân Sách cũng thế. Còn trong trẻo và bình yên mãi cái cảnh một sớm trong mát của làng quê trở lại thanh bình, cậu thiếu niên Nguyễn Thạc Hoan trở về từ Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua trên chiến khu, trông đã thật chững chạc mà có bạn trong đội du kích mới nhìn còn không nhận ra. Những người bạn cùng nhau đi trên đường làng Đình Bảng đã được giải phóng, nhìn những khuôn mặt tươi cười của bạn bè quanh mình mà nhớ đến những người bạn thiếu niên đã ngã xuống, máu đã thấm trên đất quê hương này. Chuyện về những thiếu niên, chớm tuổi vị thành niên đó, kết lại thành một đội, bí mật hoạt động theo dõi quân Pháp, chuyển thông tin phục vụ du kích, bộ đội ta chiến đấu trong những tháng năm làng quê Đình Bảng, miền đất Từ Sơn, Bắc Ninh bị giặc chiếm đóng. Khi bé tôi đọc thấy đã đầy hiểm nguy, ly kỳ và cũng ngổn ngang những sự vụ, tình tiết, tâm trạng. Sau này có khi giật mình về những suy nghĩ, nung nấu, những hành động khác thường của tuổi thiếu niên trong cái bối cảnh ngột ngạt, hờn căm ấy. Tôi nhớ cảnh Hoan trốn giặc ra nấp ngoài đồng, đói hoa cả mắt, Hoan men theo bờ ruộng móc cua ăn sống. Cua tanh quá, nhưng ăn vào cũng thấy tỉnh người. Nhớ cảnh Nguyễn Thạc Hoan nửa đêm trèo vào nhà lý Vạc, dọa cho tay lý hào theo Tây này sợ rúm lại, nhất là khi tay cậu bé đặt ở trong túi áo, có gồ lên một vật gì màu đen, như là cái báng súng, hóa ra chỉ là khúc gỗ. Nhớ cả hình ảnh Húc và Bảy, những cậu bé trong đội du kích bị giặc đưa ra bắn, kiên cường đến phút cuối. Và còn Lâm, nấp dưới hầm kiên quyết không chịu lên, bị giặc quăng lưu đạn xuống… Chuyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” của nhà văn Phạm Thắng có chi tiết cậu bé bơi ra hồ Gươm, cắm cờ đỏ sao vàng lên tháp rùa trong đêm làm sáng hôm sau, giặc Pháp bàng hoàng, bao người dân đi qua hồ ngỡ ngàng. Nhiều lần đi qua hồ, tôi vẫn nhớ lại chi tiết ấy, và mắt lại hướng về đỉnh tháp rùa, nghĩ nên thỉnh thoảng có lá cờ đỏ sao vàng tung bay.

Nhớ mãi cái bìa quyển truyện Iliat mà mình đã đọc mấy lần, có hình chàng Asin đang ngước nhìn lên như mong ước, chờ đợi một điều gì. Cuối truyện, tôi ngạc nhiên quá khi ông vua già Priam đến quỳ xuống hôn chân kẻ đã giết con mình và xin được mang xác Hécto về. Còn chàng Asin thì nâng ông dậy như nâng một người cha, trong lòng chàng thấy thương ông vô hạn. Tôi cũng nhớ cả phút giây cùng quẫn của chú vịt con xấu xí khi ở trong hố băng đang dần khép lại, khiến cho vịt con không thể quẫy được nữa và nó bị băng đóng cứng. Nhiều lúc, mường tượng hình ảnh vịt con lang thang một mình, nó ngước lên trời cao nhìn thấy những con chim kiều diễm bay qua, nó cất tiếng kêu ồ ồ, tiếng kêu mà chính nó cũng thấy sợ hãi. Một câu chuyện kết thúc có hậu của nhà văn Anđécxen khi vịt con xấu xí trở thành thiên nga. Nhưng những đau buồn khi nó bị xa lánh, hắt hủi, xua đuổi, thì thật là ám ảnh.

Những nhân vật của ấu thơ đi cùng tôi, thỉnh thoảng hiện lên trong hoài niệm, trong suy tưởng theo thời gian khi mình đã trải nghiệm bao tháng ngày đời sống, bao đường đất, gặp gỡ bao con người, lắng trong bao nhiêu mùa tâm trạng. Những nhân vật vẫn cứ vẹn nguyên, linh động như thế, nhưng khi ta lớn lên hơn, vẫn tiếp tục trò chuyện với ta như một vẻ đẹp trong trẻo, chân thành bền lâu của những chân trời lành thiện mà những trang sách mở ra cho tâm hồn mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top