Aa

Nơi người văn ngồi viết

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Ba, 02/08/2022 - 06:12

Nghĩ vui, nghĩ lan man chuyện bếp núc văn chương ngay ở những nơi chốn mà mình thực hiện hành vi sáng tạo cũng phong phú cung bậc lắm!

Tôi đang gù lưng trên ghế, tay chống xuống hai bên quyển sách mở ra trên mặt đệm, đọc đến những câu thơ nhà vua viết khi đi tuần thú theo dọc bờ biển. Những câu thơ cảm khái về âm hưởng công lao các bậc kiệt hiệt xưa vẫn còn như nổi lên trong gió bốn bề nơi cửa sông lồng lộng. Bỗng ngẫm cái tư thế kiêu dũng của bậc đế vương trên lưng tuấn mã chợt nảy ra ý tứ ảo diệu rồi sau đó thì khoan thai thảo từng nét sắc gọn lên tờ giấy hoa tiên trải rộng ở chốn dừng chân tùy tùng lớp lớp trong ngoài. Để rồi tôi liên tưởng đến kẻ thảo dân là mình lúc này đang gò gẫm đọc những chữ hào sảng có thể đã được chính quân vương viết ra trong không khí ấy, tự thấy cần phải có ý thức sửa sang cách ngồi đọc khi đến với sách vở, sao cho nó phải chĩnh chiện, văn minh một chút. Chứ nằm ngồi ngả ngớn mà đọc thơ của vua thế này sao?

Rồi lại nghĩ đến người bạn nghiên cứu, khi viết những dòng biện luận về khí khái của đức vua lúc sáng tác, liệu bạn có ngồi khoanh chân, tỳ cằm, chống gối bên chiếc bàn thấp đặt trên phản gỗ, quanh mình là cơ man giấy tờ, sách vở, và cả những đứa con chạy nhảy, reo hò. Có thể lắm chứ, vì nhà bạn đã có hẳn một phòng sách trên gác làm nơi đọc, viết cho tập trung, nhưng nhiều sách quá nên còn phải có một tủ nữa dưới nhà, với chiếc “bàn mưu sĩ” kê trên phản để khi cần thì đọc, viết cho tiện. Mà như thế thì làm sao tránh được không khí sôi nổi của hai đứa con chạy ra chạy vào, thỉnh thoảng lại trêu chọc nhau, cùng người vợ trẻ vừa làm việc này việc kia, hái rau củ, lo cơm nước, vừa đi ra đi vào nhắc nhở, gọi, dọa, đe nẹt.

Bạn văn lững thững đi bộ mỗi ngày ngắm hoa sen, hàng cau, luống hoa... ngước lên nhìn cả bầu trời không vướng víu như một “thư phòng thiên nhiên” quý giá. (Ảnh: Vũ Mừng)

Nhưng không, bạn tôi không chỉ ngồi nghĩ và viết trong không khí bộn bề, cấp tập đó. Mà quanh nhà bạn, nơi khu tập thể của một viện chăn nuôi bên ven thành phố, qua bên kia sân bóng chuyền là những vườn rau, những giàn mướp, bầu leo um tùm, những bụi rong giềng nhô cao hướng ra phía hồ sen. Tháng 5 năm ngoái, tôi ngồi trước những chiếc lá xanh bàng bạc lấp ló những nụ phớt hồng đang cùng rập rình như một vùng khí hậu riêng, tưởng mình cũng rung rung theo cùng gió mới. Trời nắng thế mà cảm giác như riêng cái hồ này sắp mưa. Và quanh đây không có nhà cao, nên lá sen nhấp nhô về tận cuối hồ đằng kia, liền vệt xanh với hàng cây phía xa hơn nữa nối lên mây trời, gợi cảm giác sen với nước càng thêm rộng.

Cả một khu sinh hoạt đời thường của người viện chăn nuôi, nhờ đất rộng mà liên tiếp những vườn rau, luống hoa, hồ sen, súng, vườn ươm cau cảnh và những hàng xà cừ lâu năm rợp mát như thế, chiều chiều trẻ con kéo nhau luồn lách chơi mãi không biết chán. Bạn văn lững thững đi bộ mỗi ngày, ngước lên nhìn cả bầu trời không vướng víu, chẳng đáng là một “thư phòng thiên nhiên” không dễ có trong buổi này hay sao!

Chợt nhớ đến một trại sáng tác nơi hồ nước lan ra mãi xa tận vùng mây phía đằng kia mà những thân cây, vài bóng người với chiếc thuyền xuất hiện bỗng trở nên nhỏ nhoi. Đứng trên ban công ngoài cửa phòng viết dành riêng cho mình trong những ngày rời nhà đến ở hẳn một chốn khác lạ, mà gió, mà mưa quanh quanh một vùng “tiểu khí hậu” nơi này, lúc nào cũng làm cho mát, cho ẩm, cho ướt át, chẳng phải cũng gợi lên trong mình vài liên tưởng hay sao! Hoặc không thì ít nhất cũng để mình yên tĩnh trong những giờ phút im lặng thanh mát này mà lan man đôi chữ, để rồi ý lên, chữ gọi hình, âm gợi trạng thái, và niềm hứng thú của một cái gì đó mới mẻ bỗng hiện ra.

Vậy cũng là những nơi, những lúc mà ta nên được có trong tháng năm đằng đẵng mang mỗi một cái tên không đầu không cuối: Viết! Tất nhiên mỗi lần đó thì nên được hưởng lâu dài, tận độ cái không gian, thời gian yên bình cảnh vật mà sục sôi nội tâm, chứ đừng nên bỗng nhiên xuất hiện một trại viên nào đó đến muộn hoặc đi đâu chơi về, vào chơi, uống chén nước chè, ngồi kể chuyện liên miên, nói như súng bắn, hết luôn cả tiếng.   

Từng chút một, cần mẫn, những trang bút ký văn chương, ghi chép văn hóa dài thêm trên laptop. (Ảnh minh họa)

Nghĩ vui, nghĩ lan man chuyện bếp núc văn chương ngay ở những nơi chốn mà mình thực hiện hành vi sáng tạo cũng phong phú cung bậc lắm! Nhớ dạo nọ, tờ báo về văn chương, nghệ thuật mới ra mở một góc cho các nhà văn, nhà thơ kể về chỗ sáng tác, làm việc của mình, khá nhiều những tình cảm, những gợi hình, gợi ý được sẻ chia trên chuyên mục ấy. Có nhà thơ kể về cái ban công sau nhà dưới một giàn hoa leo nơi những tối trời dịu nhẹ cuối ngày nổ lửa đom đóm vì nắng và nóng khô đại đô thị phía Nam, chủ nhân ngồi cặm cụi biên tập bài vở cho một website văn chương, trao đổi với các tác giả, cộng tác viên.

Có nhà thơ công tác trong quân đội, kể về cái căn hộ nho nhỏ của mình nơi hai bố con ở để bố đi làm, con đi học ở địa bàn bên này thành phố cho tiện, còn nhà thì mẹ trông ở phía quê ngoại thành bên kia sông lớn Thủ đô. Không quá xa, nhưng cũng không phải muốn về thường xuyên mà được, nên hai bố con nhiều khi lọ mọ cơm nước giản tiện bên này cả tuần. Và căn hộ thì cũng không ít lần mưa hắt, nước ngấm lúc đêm hôm. Nhà thơ sáng tác trong không gian đó, ông còn tranh thủ biên tập, tổ chức bản thảo có khi làm giúp, có khi làm dịch vụ cho bằng hữu hay ai đó nhờ lo cho tập thơ, tập truyện từ khâu A đến Z, nghĩa là đọc, sửa bản thảo, xin giấy phép, đặt trình bày, in ấn, cho đến khi ấn phẩm “ra lò”.

Lại nhớ câu chuyện kể về giọng đọc nửa hư nửa thực lúc đang đêm như ban tặng cho thi sĩ tài danh lận đận những tuyệt tác, “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”…, rằng đi ngủ ông hay mang theo vào trong màn tập giấy trắng cùng chiếc bút chì vót sẵn cẩn thận, để một bên gối. Ý gì chợt đến là có thể viết ngay. Cả khi nếu có giọng nữ nào lên văng vẳng trong tâm trí, trong mơ tưởng, thì cũng có thể ghi lại, để sáng hôm sau ngủ dậy, bên mình, trên trang giấy viết vội, một thi phẩm mới đã gần nên vóc nên hình. Có nhà thơ sau khi về hưu ở một nhà xuất bản, về ngồi làm việc, sáng tác trong một cái phòng rất nhỏ hẹp là chỗ gầm cầu thang của một cơ quan mới là chỗ hội nghề nghiệp, có cải tạo chút chút.

Nữ nhà thơ khác người đồng bằng lên công tác vùng cao, hiến hết cả thanh xuân, trung niên cho hoạt động văn học và nghiệp sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trên những đường hẻo lánh Tây Bắc, xa tít phía Lai Châu. Gây dựng được ngôi nhà sàn làm thư viện, nhà thơ lưu giữ và trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật đặc sắc cho mọi người cùng thụ hưởng. Vừa sáng tác, vừa là nơi gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu văn hóa vùng miền với đồng nghiệp, du khách, người có nhu cầu tham quan, nghiên cứu từ mọi miền, không gian văn hóa đó quả là sự định hình hài của niềm hạnh phúc hoàn thành sở nguyện. Tôi cứ mường tượng tối lạnh thông thốc bên ngoài những vách gỗ, tiếng những lùm cây to như kêu lên quần quật, ở trong này, người viết mở những cuốn sổ chép tay chi chít bên bếp lửa rực ấm, đôi tàn lửa thoang thoảng bay lên. Từng chút một, cần mẫn, những trang bút ký văn chương, ghi chép văn hóa dài thêm trên laptop. Lúc lúc, nữ chủ nhân lại xoay mấy bắp ngô kề bên than hồng, với cái ấm nước sôi phun hơi kêu pho pho mà rót luồng trong veo bốc khói trắng vào ấm trà tuyết. Nghĩ thế, lại thấy thèm có được những cảm giác ngồi viết lách đêm hôm ở nơi kề bên núi rừng.

Đấy cũng là mình nghĩ cảnh giả nơi con người chữ nghĩa sống và làm việc, thì mình tưởng ra, chứ có khi chưa chắc là vậy. Duy có điều này thật quý, nhà thơ trên ngôi nhà sàn ấy vui lòng nhận nhiều sách vở bạn văn xa gần gửi tặng, cho giàu thêm thư viện cá nhân, vừa mình đọc, vừa để đồng nghiệp trong tỉnh biết thêm các tài hoa bên ngoài.

Những nét kiến trúc xưa vẫn còn nguyên trong ngôi làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Tùng Dương)

Giật mình nhận ra suốt từ nãy chỉ lan man kể chỗ ngồi viết của các nhà thơ, tôi nhớ đến ngôi nhà cổ tuyệt vời tứ bề những gỗ là gỗ trên làng cổ Đường Lâm của nhà văn xứ Đoài Hà Nguyên Huyến. Ông quả là giữ được một cái “trại sáng tác mini” hiếm hoi trong thời buổi tàu bay, tên lửa, để mà hồi còn đi làm ở Hà Đông, Hà Nội ồn ào, cuối tuần lại thong dong về nghỉ ngơi trong bóng tối sẫm của hiên nhà thấp, nhìn ra mảnh sân ngời nắng đầy những chum tương nâu óng. Cái trại viết “siêu to khổng lồ” hơn thế, chính là cả chuỗi làng cổ Đường Lâm dày đặc những di tích, di sản và tập quán. Về trong cái không gian của những luồng sáng nhè nhẹ, thanh u, lọc qua những kẽ ngói, những vòm cây cổ thụ, phủ trên những đầu hồi nhà đá ong nâu vàng thẫm lại, lỗ chỗ, thi thoảng lọt trong gió chiều những tiếng quê nằng nặng từng lớp văn hóa ông bà, tổ tiên, xóm giềng…, thì có mà muốn nghỉ ngơi sau những ngày đánh vật với các tập bản thảo tác giả khắp nơi gửi về cơ quan báo, cũng chẳng nghỉ được nữa. Lại có gì thôi thúc cho mà xem, để cầm bút nhẩn nha đôi điều quê nhà, sông núi, huyền thoại, chiếc mõ cá lớn trên đình, những lá ngô mướt ngoài bãi tha ma nhấp nhô như dốc đồi.

Ngay gần xa ngôi nhà cổ của nhà văn Hà Nguyên Huyến vốn được xếp vào nhóm nhà quý nhất Đường Lâm, lại là một “phòng văn” khác của nhà văn Đỗ Doãn Quát. “Trại sáng tác gia đình” này giản dị hơn, không cầu kỳ chạm khắc nhưng cũng thuộc kiểu nhà truyền thống lâu năm, sân vườn thoáng mát, nhất là vườn xanh um tươi tốt, là nơi dưỡng tâm, dưỡng thần, khởi ý cho người cầm bút vốn cũng là lang y giữ nghề gia truyền. Nhiều truyện của ông phảng phất hương vị cây thuốc và những chi tiết trong cuộc đời người hành nghề y cứu đời. Những năm gần đây, các văn nhân, ký giả con của ông có làm hẳn một ngôi nhà… tròn màu vàng gác ở trên cành cây, dựng thang để leo lên cho trẻ con mỗi lần từ trong phố Hà Nội về với ông bà có thêm chỗ để vui. Tôi tò mò không biết lão văn nhân ông nội của các cháu có lúc nào lên ngồi viết trong căn phòng tròn trên cây đó chăng!       

Hoa lộc vừng đỏ thắm thường gợi nhiều cảm hứng cho văn thơ thăng hoa. (Ảnh: Bùi Doanh)

Xanh tươi, khoáng đạt, cổ kính, uy nghi cho chỗ ngồi viết hay. Mà tuềnh toàng, chật chội, lôi thôi, tằn tiện, nhiều khi cũng là điều kiện đủ cho người văn thơ thăng hoa. Viết trên đường đi công tác, khi ngồi phà sang sông lớn, trên mỏm núi vừa tan mây chợt thoắt lên một ý lóe sáng, lúc đang lắc lư người đập nhè nhẹ vào vách tàu bỗng nhìn xa qua cửa sổ về những con đường hút xa vào sau chân núi, lòng nôn nao nghĩ sẽ không bao giờ mình có dịp tìm đến nơi đó, và phải viết gì cho chút cay đắng này. Viết trước lúc ngủ ở một khách sạn, một nhà nghỉ, một nhà khách công vụ, một phòng nghỉ đơn giản của cơ quan, đơn vị, hay dưới mái căn nhà người bạn tỉnh xa, tranh thủ hý hoáy những ý những chữ mới nảy ra trong cuộc gặp gỡ, trong lúc lang thang thư thả ngắm phố núi, phố biển về đêm. Đâu cũng là phòng viết, bàn viết cho mình suy tư.

Tôi cứ nhìn bộ bàn ghế đá kiểu dáng đơn giản “ăn chắc mặc bền” hay thấy ngoài công viên, hè phố, đặt trên sân nhà người bạn viết miền Trung nơi mùa về gió Lào vùng vẫy. Mặt bàn, mặt ghế rụng lả tỏa hoa lộc vừng đỏ thắm, vương cả xuống mặt sân gạch xi măng lấm tấm cỏ rêu. Quanh nơi nữ chủ nhân thong thả ly nâu đá sáng ngày đọc sách, ngẫm ngợi gì đó để cấu tứ đề tài, phong lan, dương xỉ, mấy chậu cây đủ dựng lên một vạt vườn trong phố rợp dưới bóng cây đáng mơ ước. Có nữ văn sĩ hay thả bước dưới chân những nhà thờ xứ biển và nhiều truyện ngắn, tản văn thấp thoáng bóng dáng nhà thờ đổ, tiếng chuông ngân loang theo mặt sóng, khiến tôi tưởng chừng cả phòng viết của chị là bãi biển xứ Nam. Và cũng thường thấy, như một lẽ tất yếu, “thư phòng” của rất đông văn nhân, thi sĩ thường là phòng làm việc, máy tính bật sáng trên mặt bàn gỗ ép bọc nhựa, giấy tờ, văn bản từng chồng từng xấp ngập lên, điều hòa chạy ro ro, người ra người vào lắm khi tấp nập, xung quanh ríu rít bao thứ chuyện con cà con kê vui buồn sướng khổ công nợ cuộc đời. Thỉnh thoảng mở rộng cửa sổ ra để đón còi xe inh oang và nóng nắng gắt gỏng ập vào mặt.

Tôi thích những kiểu tiện lợi, linh hoạt quyển sổ, cây bút, kê trên đùi, cầm trên tay, hay chiếc điện thoại thông minh luôn sẵn trong túi, ở đâu cũng viết được. Nhưng cũng lấy làm hứng thú đứng trước một chiếc bàn gỗ rộng, căn phòng nhiều sách nào đó, hay bộ bàn ghế ngựa thô mộc, phòng khách ngôi nhà của đồng bào đắp lên bằng đất, lợp ngói âm dương, và cả chiếc bàn nước cơ quan… khi được giới thiệu đó là chỗ của người văn nào đó sống, làm việc. Mỗi nơi ấy của mỗi ai ở tư cách một tác giả, một người làm văn, làm thơ, sẽ gợi lên trong ta niềm cảm kích về suy nghĩ miên man, về sự sinh sôi của những ý tưởng, ngữ nghĩa, về những cuộc bùng cháy của sáng tạo bằng bao nhiêu băn khoăn, xót thương, trìu mến, giận dữ, bằng những mong ước và bâng khuâng không dứt về đời sống vô cùng vô tận quanh mình./.      

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top