Aa

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...

Thứ Hai, 19/02/2024 - 06:00

Nhất chi mai được xếp vào Thập đại danh hoa bởi vừa mang cốt cách thanh tao, khí phách kiên cường của người quân tử, lại vừa có nét mỏng manh, yểu điệu của người con gái trong trắng dịu dàng.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 1.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 2.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 3.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 4.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 5.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 6.

Tết Hà thành tất nhiên là phải nói đến hoa. Hoa ngày Tết đất Kinh kỳ thì nhất thiết không thể thiếu đào. Đào Nhật Tân đã nổi tiếng từ bao đời nay. Rồi mấy năm gần đây, người Hà Nội đã làm sống lại thú chơi hoa ngày Tết xưa với thược dược, violet và hoa thủy tiên. Thược dược muôn hồng nghìn tía, violet màu tím thủy chung... rất gần gũi, thân thuộc mà lại có chất sâu lắng, kín đáo như cốt cách của người Tràng An xưa... Còn thủy tiên thanh tao, quý phái, có chút gì đó kiêu sa với làn hương như thực như hư quyện với khói hương trầm mặc và mưa xuân như rắc bụi tưởng không có gì hợp hơn. Tuy nhiên, chơi hoa thủy tiên là cả một nghệ thuật tinh tế, cầu kỳ mà không dễ ai có thể chạm tới...

Nhưng Hà Nội còn có một loài hoa rất đặc biệt ngày Xuân. Nó vừa mang cốt cách thanh tao, khí phách kiên cường của người quân tử, vừa mang dáng vẻ trong trắng thơ ngây đến tinh khôi và mỏng manh như sương như khói của người thiếu nữ đất Kinh kỳ. Đó là hoa mai.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 7.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 8.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 9.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 10.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 11.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 12.

 Hoa mai, nhưng không phải mai vàng phương Nam, mà là mai trắng, còn có tên là bạch mai, hàn mai, mà những người trong giới chơi hoa cũng như dân gian gọi là Nhất chi mai hay Nhị độ mai. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có hai cái tên này, hỏi ông Google cũng không biết, nên đồ rằng có lẽ hai cái tên trên xuất phát từ trong văn học.

Nhị độ mai và Nhất chi mai

Lớp người sinh ra từ đầu thế kỷ XX trở về trước, ngoài những truyện như Quan Âm Thị Kính, Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh, Trương Chi..., còn khá quen thuộc với truyện thơ Nôm khuyết danh "Nhị độ mai", có nghĩa là Hoa mai nở hai lần.

Cốt chuyện xoay quanh việc nhà họ Mai bị quan tham trong triều hãm hại, người chết, người phải ly tán lánh nạn. Trong đó có chi tiết, hôm giỗ Mai Bá Cao, Trần Đông Sơ nhớ bạn, bày lễ ở ngoài vườn khấn: Nếu họ Mai còn dòng dõi thì xin cho cây mai trong vườn trổ hoa. Nhưng đến đêm, trời nổi cơn mưa gió, hoa mai rụng sạch. Trần công buồn rầu muốn đi tu. Con gái ông là Hạnh Nguyên khuyên giải, xin khấn cầu lần nữa. Ba hôm sau, hoa mai lại nở đầy trên cây (vì việc này nên mới đặt truyện là Nhị độ mai). Trần công mừng lắm sai bày rượu. Sau đó họ Mai được giải oan, thi đỗ làm quan và Trần công gả con gái Hạnh Nguyên cho con trai bạn mình là Mai Lương Ngọc. Từ đó, loài hoa mai này mỗi năm nở hai lần vào mùa xuân. Lần nở hoa đầu tiên giáp tết nhưng chỉ là vụ hoa phụ. Mùa hoa chính là vào tháng 2, khi những cành hoa mai, hoa đào đã dần phai tàn hết, Nhị độ mai lại thay áo mới, nở ra những bông hoa trắng muốt.

Cái tên Nhị độ mai phải chăng là xuất phát từ câu chuyện trên và dựa vào đặc điểm nở hoa hai lần vào mùa xuân của loài hoa này chăng...

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 13.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 14.

Còn Nhất chi mai thì tôi đồ rằng xuất phát từ câu thơ của Đại sư Mãn Giác thời nhà Lý, được chép trong tập "Thiền Uyển tập anh" do Thiền sư Kim Sơn thuộc Thiền phái Trúc lâm viết vào năm 1937. Sách làm vào thời Trần nhưng chủ yếu ghi hành trạng của các tăng sĩ thời nhà Lý. Thiền Uyển tập anh chép lại nhiều bài kệ, nhưng nổi bật là bài kệ của Đại sư Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Ngô Tất Tố dịch:

Xuân ruổi trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;

Đêm qua, sân trước một nhành mai.

Trong đó đáng chú ý và nổi tiếng nhất là hai câu cuối:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Tôi cứ nghĩ, phải chăng chữ "nhất chi mai" trong bài kệ này từ đó sống đời sống riêng trong dòng chảy văn học và dòng đời, để trở thành như một điển cố văn học và người ta lấy chữ này gán cho loài cây cốt cách phong sương hiên ngang giữa trời giá rét mà trong trắng không vương chút bụi trần.

Tôi nói "gán", là bởi nhiều người nói rằng "nhất chi mai" hay "một nhành mai" trong bài kệ trên là chỉ cây mơ, loài cây nổi tiếng ở vùng Hương Tích và trong bài thơ của Nguyễn Bính:

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ

Say nhìn xa rặng núi xanh lơ

Khí trời lạnh lẽo và trong trẻo

Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ...

Và ngay trong bài kệ trên, Hoàng Nguyên Hãn cũng dịch hai câu cuối là:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;

Ngoài sân đêm trước một cành mơ.

Để đến hôm nay, các nhà nghiên cứu và người yêu thơ vẫn tranh luận nên dịch là "một cành mai" hay "một nhành mơ"... Nhưng thôi, đó là việc của các nhà nghiên cứu, còn đối với người Việt thì có lẽ mọi người vẫn thích chữ "nhất chi mai" hơn. Không phải chỉ bởi là từ Hán – Việt, nghe trang trọng, mà còn là và quan trọng là nói lên được cốt cách, khí phách của người quân tử, không gì có thể lay chuyển... Vả lại, "mơ" hay "mai" cũng chỉ là một, bởi tên chữ Hán của cây mơ chính là "mai" mà. Đến tận bây giờ, trong một số trường hợp, người ta vẫn gọi tên chữ của cây mơ, như "ô mai" đấy thôi...

Nhắc đến chữ "nhất chi mai", chắc hẳn nhiều người cũng không quên bài thơ chữ Hán "Thướng sơn – hay Thượng sơn) nổi tiếng của Chủ tịch – Nhà thơ Hồ Chí Minh:

Lục nguyệt nhị thập tứ,

Thướng đáo thử sơn lai.

Cử đầu hồng nhật cận,

Đối ngạn nhất chi mai. 

Dịch nghĩa

Ngày hai mươi bốn tháng sáu,

Lên đến núi này.

Ngẩng đầu thấy mặt trời đỏ gần lại,

Bờ bên kia có một nhành mai.

Tố Hữu dịch thơ:

Hai mươi tư tháng sáu,

Lên ngọn núi này chơi.

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,

Bên suối một nhành mai.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 15.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 16.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 17.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 18.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 19.

Nói lan man như vậy là để mọi người hình dung không gian văn học của tên gọi "Nhị độ mai", và nhất là cái tên "Nhất chi mai" của loài hoa mà chúng ta đề cập đến từ đầu bài viết. Nhưng đó chỉ là suy đoán của cá nhân tôi với kiến thức còn hạn hẹp, nên rất mong được các bậc cao nhân chỉ giáo để mở mang nhận thức và nhất là để am hiểu sâu sắc và đúng đắn hơn về tên gọi của loài hoa mà sau đây chúng tôi thống nhất gọi là "Nhất chi mai" này.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 20.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 21.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 22.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 23.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 24.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 25.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 26.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 27.

     Thập đại danh hoa

Nhất chi mai có tên khoa học là Prunus mume, tên tiếng Anh là Chinese plum, còn tên gọi trong đời sống là nhị độ mai, nhất chi mai, mai trắng, bạch mai, hàn mai... Tuy nhiên, ở đây cũng cần "mở ngoặc" lưu ý một chút, là cái tên "mai trắng" và "bạch mai" cũng còn được gọi cho loài mai giống hoa mai vàng trong Nam nhưng có màu trắng. Nhất chi mai được gọi là "mai" nhưng thực ra chúng không cùng họ với loài mai vàng, mà gần gũi với mơ Nhật Bản hay mơ tây...

Theo một số tài liệu khoa học, Nhất chi mai có nguồn gốc từ lưu vực sông Dương Tử ở miền Nam Trung Quốc, rồi được nhân giống qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, có lẽ bởi vẻ đẹp và sự đặc biệt của nó. Nói là đặc biệt bởi nó vừa có màu trắng tinh khôi, vừa có màu hồng và thậm chí có khi còn đỏ thắm pha sắc tía. Nó lại vừa mong manh như khói như sương, nhưng lại là biểu tượng của người quân tử cốt cách và khí phách hiên ngang.

Tại Việt Nam, Nhất chi mai phân bố ở những vùng có khí hậu lạnh, nhất là các tỉnh vùng cao Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, hay vùng rừng núi xung quanh chùa Hương Tích ở Mỹ Đức, Hà Nội...

Ngày Tết, hoa đào là loại hoa phổ biến đối với xứ Bắc bởi sắc hồng rạng rỡ và sự tươi tắn như báo hiệu cho một năm mới hạnh phúc và sự phát triển phồn thịnh. Nhưng những người "kỹ tính" một chút lại thường chọn Nhất chi mai. Nho giáo quan niệm "Mai" là một trong bộ "Tứ quân tử" gồm Trúc – Tùng – Cúc – Mai. Người xưa cũng quan niệm "Mai" là một trong Tứ quý gồm Tùng – Cúc – Trúc – Mai, trong đó Mai tượng trưng cho mùa xuân, Trúc tượng trưng cho mùa hạ, Cúc tượng trưng cho mùa thu và Tùng tượng trưng cho mùa đông.

Sở dĩ Mai được đưa vào Tứ quân tử và Tứ quý bởi dáng cao đẹp, hoa cánh mỏng, sắc hoa trắng trong lại có cả sắc phớt hồng, hương thơm tao nhã. Đồng thời, cây lại có khả năng sinh trưởng và nở hoa giữa tiết trời giá rét nên được xem là tượng trưng cho cốt cách thanh tao, khí phách kiên cường bất chấp mọi sự khắc nghiệt vẫn kiên định ý chí và vượt lên mọi hoàn cảnh. Chẳng thế mà nhà thơ nổi tiếng thế kỷ XIX cũng là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Sơn, ông Thánh chữ Cao Bá Quát đã viết:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Nghĩa là:

Mười năm lặn lội đi tìm kiếm cổ

Một đời chỉ biết cúi lạy trước hoa mai.

Chính vì thế, Nhất chi mai được đưa vào hàng "Thập đại danh hoa" trên thế giới.

***

Đánh võng một chút, khi đã viết xong bài này, tôi lại đọc được tút của một họa sĩ có tên tuổi, rằng ông mới được biết hai câu trên thực ra là đôi câu đối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và rằng, theo "Như Thanh nhật ký", năm 1868, vua Tự Đức cử đoàn sứ thần gồm Chánh sứ Lê Tuấn và các phó sứ Nguyễn Tư Giản, Hoàng Tịnh sang sứ nhà Thanh. Khi Sứ đoàn đến Hồ Bắc được tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp trọng thể và tặng mỗi người một đôi câu đối. Trong đó Nguyễn Tư Giản được tặng câu:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Dịch nghĩa:

Mười năm chọn bạn như tìm kiếm cổ

Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai.

Ông họa sĩ còn chua thêm: Tài liệu này là bản chép tay trong "Yên thiều bút lục" của Nguyễn Tư Giản hiện lưu giữ tại Thư viện Trung ương, ký hiệu A-852, tờ 18a-b...

Nói thế để thêm rộng đường hiểu biết về Nhất chi mai, cũng như một phần lý giải cho việc tại sao loài hoa này lại được xếp vào Thập đại danh hoa..., chứ hoàn toàn không có ý tranh luận về xuất xứ của hai câu trên.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 28.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 29.

Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 30.

Khúc xuân ca như khói như sương...

Điểm đặc biệt của Nhất chi mai không chỉ ở việc một năm nở hai lần vào mùa xuân (nhị độ mai), mà còn ở chỗ loài hoa này có thể chuyển sắc, mà sắc nào cũng đều có vẻ đẹp riêng tươi tắn, trong trẻo mà sâu lắng.

Khi còn ẩn mình trong kẽ lá, những chiếc nụ mang sắc đỏ, thậm chí là đỏ thắm; nhưng càng lớn chúng lại dần chuyển sang màu hồng, hồng phần. Rồi đến khi nở mới bung những cánh hoa trắng muốt, tinh khiết như sương mai và mượt mà, mềm mại như tà áo dài của thiếu nữ tuổi xuân thì. Nhìn cả chùm hoa, cả vòm hoa giữa đại ngàn hay trong giá rét, chẳng khác gì những bông tuyết trắng nhẹ nhàng đến tinh khôi.

Nhưng chỉ mấy ngày sau, cánh hoa chuyển dần sang màu hồng phấn, rồi nếu gặp nắng xuân, chúng có thể mang màu đỏ thắm, thậm chí chuyển sang sắc tía cứng cáp hẳn lên nhưng vẫn có nét mềm mại vốn có của loài hoa này. Những người trồng hoa lại bảo, nếu hoa đặt trong bóng râm hay trong nhà, chúng sẽ giữ mãi sắc trắng trong, nhưng nếu có ánh nắng, hoa sẽ chuyển sang pha sắc hồng.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 31.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 32.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 33.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 34.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 35.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 36.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 37.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 38.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 39.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 40.

     

Nhất chi mai không chỉ có hương thơm dịu nhẹ thoang thoảng phải tinh ý mới nhận ra, mà còn có cả mật ngọt và chùm nhị mang bao phấn màu vàng tươi thu hút ong bướm. Cũng vì thế mà đâu đây trên cành hoa lại mơ màng giăng mắc những màn tơ nhện. Những sợi tơ mong manh lẩn khuất trong vòm lá như khói như sương cũng mỏng manh tựa cánh hoa mai. Làn mưa xuân như rắc bụi đọng lại trên mạng nhện trong trẻo, long lanh như những giọt sương sớm, lại gợi đến sự trong trắng của bông hoa thật chẳng có gì hòa quyện hơn.

Tôi cứ lan man nghĩ, giữa cánh hoa mỏng manh, trong trắng đến thơ ngây với những sợi tơ nhện giăng mắc và hạt mưa xuân kia, không biết cái gì tinh khôi hơn. Chỉ biết chúng hòa quyện vào nhau cứ như thực như hư và bỗng có cảm giác, chỉ cần một làn gió xuân nhè nhẹ là những bông hoa như tuyết trắng, những cánh hoa mỏng manh cùng sợi tơ nhện giăng giăng kia như khói như sương, tất cả sẽ cùng thăng hoa trong khúc xuân ca du dương và phiêu diêu giữa đất trời chẳng khác gì những bông bồ công anh phiêu lãng...

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 41.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 42.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 43.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 44.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 45.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 46.

    Nhất chi mai – Khúc xuân ca phiêu lãng...- Ảnh 47.

     

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top