Aa

Nhếch nhác trong quy hoạch phố cổ Hà Nội: Lời giải nào cho bài toán bảo tồn?

Thứ Hai, 01/10/2018 - 06:00

Phố cổ Hà Nội vốn là niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước. Thế nhưng, bộ mặt phố cổ đã và đang trở nên nhếch nhác lộn xộn. Hàng loạt công trình xây dựng sai phép, vượt phép tại nhiều tuyến phố đang ồ ạt mọc lên, phá nát quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội.

Bảo tồn phố cổ Hà Nội không còn là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ nguội lạnh, bởi những thực tế giữa nhu cầu phát triển và yêu cầu bảo tồn đã khiến cho bài toán quy hoạch trở nên khó giải quyết. Điều dễ nhận thấy là bộ mặt phố cổ đã và đang trở nên nhếch nhác lộn xộn. Nhà cao tầng mọc lên xen kẽ những khu nhà cũ đã cơ nới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Giải pháp giãn dân đã được đặt ra từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Người dân vẫn đang bám lấy phố cổ, vẫn đang chen chúc trong những khu nhà siêu nhỏ, những con ngõ siêu hẹp. Sự lộn xộn đang dần xâm chiếm lấy phố cổ, còn hồn vía của phố cổ đã đi đâu?.

Chương trình talkshow "Góc nhìn đa chiều" của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tuần này đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, để làm rõ vấn đề này.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, khu phố cổ Hà Nội không chỉ là đặc trưng của Hà Nội, của Việt Nam mà nó còn mang tầm thế giới. Vị thế của phố cổ đối với diện mạo, với danh hiệu Thủ đô là không thể thay thế.

Việt Nam đã thể chế hóa quản lý phố cổ từ năm 1993. Năm 1995, lần đầu tiên Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết khu phố cổ cùng với một số khu vực khác như Hồ Tây và trung tâm chính trị Ba Đình. Năm 1999, với sự giúp đỡ của rất nhiều cơ quan chuyên môn đến từ các nước trên thế giới, các tổ chức phi Chính phủ, đã có điều lệ quản lý khu phố cổ. Qua 10 năm thực nghiệm, đến 2013 đã có quy chế quản lý khu phố cổ Hà Nội. Hiện nay, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu phố cổ đã có và đang trong quá trình hoàn thiện.

"Nói như thế để thấy được, khu phố cổ đã nhận được sự quan tâm rất dài hơi. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp để bảo tồn khu phố cổ. Quy hoạch phố cổ đã đi vào cuộc sống nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ... Việc bảo tồn phố cổ không chỉ bảo tồn về mặt kiến trúc, khu phố cổ còn có giá trị về kinh tế, về văn hóa và đặc biệt là lối sống của người Thăng Long - Hà Nội cũ", TS. Nghiêm nhấn mạnh.

Thực hiện: Hoàng Linh

Thực hiện: Hoàng Linh

Bàn về giải pháp lâu dài và bền vững để bảo tồn khu phố cổ, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định, trước mắt chúng ta phải tính tới chuyện giãn dân trong khu phố cổ. Đây là yếu tố tiên quyết mà chúng ta phải làm, nhưng làm thế nào để người dân chuyển tới nơi ở mới có thể nâng cao chất lượng sống mà vẫn đảm bảo thu nhập?.

Theo ông Nghiêm, cơ chế chính sách muốn đưa vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả thì phải gắn liền với người dân, phải tiếp cận được tâm tư nguyện vọng của người dân. Khi giãn dân khu phố cổ thì không chỉ tạo cho người dân chỗ ở mà phải tạo ra không gian sống cho họ, phải có không gian xanh, có trung tâm thương mại, và đặc biệt là phải tạo điều kiện phát triển kinh tế, giúp họ có thu nhập cao hơn so với thu nhập trong khu phố cổ.

Thực hiện: Hoàng Linh

Thực hiện: Hoàng Linh

Chúng ta nói rất nhiều đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ nhưng câu hỏi được đặt ra là bảo tồn cái gì trong khu phố cổ? Ông Nghiêm cho rằng, trước hết là bảo tồn hình dáng, không gian và kiến trúc cảnh quan phố cổ. Kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm trong quy hoạch phố cổ. 

Thứ hai là tập trung quản lý và bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị. Cần nhận diện kiến trúc nào cần bảo tồn, những kiến trúc nào phải giảm bớt đi. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận và xem xét. Vấn đề thứ ba là nguồn lực nào để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn hơn 200 công trình kiến trúc? Đây là ba nhiệm vụ dài hơi và quan trọng nhất trong công tác bảo tồn khu phố cổ.

Về yếu tố con người, tức là cái hồn của khu phố cổ, TS. Nghiêm nhận định, việc bảo tồn lối sống của người dân trong khu phố cổ là điều hết sức quan trọng. Cái đặc trưng trong khu phố cổ là nhà không chỉ để ở mà còn là nơi sản xuất, kinh doanh, nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà... Đó là cái mà chúng ta phải bảo tồn để giữ được tính đặc thù của Thăng Long - Hà Nội cũ.

Từ những vấn đề trên, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất, cần phải có một tổ chức đặc thù để quản lý phố cổ Hà Nội. Người đứng đầu tổ chức này phải là người có năng lực, có kiến thức sâu rộng thì việc bảo tồn phố cổ mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thực hiện: Hoàng Linh

Thực hiện: Hoàng Linh

Trả lời cho câu hỏi, tại sao việc bảo tồn phố cổ ở Hội An (Quảng Nam) lại được thực hiện rất tốt còn Hà Nội thì không? Ông Nghiêm cho rằng, mấu chốt của vấn đề là Hội An đã huy động được người dân trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn. Trên cơ sở đó, người dân được hưởng nguồn lợi trực tiếp từ du lịch. Hà Nội vẫn chưa làm được điều này.

"Cái chính, tôi cho rằng đó là nhận thức của người dân. Họ sẵn sàng tham gia vào công tác bảo tồn phố cổ, nhưng họ phải nhìn thấy được họ được hưởng lợi gì từ việc đó. Hà Nội vẫn chưa phát huy được hết nguồn lực này, chúng ta đã làm nhưng vẫn mang tính chất cục bộ", TS. Nghiêm phân tích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top