Chỉ còn ít ngày nữa, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV sẽ kết thúc.
Báo cáo trước Quốc hội ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2016 - 2021, báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ khẳng định ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phương châm xuyên suốt của cả nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, không ngừng đổi mới, cải cách mạnh mẽ, kiên định mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chính phủ nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo tinh thần kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thể hiện đúng vị trí, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; đồng thời, thể hiện rõ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là nội dung nổi bật nêu trong báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 được gửi tới Quốc hội.
Phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân
Ngay sau khi được kiện toàn và phê chuẩn, với sự đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo tinh thần kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thể hiện đúng vị trí, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; đồng thời thể hiện rõ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Chính phủ luôn phát huy trí tuệ tập thể kết hợp với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ trong giải quyết các công việc chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo đúng phạm vi thẩm quyền được phân công và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ chủ động nắm bắt những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, kịp thời chỉ đạo xác minh, xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh và nhiều vụ việc nổi cộm, tạo sự đồng thuận xã hội.
Việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình công tác luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một nhiệm vụ quan trọng; thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá và đôn đốc thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tính đến ngày 28/02/2021, các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 2.492/2.504 đề án trong Chương trình công tác, đạt 99,5%; còn 12 đề án chưa trình (chiếm 0,5%); tỷ lệ nợ đọng chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc nắm chắc tình hình thực tiễn, sâu sát cơ sở là một trong những căn cứ quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành, kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh.
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có 570 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 2.200 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hơn 5.000 cuộc họp, làm việc với các bộ, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học... để tham vấn, hoạch định chính sách, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thượng tôn pháp luật
Theo báo cáo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Trong nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý chặt chẽ sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển.
Với quyết tâm gỡ bỏ những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và để đáp ứng yêu cầu hội nhập, Chính phủ đã tập trung rà soát, xác định các “điểm nghẽn” về thể chế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tháo gỡ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, kìm hãm sự phát triển, khơi thông các nguồn lực, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển các ngành, lĩnh vực.
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh và triển khai các cam kết quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhiều văn bản đã được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời chủ động rà soát, sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, giảm dần tình trạng xin rút, lùi các dự án luật trong Chương trình. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật; đặc biệt, có thời điểm không nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Chính phủ đã ban hành 755 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 234 quyết định quy phạm pháp luật. Trong giai đoạn 2016 - 2021, tính đến ngày 13/3/2021 chỉ còn 14 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được ban hành (mức thấp nhất từ trước đến nay).
Công tác tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực trọng tâm, có tính liên ngành như điều kiện đầu tư kinh doanh; tài nguyên, môi trường... được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thi hành và xử lý các văn bản, quy định trái pháp luật. Công tác áp dụng pháp luật được thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương theo hướng bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch.
Tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân cơ bản cũng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng người, đúng pháp luật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm các quy định của pháp luật đi vào thực tiễn đời sống, xã hội./.