Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) không đồng tình khi ban soạn thảo bỏ nội dung "người dân sau khi đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước" ra khỏi nguyên tắc bồi thường tái định cư với lý do nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông cho rằng nguyên nhân này là "chưa thuyết phục, chưa thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 18 Trung ương".
Theo đại biểu tỉnh Bình Dương, Nghị quyết 18 Trung ương đã nêu rõ, cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước, không có nghĩa là người dân phải có nhà to hơn hay đường vào nhà rộng hơn… Theo ông, cuộc sống tốt hơn có nhiều chỉ số để đánh giá, một trong phương pháp để đánh giá được vấn đề này là phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của người dân. Đại biểu cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ bị vướng vào công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều, không xác định được như nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân chỉ ra do có cách hiểu chưa đúng về vấn đề này nên dẫn tới Điều 95 quy định thu hồi đất nông nghiệp sau đó đền bù bằng nhà ở. Như vậy, quy định trong dự thảo mới chỉ quan tâm tới thu nhập cụ thể chứ chưa quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. Đại biểu cho rằng cần tìm hiểu các dự án thí điểm ở nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước, nghiên cứu kỹ Nghị quyết 18 để có giải thích hợp lý, đạt được sự đồng thuận từ cử tri, không nên bỏ nguyên tắc này ra khỏi nội dung về cơ chế giá đền bù.
Cùng tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, kết cấu chương 7 về nội dung bồi thường hỗ trợ tại định cư khi thu hồi đất đã có sự phân cấp cụ thể, tuy nhiên, cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện ở một số nội dung quan trọng. Đại biểu cho rằng, dự Luật chưa có quy định về khái niệm xác định thiệt hại khi thực hiện thu hồi đất. Khái niệm "bồi thường" chưa chuẩn xác, chỉ quy định khái niệm bồi thường về đất, hoàn toàn không có quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất.
Đại biểu cho rằng, nội hàm của vấn đề bồi thường, hỗ trợ không có sự phân định rõ ràng. Các vấn đề về hỗ trợ như hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề, thực chất là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu và Nhà nước buộc phải bồi thường, chứ không phải là hỗ trợ vì thực tế đây là quyền lợi chính đáng của người dân, Nhà nước phải bồi thường.
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Điều 86 của dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì quy định riêng các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản, nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.
Đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải tuân thủ nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đề cập đến vấn đề tách công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP. Hà Nội) đề nghị cụ thể hóa nội dung quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật, trong đó cần lưu ý các vấn đề: cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng. Việc tách theo hướng mở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định cơ cấu, thành phần hồ sơ dự án, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Đồng thời cần bổ sung đưa vào mục 5 Chương 7 trong dự thảo Luật một điều quy định về quy hoạch, kế hoạch tái định cư, gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trung hạn và hàng năm.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách để triển khai thực hiện đầu tư trước, dự án xây dựng khu tái định cư theo hướng tổng thể, không nên triển khai, chỉ sử dụng dành riêng cho một dự án cụ thể mà cần tạo lập quỹ đất tái định cư mang tính tập trung, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ tái định cư cho nhiều dự án trong cùng một khu vực, trong đó ngoài việc bố trí quỹ đất tái định cư phục vụ cho dự án đầu tư công mà còn tính đến việc Nhà nước bán lại một số chỗ tái đầu tư đã hình thành cho các nhà đầu tư phục vụ tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án theo hình thức xã hội hóa./.
Trước đó, tại các phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định cụ thể và bổ sung vào Chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải lập phương án thu hồi, hỗ trợ, tái định cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đe dọa đến tính mạng của con người. Đồng thời, đề nghị phải có quỹ đất dự phòng để bố trí cho những trường hợp này nhằm tạo điều kiện tối ưu để hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống, an tâm rời khỏi khu vực có nguy cơ đe dọa tính mạng của con người, tránh những thảm họa đáng tiếc khi có thiên tai xảy ra tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một điều quy định về nguyên tắc thu hồi đất trong Chương VII theo hướng phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy được các nguồn lực gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Các đại biểu cũng đề nghị sử dụng nhiều hơn cơ chế thị trường để giải quyết các vấn đề về hỗ trợ; trong nguyên tắc bồi thường, đề nghị nhấn mạnh đến nguyên tắc thỏa đáng.
Tham gia đóng góp ý kiến, nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung nội dung khi thu hồi đất thì phải bảo đảm cuộc sống cho người dân bằng hoặc tốt hơn, vì đây không chỉ là vấn đề thu hồi đất, mà là vấn đề chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu và quy định đầy đủ nguyên tắc là bố trí chỗ ở cho người dân trước khi thu hồi đất. Khi bố trí người dân vào khu ở, khu tái định cư thì không thu tiền cơ sở hạ tầng. Nếu yêu cầu hoàn thành khu tái định cư trước rồi mới thu hồi đất là không khả thi. Do đó, cần bố trí phương án tái định cư trước, người dân đồng thuận rồi mới tiến hành thu hồi.