Aa

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Thứ Hai, 19/06/2023 - 15:23

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, nhất là vấn đề sở hữu chung cư.

Bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư 

Giải trình trước Quốc hội sáng nay (19/6), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết cơ quan này đã bỏ quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ trưởng thừa nhận đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án, một là sở hữu có thời hạn, hai là không. 

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chính phủ thống nhất chọn phương án không quy định thời hạn sở hữu như trong dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại. Song song với đó, dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế. 

thời hạn sở hữu chung cư
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất chọn phương án không quy định thời hạn sở hữu như trong dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến. Ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng

Thảo luận trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình phương án sở hữu chung cư dài hạn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.

"Cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. Về vấn đề đảm bảo an toàn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ, với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh", đại biểu đề xuất và dẫn chứng ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lại đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà theo thời hạn công trình thiết kế để tránh tranh chấp, thuận lợi cải tạo chung cư cũ. Ông cho rằng nguyên nhân của sự phức tạp trong cải tạo chung cư cũ hiện nay là do chung cư được sở hữu vĩnh viễn, sở hữu không thời hạn. Chính vì vậy, người ta có quyền, người ta không đồng ý thì chúng ta không thể phá dỡ được.

Bởi vậy, ông Hoàng Văn Cường đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không chỉ quy định "thời hạn sử dụng" nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế mà phải quy định rất rõ "thời hạn sở hữu" của nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế.

Theo ông, quy định như vậy sẽ mang lại hai cái lợi:

Thứ nhất, đứng về mặt người dân sở hữu nhà, người ta chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó, không phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn nhưng thực chất đến thời hạn phá dỡ người ta vẫn phải tự bỏ tiền ra. Nếu bây giờ quy định một nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác so với nhà chúng ta quy định sở hữu vô thời hạn. Như vậy vô hình trung chỉ để thỏa mãn tâm lý sở hữu, người dân đã phải bỏ ra thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy không, khi nhà này đã bị phá dỡ vẫn phải tự bỏ tiền ra.

Thứ hai, đứng về mặt xã hội, chúng ta tránh được tình trạng nếu như nhà này hết thời hạn nhưng không cải tạo, sửa chữa được nếu như chỉ một vài người không đồng tình.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị nên quy định thời hạn sở hữu theo thời hạn thiết kế, nhưng đi kèm theo đó, nếu đến thời hạn bên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại chất lượng chung cư thấy vẫn tốt, vẫn tồn tại được thì quyền của người sở hữu tiếp tục được kéo dài, không phải bị mất đi.

Khuyến khích người nước ngoài mua nhà Việt Nam 

Một vấn đề đáng chú ý khác trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở là được thực hiện theo Nghị quyết 19 của Quốc hội và luật hóa từ Luật Nhà ở 2014. Chính sách này đảm bảo tổ chức, cá nhân nước ngoài được yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. 

Bộ trưởng cho biết, thống kê từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn. Dự thảo Luật lần này đã quy định chặt chẽ loại nhà, khu vực được mua, số lượng được sở hữu.

"Quy định này không làm ảnh hưởng đến chính sách nhà ở khác của Nhà nước, như nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp tại đô thị", Bộ trưởng nói và khẳng định cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ phối hợp, nghiên cứu kỹ làm rõ, đảm bảo phù hợp chủ trương của Đảng, thống nhất với pháp luật liên quan.

Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ diện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Bình An) 

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn quá rộng. Liên quan đến vấn đề tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại Điều 19, Điều 20 và Điều 22 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Khoản 1, Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).  

Cùng với đó, liên quan đến nội dung này, tại Điểm c, khoản 1, Điều 19 quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và Khoản 3, Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng, quy định như vậy cần phải nghiên cứu, cân nhắc. Đặc biệt lưu ý đến việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Việc quy định như dự thảo Luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không? 

Theo đại biểu, để đảm bảo tính khả thi, nội dung này cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18 và thống nhất, đồng bộ các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top