Năm 2019 là một năm tích cực đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam với mức tăng trưởng GDP đạt 6,5%, ngành xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng kỷ lục và duy trì được tỷ lệ lạm phát ở 3,5%. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vào tháng 12/2019 đạt mức cao, với hơn 70% người được hỏi đều cho rằng kinh tế sẽ phát triển tốt hơn nữa trong năm 2020. Tuy nhiên, chưa hết quý I/2020, ghi nhận có đến 84% các doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định virus Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của họ trong năm nay.
Dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhu cầu tìm kiếm và đầu tư bất động sản, nhất là trong phân khúc đất nền dự án và nhà phố.
Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất của người dùng cả nước trong tháng 2/2020 giảm 14% so với cùng kỳ, riêng TP.HCM ghi nhận nhu cầu tìm mua bất động sản giảm gần 24%.
Đặc biệt, tháng 3 này là tháng quyết toán thuế năm 2019. Hàng nghìn doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi Nghị định 20 về quản lý giao dịch liên kết được sửa đổi để có cơ sở đóng thuế.
Nếu Nghị định sửa đổi lần này vẫn không có quy định cho hồi tố thì rất có thể, nhiều doanh nghiệp địa ốc vốn đang khó khăn vì dịch bệnh lại thêm gánh nặng “thuế chồng thuế”.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho hay: “Dù Covid-19 tác động đến nền kinh tế, nhưng không phải mọi lĩnh vực sẽ ảnh hưởng như nhau. Một vài lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Dấu hiệu ban đầu cho thấy các lĩnh vực khách sạn, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, sản xuất, hậu cần bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Theo ông, cần phải xem mức độ nghiêm trọng và thời gian tồn tại của dịch Covid-19 trước khi đưa ra kết luận. Các nhà phát triển bất động sản có thể sẽ phải tìm nguồn vốn bổ sung, xem xét liên doanh hoặc thanh lý bớt tài sản. Lịch sử cho thấy sau các sự kiện tương tự, niềm tin kinh doanh thường phục hồi nhanh chóng, tạo tác động tích cực đến thị trường.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, một số chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc hoặc lãi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịnh Covid-19, trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã soạn thảo Nghị định gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Theo Bộ Tài chính, để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Nghị định dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19 (trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và tổ chức quốc tế).
Điển hình tại các tỉnh, thành phố, UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành văn bản số 1141/UBND-KTTC về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ các khó khăn liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, UBND thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng sớm chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của các khách hàng, doanh nghiệp đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ đó, tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ ảnh hưởng bởi dịch và cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã có kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất của khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong 2 năm 2020 - 2021, cho phép chậm nộp thuế VAT quý IV/2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019. Thời điểm nộp được đề xuất lùi sang quý III hoặc IV/2020. Ngoài ra, Hiệp hội còn đề xuất thành phố miễn giảm chi phí vé tham quan ở các điểm di tích do thành phố quản lý để kích cầu điểm đến.
Theo giới phân tích, trong lúc khó khăn đặc biệt như hiện nay, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền để trả lương cho người lao động và ngay cả tiền nộp thuế cũng khó khăn. Chính vì vậy, các chính sách cần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt cần có sự góp sức của các tổ chức khác bên cạnh ngân hàng và cần cơ chế thông thoáng, tránh tình trạng làm theo kiểu đối phó.