Aa

Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu trong phiên HoSE tiếp tục lỗi lệnh

Thứ Sáu, 25/12/2020 - 06:10

Giao dịch trên HoSE tiếp tục diễn ra khó khăn khiến nhà đầu tư tỏ ra bi quan. Nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh trước diễn biến tiêu cực của thị trường chung.

Phiên giao dịch ngày 24/12, tình trạng lỗi lệnh trên sàn HoSE tiếp tục diễn ra, các nhà đầu tư rất khó để khớp lệnh mua hay bán. Việc HoSE khó khớp lệnh khiến nhiều nhà đầu tư trở nên mất kiên nhẫn làm lực bán dâng cao ngay sau đó. VN-Index có thời điểm giảm đến hơn 32 điểm trước sự lao dốc của nhiều cổ phiếu trụ cột. Dù vậy, lực cầu bắt đáy vẫn khá lớn giúp chỉ số này thu hẹp đáng kể lại đà giảm. Tuy nhiên, sự khó khăn trong việc khớp lệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến đà hồi phục của chỉ số này.

Sự tiêu cực trên HoSE ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư và khiến cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng lao dốc theo.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tiêu cực khi SHB, HDB, ACB, TCB, BID... đều giảm sâu, trong đó, SHB giảm 3,9% xuống 17.300 đồng/cp, HDB giảm 3,3% xuống 23.200 đồng/cp, ACB giảm 2,8% xuống 27.300 đồng/cp, TCB giảm 2,6% xuống 27.950 đồng/cp, BID giảm 2,4% xuống 45.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Sự tiêu cực cũng lan rộng đến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, trong đó, HQC và DTA đều bị kéo xuống dưới mức giá sàn. Bên cạnh đó, ASM giảm 5,9% xuống 16.000 đồng/cp, DRH giảm 5,5% xuống 8.320 đồng/cp, SIP giảm 4,4% xuống 162.000 đồng/cp, AGG giảm 4,4% xuống 28.200 đồng/cp, FLC giảm 3,8% xuống 4.270 đồng/cp, LDG giảm 3,6% xuống 282.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Dù vậy, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản đi ngược lại xu thế của thị trường chung và tăng giá mạnh, trong đó, EIN, BII, SII, KBC hay PVL đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, CEO tiếp tục tăng 7,8% lên 12.500 đồng/cp, ITA tăng 3% lên 6.500 đồng/cp, FIT tăng 1,5% lên 13.300 đồng/cp. 

KBC tăng trần phiên 24/12 nhờ thông tin ký hợp đồng thuê đất tổng trị giá 150 triệu USD trong quý IV/2020. Cụ thể, quý IV, KBC và các công ty trực thuộc đã ký hàng loạt hợp đồng cho thuê lại đất với tổng diện tích lên tới 150ha, tổng giá trị đạt được trên 150 triệu USD. Lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ điện tử.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,38 điểm (-1,05%) xuống 1.067,52 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 367 mã giảm và 35 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,62 điểm (-1,38%) xuống 187,63 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 122 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,71%) xuống 73,07 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức cao trên trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.951 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 909 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.507 tỷ đồng. ITA và HQC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, ITA khớp lệnh 29,2 triệu cổ phiếu và HQC khớp lệnh 17,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng ở phiên 24/12 xuống còn hơn 52 tỷ đồng. Không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong top bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, VHM, VRE và HDG là các mã bất động sản được mua ròng mạnh, trong đó, VHM được mua ròng 31 tỷ đồng. VRE và HDG được mua ròng lần lượt 23 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), đây là phiên thứ ba liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam thử thách ngưỡng kháng cự quanh 1.084 điểm (đỉnh tháng 5/2018) không thành công khi không thể đóng cửa trên ngưỡng này để xác nhận dư địa tăng tiếp theo lên ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018). Thất bại trước ngưỡng này khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn dẫn đến áp lực bán chốt lời trong hai phiên gần đây. Tuy nhiên, điểm tích cực hiện tại là tâm lý bắt đáy vẫn còn tương đối mạnh giúp thu hẹp mức giảm.

Thị trường phản ứng tốt với ngưỡng 1.045 điểm (MA20, đỉnh tháng 6/2018) và đây sẽ là hỗ trợ ngắn hạn trong các phiên tiếp theo. Basis trên thị trường phái sinh duy trì mức dương lớn từ 8,55 đến 12,15 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm bật tăng trở lại.

Với xu hướng hiện nay thì thị trường có thể giảm thêm 1 đến 2 phiên nữa như diễn biến vào cuối tháng 10/2020 để về vùng cân bằng cung cầu mới. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao đã bắt đáy một phần ở phiên 24/12 nên tiếp tục quan sát và có thể giải ngân thêm nếu thị trường tiếp tục giảm về các ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top