Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên giao dịch ngày 11/5 với diễn biến tích cực khi sắc xanh chiếm ưu thế đáng kể ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đà tăng của thị trường được duy trì tốt và thậm chí còn nới rộng hơn khi lực cầu dâng cao ở thời điểm sau giờ nghỉ trưa.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bao gồm MSN, TPB, VIB, GVR, BID... đồng loạt bứt phá và giúp giữ vững sắc xanh của chỉ số chính VN-Index. VIB tăng 3,9% lên 61.300 đồng/cp sau thông tin được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Lý do là cổ phiếu này đã có thời gian niêm yết đủ 6 tháng theo quy định. Bên cạnh VIB, cổ phiếu LPB cũng được đưa ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, tuy nhiên cổ phiếu này sau khoảng thời gian bứt phá đầu phiên đã điều chỉnh giảm trở lại.
Áp lực bán bất ngờ tăng mạnh vào nửa sau của phiên chiều khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá, làm VN-Index cũng như HNX-Index đảo chiều, đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu có vai trò trụ đỡ cho thị trường ở đầu phiên là MSN cũng không thể trụ vững trước áp lực bán quá mạnh, cổ phiếu này chốt phiên giảm nhẹ 0,1%.
Trong khi đó, các cổ phiếu lớn như HDB, TCB, SHB, VNM, HPG, MBB... đều chìm trong sắc đỏ và tạo ra áp lực rất lớn lên thị trường chung. HDB giảm 2,6%, TCB giảm 2,3%, SHB giảm 2,1%, VNM giảm 1,9%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản mang lại một số bất ngờ cho nhà đầu tư khi ghi nhận nhiều mã có yếu tố thị trường cao bứt phá. Trong đó, BII tăng 4,5% lên 9.300 đồng/cp, HDC tăng 3,6% lên 40.300 đồng/cp, FLC tăng 3,1% lên 11.600 đồng/cp, DXG tăng 3% lên 24.100 đồng/cp, DIG tăng 3% lên 27.700 đồng/cp. Dù vậy, mức tăng như trên cũng đã là thu hẹp lại đáng kể cùng sự rung lắc của thị trường chung so với sự bùng nổ trước đó.
Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn có một phiên biến động tiêu cực và tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, trong đó, VRE giảm 2,4% xuống 31.000 đồng/cp, VIC giảm 1,1% xuống 131.000 đồng/cp, VHM giảm 1,1% xuống 98.000 đồng/cp, BCM giảm 0,5% xuống 54.700 đồng/cp.
Cổ phiếu NLG giảm 1% xuống 38.500 đồng/cp. Có thời điểm trong phiên, NLG tăng mạnh lên mức 40.300 đồng/cp. Việc NLG giảm bất chấp thông tin tốt là HĐQT công ty này đã thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt lần 2 năm 2020 cho các cổ đông hiện hữu là 4,38% (1 cổ phiếu được nhận 438 đồng). Theo đó, tổng số tiền chi trong đợt này là gần 125 tỷ đồng. Ngày chốt danh sách chi trả cổ tức là 19/5 và thời gian thanh toán dự kiến là 30/6. Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 4,53% (1 cổ phiếu được nhận 453 đồng), tương đương 124,7 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,54 điểm (-0,28%) xuống 1.256,04 điểm. Toàn sàn có 261 mã tăng, 164 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,18%) xuống 279,76 điểm. Toàn sàn có 121 mã tăng, 100 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,28%) lên 81,07 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 819 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.056 tỷ đồng. Trong top 30 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường chỉ có duy nhất FLC là thuộc nhóm bất động sản với 22,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi bán ròng hơn 280 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó có các cổ phiếu bất động sản như NVL, VIC, VRE, NLG, CII và KBC. Trong khi đó, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top mua ròng mạnh của khối ngoại với 27,8 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh trở lại trong phiên 11/5 khi mà nhóm trụ cột bị chốt lời từ khoảng 14h cho đến hết phiên. Điều đặc biệt là độ rộng thị trường lại ở mức tích cực khi mà nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ít chịu ảnh hưởng của đợt bán cuối phiên, chỉ có nhóm vốn hoá lớn là điều chỉnh do mức độ tập trung vốn trong giai đoạn gần đây. Rủi ro sẽ gia tăng nhiều hơn nếu dòng tiền rời bỏ nhóm này.
Trên góc nhìn kỹ thuật, do thị trường tiếp tục đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 12/5, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc khi mà bên ủng hộ sóng tăng 5 và bên ủng hộ sóng điều chỉnh a gặp nhau tại vùng giá hiện tại./.