Thị trường chứng khoán phiên 7/5 chịu áp lực rung lắc rất mạnh. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc đỏ đã áp đảo và khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tỏ ra mạnh và giúp các chỉ số không giảm quá sâu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, cùng với đó, áp lực bán bất ngờ dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Các chỉ số thị trường có thời điểm giảm rất sâu, trong đó, VN-Index có lúc đã mất đến 20 điểm.
Sau đó đến cuối phiên, việc nhiều cổ phiếu trụ cột bứt phá mạnh đã giúp các chỉ số đều không giảm quá sâu, trong đó có HPG, CTG, HDB, TPB, ACB, LPB…
Cụ thể, HPG tăng đến 2,4% lên 60.800 đồng/cp. Theo thông tin mới được công bố, sản lượng bán hàng của HPG trong tháng 4 đạt 869.000 tấn sản phẩm thép các loại, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và giảm 13,1% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 428.000 tấn, tăng hơn 59% so với cùng kỳ, giảm 11% so với tháng trước; thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 212.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng trước; phôi thép xuất khẩu đạt 121.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, CTG tăng 2,1% lên 43.800 đồng/cp, HDB tăng 4,2% lên 30.000 đồng/cp, TPB tăng 3,4% lên 29.100 đồng/cp, ACB tăng 1,1% lên 35.200 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu vốn hóa lớn như CTD, BVH, PVD, VNM, ACB, PVS, VCB, HVN, GVR, VJC… đồng loạt giảm sâu và là nguyên nhân chính khiến các chỉ số chìm trong sắc đỏ. CTD giảm đến 6,2% xuống 58.600 đồng/cp, BVH giảm 3,2% xuống 54.200 đồng/cp. VNM tiếp tục nối dài chuỗi ngày “ác mộng” cho nhà đầu tư khi giảm 2,9% xuống 87.000 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ cũng áp đảo hoàn toàn, trong đó, các mã lớn như VIC, VHM, VRE hay BCM đều đồng loạt giảm giá. NVL phiên này chỉ tăng 0,1% lên 135.800 đồng/cp, tương tự, THD cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 188.300 đồng/cp.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ giảm sâu ở phiên 7/5. HAR bị kéo xuống mức giá sàn 5.120 đồng/cp, BII giảm đến 5,8% xuống 8.100 đồng/cp, PVL giảm 5,6% xuống 3.400 đồng/cp, LDG giảm 4,7% xuống 7.160 đồng/cp, HQC giảm 4,2% xuống 3.390 đồng/cp, ITA giảm 3,5% xuống 7.210 đồng/cp.
Chiều ngược lại, CLG được kéo lên mức giá trần 1.100 đồng/cp với mức tăng 37,5%. CLG chính thức giao dịch trên UPCoM từ 5/5 với giá tham chiếu 800 đồng/cp.
HTT cũng tăng trần lên 1.600 đồng/cp. Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Thương mại Hà Tây (mã CK: HTT) số tiền là 85 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch về số lượng nghị quyết Hội đồng quản trị tại báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2018, năm 2019 và về giao dịch giữa công ty với người có liên quan của người nội bộ tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin theo quy định.
Các cổ phiếu bất động sản khác như DTI, PLA, NTB hay STL đều được kéo lên mức giá trần. TIG tăng 2,8% lên 14.500 đồng/cp, FLC tăng 1,8% lên 11.500 đồng/cp.
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,7%) xuống 1.241,81 điểm. Toàn sàn có 118 mã tăng, 307 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,44%) xuống 279,86 điểm. Toàn sàn có 66 mã tăng, 155 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,41%) xuống 80,85 điểm.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giảm đáng kể so với phiên trước và còn 316 tỷ đồng. KBC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 26,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được mua ròng hơn 61 tỷ đồng. NVL cũng là một cổ phiếu bất động sản khác được khối ngoại mua ròng mạnh với 41,2 tỷ đồng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, trị giá 25.700 tỷ đồng, giá trị khớp lệnh đạt 23.700 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 35 triệu cổ phiếu.
Như vậy, thị trường tăng nhẹ trong tuần qua với khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên dưới mức trung bình. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,42 điểm (1%) lên 1.241,81 điểm; HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,7%) xuống 279,86 điểm. Giá trị giao dịch mỗi phiên trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó với khoảng hơn 23.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 22,9% lên 85.397 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 16,5% lên 3,06 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 4,1% lên 9.107 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 2,6% lên 475 triệu cổ phiếu.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng nhẹ trong tuần qua nhưng VN-Index tiếp tục đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 điểm trong tuần thứ 4 liên tiếp. Giá trị giao dịch trong tuần qua tiếp tục ở mức cao nhưng khối lượng giao dịch lại suy giảm cho thấy sự tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn này. Chỉ số VN-Index không thể vượt ngưỡng 1.250 điểm trong tuần qua nên trên khía cạnh phân tích kỹ thuật, VN-Index có khả năng đã bước vào sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.140 điểm (fibonacci retracement 50%).
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5/2021 duy trì trạng thái chiết khấu trong suốt tuần qua và kết tuần với mức basis -16,93 điểm cho thấy các trader đang khá tiêu cực về xu hướng hiện tại cũng như hoạt động hedging danh mục xuất hiện trong suốt tuần qua. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 10/5 - 14/5, thị trường có thể sẽ giảm về những ngưỡng thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy./.