Aa

Bất chấp VN-Index rung lắc, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn tăng mạnh trong phiên 9/3

Thứ Tư, 10/03/2021 - 06:10

VN-Index phải chịu áp lực giảm khá mạnh trong phiên 9/3, trong khi tình trạng nghẽn lệnh không có sự cải thiện. Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh nhưng vẫn ghi nhận nhiều mã tăng tốt.

Tương tự như các phiên trước, trong khi VN-Index hay UPCoM-Index biến động theo chiều hướng khá tích cực với thanh khoản duy trì ở mức cao, thì VN-Index biến động với diễn biến khá xấu và tiếp tục rơi vào trạng thái nghẽn lệnh ở phần lớn thời gian của phiên chiều.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 9/3, sắc đỏ đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HoSE đặc biệt là các cổ phiếu dầu khí khi giá dầu thô thế giới phiên 8/3 đi xuống. Các cổ phiếu như PVS, PVD hay PLX đều giảm giá trên 3%. Các cổ phiếu dầu khí khác như OIL, BSR, PVB… thậm chí còn giảm trên 6%. Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như GVR, MWG, CTG, VNM… cũng đồng loạt giảm giá và gây áp lực lớn lên VN-Index.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index ngày 9/3.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, 2 cổ phiếu tiêu biểu của ngành xây dựng là CTD và HBC diễn biến khá tích cực. Trong đó, CTD bất ngờ được kéo lên mức giá trần khi 78.200 đồng/cp và khớp lệnh 2,9 triệu cổ phiếu. HBC tăng 1,9% lên 18.800 đồng/cp và khớp lệnh 12,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index ngày 9/3.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, VHM và NVL biến động tích cực trong phiên 9/3, qua đó góp công giúp nâng đỡ VN-Index. VHM chốt phiên tăng 1% lên 98.200 đồng/cp, còn NVL tăng 0,7% lên 82.000 đồng/cp. Theo công bố mới đây, hai cá nhân, tổ chức có liên quan tới Chủ tịch của NVL Bùi Thành Nhơn đã mua vào hơn 18,9 triệu cổ phiếu NVL theo chương trình chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 89:7. Giá phát hành 59.200 đồng/cp. Theo danh sách phát hành trên, ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai ông Nhơn, mua hơn 3,33 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,29%. Hiện, ông Quân có 45,7 triệu cổ phiếu NVL.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra tương đối mạnh, tuy nhiên, bất chấp những rung lắc ở sàn HoSE, nhiều cổ phiếu bất động sản như PVL, TNT, OGC, DRH, SGR, CIG hay CCL vẫn được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HDG cũng tăng đến 6,5% lên 47.200 đồng/cp, VPI tăng 5,7% lên 37.000 đồng/cp, DXG tăng 5,1% lên 23.600 đồng/cp, SJS tăng 4,1% lên 40.600 đồng/cp, TDH tăng 3,1% lên 5.000 đồng/cp,

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc như EIN, PFL, VCR, CEO, TIG, NLG… Trong đó, PFL giảm đến 7,3% xuống 3.800 đồng/cp, VCR giảm 5,4% xuống 22.800 đồng/cp, CEO giảm 4,8% xuống 11.900 đồng/cp.

Chốt phiên, VN-Index giảm 6,3 điểm (-0,54%) xuống 1.161,97 điểm. Toàn sàn có 187 mã tăng, 266 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,41 điểm (0,54%) lên 264,83 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng 101 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (0,15%) lên 79,54 điểm.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 9/3.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.
Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.278 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 791 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.380 tỷ đồng. HQC và FLC là 2 mã bất động sản lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 21,2 triệu cổ phiếu và 14,6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng rất mạnh trên thị trường chứng khoán với 1.150 tỷ đồng trong phiên 9/3. VNM bị khối ngoại bán ròng rất mạnh với 273 tỷ đồng, trong khi đó, 2 mã bất động sản là VIC và VHM cũng nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. PDR là cổ phiếu bất động sản hiếm hoi nằm trong danh sách top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với 10,3 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh, qua đó test thử lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất 1.140 - 1.155 điểm (MA20-50). Cây nến xanh đi kèm với thanh khoản trên mức trung bình 20 phiên cho thấy bên mua vẫn đủ sức để khiến thị trường không giảm mạnh trong bối cảnh hiện tại.

Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực khi thị trường đang di chuyển trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy của sóng điều chỉnh 4). Trong ngắn hạn, cụ thể là phiên tiếp theo, thị trường có thể sẽ tăng trở lại sau khi test lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất thành công.

Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 trong vùng hỗ trợ 1.140 - 1.155 điểm (MA20-50) tiếp tục quan sát thị trường trong phiên tới và có thể canh mua thêm nếu thị trường điều chỉnh về khoảng giá trên một lần nữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top