Aa

Nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm trong tuần cuối năm 2022

Thứ Hai, 02/01/2023 - 06:00

Thị trường chứng khoán đi xuống trong tuần cuối cùng của năm 2022, trong đó, nhiều mã bất động sản cũng biến động khá tiêu cực.

Thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 với thanh khoản sụt giảm và thấp hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất. Điều này phản ánh tâm lý nghỉ Tết dương lịch sớm của nhà đầu tư.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 13,25 điểm (-1,3%) xuống 1.007,09 điểm, HNX-Index lại tăng rất nhẹ 0,01 điểm để kết năm ở mức 205,31 điểm, UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (0,9%) lên 71,65 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 34,4% so với tuần trước đó xuống 45.855 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 35,8% xuống gần 2,6 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,4% xuống 4.594 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 28,2% xuống 322 triệu cổ phiếu.

Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm. Nhóm bất động sản tiếp tục có một tuần giao dịch không mấy tích cực. Thống kê 126 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên toàn thị trường, trong tuần từ 26 - 30/12 có 67 mã giảm trong khi số mã tăng giá là 45.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm này là XDH của CTCP Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội với 48,7%. Trong tuần, XDH chỉ có giao dịch trong 2 phiên vào 28 và 29/12. Trước đó, cổ phiếu này đã có 27 phiên liên tiếp không xuất hiện giao dịch.

Đứng thứ hai trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là BVL của CTCP BV Land cũng với mức giảm 46,6%. Tương tự XDH, BVL cũng nằm trong diện cổ phiếu có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân trong tuần qua chỉ là 2.140 đơn vị/phiên.

Đa số các cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm bất động sản đều có thanh khoản rất thấp. Các mã có thanh khoản cao ghi nhận giảm giá ở tuần qua có HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát gây chú ý với mức giảm 9,8%. Ngày 29/12, Đầu tư Hải Phát thông báo ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT công ty đã bán ra 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,29% số cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ sở hữu giảm từ 22,32% về còn 19,03%. Thời gian thực hiện giao dịch trong 2 ngày 27/12 và 28/12. Mới vừa bán xong 10 triệu cổ phiếu, ông Đỗ Quý Hải tiếp tục đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu HPX từ ngày 5/1/2023 đến ngày 3/2/2023, giảm tỷ lệ sở hữu về 16,4%.

Cổ phiếu DIG của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng gây chú ý khi giảm gần 9,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Ngày 27/12, DIC Corp ban hành Nghị quyết thông qua hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng. Được biết, trước đó, DIC Corp dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu. Trong đó, tỷ lệ chào bán là 1.000:163,97, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được quyền mua thêm gần 164 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong quý I/2023, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng huy động được sẽ được công ty sử dụng để đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch Long Tân. Trong đó, 780 tỷ đồng là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; 250 tỷ đồng chi phí xây lắp; 220 tỷ đồng lãi trái phiếu; 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất và còn lại 50 tỷ đồng là chi phí tư vấn.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 26 - 30/12.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 26 - 30/12.

TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long cũng giảm đến 10,5%. Mới đây, CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mua vào 2,9 triệu cổ phiếu TIG để nâng sở hữu từ 0% lên 1,65% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 14/12 đến ngày 21/12. Tập đoàn Đầu tư Thăng Long dự kiến phát hành 24 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 240 tỷ đồng. Cổ phiếu riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ khi hoàn tất đợt phát hành. Toàn bộ số tiền huy động được, công ty dự kiến sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh; đầu tư tài chính; đầu tư công ty con và công ty liên kết.

Ở chiều ngược lại, VRG của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam tăng giá mạnh nhất với hơn 36%. Tuy nhiên, VRG nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Với đặc thù ở sàn UPCoM tính giá tham chiếu phiên sau là bình quân gia quyền của các mức giá giao dịch lô chẵn thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục của ngày giao dịch gần nhất trước đó nên dù liên tục đóng cửa ở mức giảm đến 13%, 15%, nhưng giá tham chiếu ở phiên sau đó đều cao hơn rất nhiều.

Cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings cũng tăng 14,8% trong tuần giao dịch vừa qua. Đà tăng của DRH được cho là đến từ sự bứt phá của công ty liên kết CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương. Nhóm đầu tư công đang được hưởng lợi từ thông tin ngày 1/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời khánh thành dự án Cam Lộ - La Sơn.

Tiếp sau đó, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng ghi nhận mức tăng giá là 12,6%. Ngày 28/12, doanh nghiệp này đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 lần 2. Trong đó, một loạt nội dung quan trọng đã được ĐHĐCĐ thông qua, nổi bật nhất là phương án mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ. Tổng lượng cổ phiếu sẽ mua lại là 100 triệu đơn vị tương ứng với 13% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cp, tương ứng với số tiền chi tối đa là 3.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty cũng vừa thông qua việc nhận chuyển nhượng 45 triệu cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên, phía bên chuyển nhượng là CTCP Viễn Thông Sài Gòn (SaigonTel). Sau giao dịch thành công, KBC sẽ nắm giữ 153 triệu cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên, tương ứng nâng tỷ lệ sở hữu từ 60% lên 85% vốn điều lệ. Giá dự kiến giao Ban Tổng giám đốc đàm phán, quyết định, thời gian hoàn thành là ngày 31/12/2022.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 26 - 30/12.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 26 - 30/12.

Trong top 10 vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản, số mã tăng nhỉnh hơn với 7 mã, trong khi chỉ có 3 mã giảm. Hai mã vốn hóa lớn nhất là VHM của CTCP Vinhomes và VIC của Tập đoàn Vingroup giảm lần lượt 3,6% và 2,4%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top