Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo chiều hướng khá tích cực trong phiên 27/7. Các chỉ số chính đều biến động ở trên mốc tham chiếu xuyên suốt thời gian của phiên giao dịch. Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá và góp phần giữ vững sắc xanh của các chỉ số.
Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số về cuối phiên bị thu hẹp lại đáng kể khi áp lực bán dâng cao. Các cổ phiếu như VNM, MWG, VCB, PNJ, KDC, FPT… đều giảm giá và tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, VNM giảm 1,6%, VCB giảm 1%, PNJ giảm 0,5%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tạo áp lực mạnh lên các chỉ số khi những cái tên như VHM, NVL hay PDR đều giảm giá. VHM giảm 1,6% xuống 107.800 đồng/cp, NVL giảm 0,9% xuống 106.500 đồng/cp, còn PDR giảm 0,8% xuống 89.800 đồng/cp.
Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá như MSN, TPB, VIB, TCB, SHB… Trong đó, MSN tăng 3,6%, TPB tăng 3,6%, TCB tăng 1,5%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng giá sau thông tin Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo việc áp dụng lại lô 10 cổ phiếu trên HoSE. Kết phiên, SSI tăng 2,4%, VND tăng 3,8%, HCM tăng 2,8%...
Bên cạnh đó, các mã bất động sản lớn như VRE, BCM, THD hay VIC đều tăng giá và giúp giữ được sắc xanh của các chỉ số. VRE tăng 3,4% lên 27.650 đồng/cp, BCM tăng 0,5% lên 41.200 đồng/cp, THD tăng 0,2% lên 206.900 đồng/cp, còn VIC tăng 0,1% lên 104.300 đồng/cp. Mới đây, VIC công bố bổ nhiệm ông Michael Lohscheller, người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu, làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Ông Michael Lohscheller sẽ chịu trách nhiệm mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quảng bá VinFast ra toàn thế giới.
Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra mạnh hơn, trong đó, những cái tên như PLA, DTA, TNT, CCI, PTL hay AGG đều được kéo lên mức giá trần. AGG gây bất ngờ khi có giao dịch thỏa thuận gần 8,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch lên đến hơn 511 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TEG tăng 5,9% lên 15.200 đồng/cp, BII tăng 2,4% lên 8.700 đồng/cp, FLC tăng 2,4% lên 10.850 đồng/cp.
Trong khi đó, một số cổ phiếu bất động sản biến động tiêu cực và giảm mạnh như KHG, HDG, LHG, DXS, NDN, SCR… Trong đó, KHG dù thoát khỏi mức giá sàn nhưng vẫn còn giảm 5,2% xuống 16.300 đồng/cp, HDG giảm 2,8% xuống 52.600 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 4,22 điểm (0,33%) lên 1.276,93 điểm. Toàn sàn có 206 mã tăng, 166 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,12 điểm (1,03%) lên 306 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 76 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,9 điểm (1,07%) lên 84,77 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 19,5%.
Khối ngoại mua ròng trở lại 250 tỷ đồng ở phiên 27/7, trong đó, AGG được mua ròng gần 7,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 372 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận. Bên cạnh AGG, các cổ phiếu bất động sản là NVL và VRE cũng được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 106 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Chiều ngược lại, 2 mã bất động sản là VHM và PDR đứng ở 2 vị trí cao nhất về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 86 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Ngoài ra, NLG và KDH bị bán ròng lần lượt 21 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.
VN-Index có phiên hồi phục nhẹ thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh đã có sự cải thiện so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên trong phiên 27/7 là chưa thực sự mạnh, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với diễn biến thị trường.
Với diễn biến này thì góc nhìn xu hướng thị trường vẫn không có gì thay đổi, VN-Index vẫn đang vận động trong sóng hồi với thanh khoản thấp. Theo đó, trong phiên giao dịch 28/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục với target là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1.300 điểm./.