Sau phiên giao dịch hưng phấn hôm 14/12, thị trường chứng khoán bước vào phiên 15/12 với sự điều chỉnh nhất định. Đà hưng phấn đã bị chặn đứng, thay vào đó, nhiều cổ phiếu trụ cột lùi xuống dưới mốc tham chiếu và gây áp lực lớn lên chỉ số chính VN-Index. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cổ phiếu duy trì được sắc xanh nên VN-Index biến động giằng co trong biên độ hẹp ở suốt phiên sáng.
Diễn biến mạnh xảy ra sau giờ nghỉ trưa khi áp lực bán tiếp tục bị đẩy lên mức cao và khiến một số cổ phiếu trụ cột lao dốc mạnh. Trong đó, SAB giảm đến 2,5% xuống 199.000 đồng/cp, VCB giảm 2,1% xuống 97.800 đồng/cp, VPB giảm 2,1% xuống 28.100 đồng/cp, VNM giảm 1,9% xuống 111.200 đồng/cp, GAS giảm 1,8% xuống 85.400 đồng/cp. Trong 3 cổ phiếu họ Vingroup chỉ có VRE còn duy trì được sắc xanh, trong khi đó, VIC giảm 1,7%, VHM giảm 1,1%.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, đà tăng mạnh vẫn được duy trì tốt trên nhiều cổ phiếu. SIP, THD, IDC và SNZ là các mã bất động sản có tác động tích cực cũng như góp công lớn trong việc giữ sắc xanh của 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index. Trong đó, IDC tăng 5,7% lên 35.000 đồng/cp. HĐQT Tổng công ty IDICO (IDC) vừa thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Đạt kể từ ngày 15/12. Ông Đạt vẫn đang là thành viên HĐQT Tổng công ty. Đồng thời, HĐQT cũng quyết định bổ nhiệm ông Đặng Chính Trung - thành viên HĐQT giữ chức vụ Tổng giám đốc trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/12.
Bên cạnh đó, cả THD và SIP đều được kéo lên mức giá trần. SZC tăng 5,4% lên 31.300 đồng/cp. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng tăng mạnh có LDG (6,9%), IDJ (6,5%), LHG (3,8%), FIT (3,2%), HDG (3%), CII (2,7%)...
Chiều ngược lại, trong số những cổ phiếu bất động sản giảm giá có một số trường hợp đáng chú ý như DIG với mức giảm 2,7%, KDH giảm 2,1%, HAR giảm 2,1%.
Chốt phiên, VN-Index giảm 8,82 điểm (-0,83%) xuống 1.055,27 điểm. Toàn sàn có 181 mã tăng, 262 mã giảm và 56 mã đứng giá. Trong khi đó, HNX-Index tăng 2,13 điểm (1,29%) lên 167,87 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 71 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (0,3%) lên 69,57 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 14.948 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 791 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.527 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản lọt top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường gồm LDG, ITA, FLC và VRE, trong đó, LDG khớp lệnh mạnh nhất với 24,6 triệu cổ phiếu, chỉ đứng sau HAG với 30 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 832 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, các mã bất động sản như VRE, NVL và DXG bị bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, HDG là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top mua ròng của khối ngoại với 26 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh trở lại với thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE đạt mức cao kỷ lục với gần 12.300 tỷ đồng cho thấy áp lực bán ra là thực sự mạnh. Tuy nhiên, mức giảm hôm 15/12 lại khá nhẹ nếu so với mức tăng của phiên trước đó, điều này cho thấy lực cầu bắt đáy từ nhà đầu tư là khá tốt, nhất là trong phiên chiều.
Trên khía cạnh kỹ thuật, dư địa giảm của VN-Index có thể là vẫn còn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018). Khối ngoại bán ròng mạnh với hơn 820 tỷ đồng trên hai sàn là một diễn biến tiêu cực. Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 duy trì basis dương 1,68 điểm so với chỉ số cơ sở VN30 trong bối cảnh chỉ còn 2 phiên nữa là đáo hạn cho thấy các nhà giao dịch vẫn nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm hồi phục trở lại.
SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018). Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.045 điểm (nếu có) để giải ngân thăm dò./.