Aa

Nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh, VN-Index lên hơn 5 điểm trong phiên 3/7

Thứ Bảy, 04/07/2020 - 06:00

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước và ở mức khá yếu.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch mới với sự tích cực khi cả 2 chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index đều được kéo lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường không diễn ra mạnh khi lực cầu tỏ ra vẫn còn khá yếu, các chỉ số vì vậy cũng chỉ biến động hẹp ở trên mốc tham chiếu. Diễn biễn giao dịch trong phiên không có quá nhiều điểm nội bật khi mức tăng của VN-Index được duy trì khá nhẹ nhàng trong khi HNX-Index không thể giữ được sắc xanh vào cuối phiên.

Sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột diễn ra nên giao dịch trên thị trường ở trạng thái cân bằng và không có biến động lớn. Các cổ phiếu như SAB, VHM, VNM, VCB, HDB… tăng giá tốt và góp phần lớn trong việc giữ được sắc xanh của VN-Index trong suốt thời gian giao dịch phiên 3/7. Chốt phiên, SAB tăng đến 4,9% lên 175.000 đồng/cp, chỉ riêng SAB đã đóng góp cho VN-Index đến gần 1,5 điểm (0,17%). VHM cũng tăng tốt 1,2% lên 77.800 đồng/cp, VNM tăng 1% lên 114.100 đồng/cp, HDB bất ngờ tăng mạnh 5,3% lên 26.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 3/7. Nguồn: VDSC.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, VPB, STB… đều chìm trong sắc đỏ và tạo đôi chút áp lực lên thị trường chung. SHB và ACB phiên 3/7 giảm giá và khiến HNX-Index mất điểm vào phút chót. SHB giảm 1,5% xuống 12.800 đồng/cp, còn ACB giảm nhẹ 0,4% xuống 23.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên HNX-Index phiên 3/7. Nguồn: VDSC.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh VHM, cả VIC và VRE cũng tăng giá, trong đó, VIC tăng nhẹ 0,3% lên 90.200 đồng/cp, còn VRE tăng 1,1% lên 26.500 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản lớn khác là NVL lại giảm 2% xuống 62.400 đồng/cp.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra vẫn rất mạnh. Các cổ phiếu như HTT, DLR, PVR, CCL… đều được kéo lên mức giá trần. “Tân binh” THD vẫn tăng trần lên 49.900 đồng/cp. Như vậy kể từ khi lên sàn HoSE hôm 19/6, THD đã tăng trần trong cả 11 phiên. Bên cạnh đó, DIG tăng 5,7%, IDJ tăng 3,2%, NTL tăng 2,2%, KDH tăng 2,1%. Trong khi đó, HU6, E29, VNI, HPI, OCH, SGR và BII đều bị kéo xuống mức giá sàn. Các mã có yếu tố thị trường cao như ITA, HQC, KBC… cũng không có được sự tích cực ở phiên 3/7. ITA giảm 3,8% xuống 4.550 đồng/cp và khớp lệnh 5,4 triệu cổ phiếu, HQC giảm 3% xuống 1.620 đồng/cp và khớp lệnh 9,7 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,23 điểm (0,62%) lên 847,61 điểm. Toàn sàn có 197 mã tăng, 167 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,05%) xuống 111,55 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng, 76 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (0,66%) lên 56,26 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 3/7. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước và ở mức yếu, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 268 triệu cổ phiếu, trị giá 4.260 ỷ đồng. Nhóm bất động sản đóng góp 3 mã trong danh sách 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường gồm HQC, ITA và FLC.

Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng hơn 155 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 159 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách mua của khối ngoại là PLX với hơn 136 tỷ đồng và chủ yếu đến từ giao dịch thoả thuận. VHM và VRE cũng được mua ròng lần lượt 35,5 tỷ đồng và 23,5 tỷ đồng. Hai mã bất động sản khác là HPX và NLG cũng lọt vào top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HoSE. Chiều ngược lại, CCQ ETF E1VFVN30 bị bán ròng mạnh nhất với 14,6 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trên khung đồ thị ngày của VN-Index, chỉ báo MACD tiếp tục duy trì xu hướng giảm xuống dưới mức 0 và nằm dưới đường tín hiệu. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastics Oscillator vẫn đang di truyền xu hướng tăng và nằm trên đường tín hiệu. Hai chỉ báo khác là RSI và Chaikin Money Flow đều ghi nhận sự hồi phục. Do vậy, nhiều khả năng thị trường vẫn có khả năng sẽ tăng điểm trong những phiên giao dịch đầu tuần sau. BVSC cho rằng vùng 855 - 860 sẽ là vùng kháng cự gần nhất đối với đà hồi phục của VnIndex. Mặt khác, trong trường hợp VN-Index giảm điểm trở lại, vùng 810 - 820 sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ giúp chỉ số hồi phục.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc tăng 0,7 - 0,8%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 2% và 1,3%. Hang Seng của Hong Kong tăng gần 1%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,4% và 0,5%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,6%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,1%, KLCI của Malaysia tăng 1%, riêng SET 50 của Thái Lan giảm 0,1%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top