Aa

Bài 13: Thuận An, Thủ Dầu Một... vi phạm quy trình duyệt kế hoạch sử dụng đất

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Bảy, 03/06/2023 - 05:38

Trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ năm 2017 đến năm 2020, UBND 9 đơn vị hành chính cấp huyện ở Bình Dương không thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp là vi phạm quy định.

Thông tin này được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong Kết luận Thanh tra số 785/KL-TTCP, về việc Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang đất kinh doanh, xây dựng nhà ở; Thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luận về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011 – 2019.

Nhiều địa phương chậm lập, trình duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nguy cơ phát sinh tiêu cực

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, căn cứ Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 200/TB-UBND ngày 5/8/2013 phân bố chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương cho địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 - 2015) đối với 9 huyện, thị xã, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt trong năm 2014.

Sau khi phương án điều chỉnh QHSDĐ của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các UBND cấp huyện tiến hành lập điều chỉnh QHSDĐ cấp huyện. Các đơn vị hành chính cấp huyện lập, thẩm định QHSDĐ của 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Nhìn chung, việc lập, thẩm định và phê duyệt QHSDĐ cấp huyện thuộc tỉnh Bình Dương cơ bản thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, kết quả thanh tra trực tiếp 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện (TP.Thủ Dầu Một; TP.Dĩ An; TP.Thuận An; TX Tân Uyên, TX Bến Cát) cho thấy vẫn còn có một số hạn chế, thiếu sót.

Cụ thể, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ năm 2017 đến năm 2020, UBND 9 đơn vị hành chính cấp huyện không thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp là vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; mặc dù Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ không quy định trước khi UBND cấp huyện trình duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải thông qua HĐND cùng cấp. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định: “Trong trường hợp các văn bản QPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Do vậy, phải áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Có 5/5 đơn vị cấp huyện chậm lập, trình duyệt QHSDĐ cấp huyện, phường, thị trấn giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015); chậm phê duyệt QHSDĐ cấp xã trực thuộc, chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 8 Điều 21 Luật Đất đai 2003. Nguyên nhân chậm do quy hoạch cấp tỉnh được phê duyệt chậm dẫn đến QHSDĐ cấp dưới cũng chậm theo.

Bên cạnh đó, việc chậm lập, trình duyệt QHSDĐ cấp huyện dẫn đến thiếu công cụ chủ yếu để quản lý đất đai; không thể công khai QHSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đại để người dân và cộng đồng giám sát. Điều này có nguy cơ dẫn đến sự tùy tiện và dễ phát sinh tiêu cực trong việc giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, việc lập, thẩm định và trình duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của các đơn vị hành chính cấp huyện chậm so với quy định, vi phạm điểm a, điểm e khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chỉ tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, có lý do khách quan là QHSDĐ của Tỉnh lập, thẩm định và trình duyệt chậm hơn so với quy định, dẫn đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng được phê duyệt chậm theo.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, chất lượng công tác lập QHSDĐ và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, chưa tuân thủ nguyên tắc về sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa các cấp, chưa tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Đất đai 2013.

Điển hình như UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ đến năm 2020 thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An) tại Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 14/8/2018, trong đó: chỉ tiêu nhóm đất nông nghiệp đến năm 2020 là 150ha, chỉ tiêu nhóm đất phi nông nghiệp là 5.854,69ha, nhưng trong Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 thì chỉ tiêu nhóm đất nông nghiệp phân bổ cho thị xã Dĩ An là 374ha, chỉ tiêu nhóm đất phi nông nghiệp được phân bố là 5.631ha.

UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thành phố Thủ Dầu Một tại Quyết định số 3844/QĐ-UBND ngày 28/12/2018, trong đó chỉ tiêu nhóm đất nông nghiệp đến năm 2020 là 1.824ha, nhưng trong QHSDĐ của tỉnh Bình Dương đến năm 2020 thì chỉ tiêu nhóm đất nông nghiệp phân bổ cho thành phố Thủ Dầu Một là 2.810ha.

Hình minh hoạ (Ảnh: Hiếu CT)

Nhiều hạn chế trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, thực hiện Luật Đất đai năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương đã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015), được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19/6/2013.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc lập, thẩm định, trình duyệt QHSDĐ và việc lập, thẩm định, trình duyệt điều chỉnh QHSDĐ đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của UBND tỉnh Bình Dương cơ bản thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, còn một số hạn chế.

Cụ thể, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương chưa kịp thời, chậm so với quy định, vi phạm khoản 8 Điều 21 Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi kỳ phải được quyết định, xét duyệt trong cuối của kỳ trước đó. Trên thực tế, ngày 6/2/2013, UBND tỉnh Bình Dương có Tờ trình số 372/TTr-UBND đề nghị xét duyệt QHSDĐ đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm cũng có nguyên nhân khách quan. Cụ thể, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai là được lập từ tổng thể đến chi tiết; do QHSDĐ cấp Quốc gia được phê duyệt chậm, đến ngày 23/2/2012, Chính phủ mới phân bổ một số chi tiêu QHSDĐ cho tỉnh tại Công văn số 23/CP-KTN. Do vậy, QHSDĐ của tỉnh được lập, thẩm định và trình duyệt chậm hơn so với quy định.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra QHSDĐ của tỉnh Bình Dương chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc về sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa các cấp, vi phạm khoản 2 Điều 21 Luật Đất đai năm 2003. Điển hình như: chỉ tiêu đất trồng lúa (Chính phủ phân bố là 6.000ha, tỉnh được duyệt là 3.150ha, thấp hơn 2.850ha so với chỉ tiêu được Chính phủ phân bổ), chỉ tiêu đất khu công nghiệp (Chính phủ phân bố 10.953 ha, tỉnh được duyệt là 14.513 ha, tăng 3.560ha so với chỉ tiêu được Chính phủ phân bổ).

Đồng thời, chất lượng công tác lập QHSDĐ đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) và phương án điều chỉnh QHSDĐ đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Bình Dương chưa cao, chưa bám sát nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chưa dự báo được nhu cầu sử dụng các loại đất trong kỳ quy hoạch. Do vậy, đến cuối năm 2019 có một số chỉ tiêu thực hiện đạt tỷ lệ thấp hoặc vượt chỉ tiêu QHSDĐ đã được phê duyệt (chi tiết được thể hiện tại phần đánh giá việc thực hiện các chi tiêu QHSDĐ)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top