Quý II và quý III: Thị trường thường có chu kỳ đi lên
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kết thúc 6 tháng đầu năm 2019 với sự hồi phục đáng kể của VN -Index. Chỉ số chính của thị trường dừng ở mức 949,94 điểm, tương ứng tăng 6,43% so với cuối năm 2018.
Thị trường chứng khoán tháng 6 vừa qua tiếp tục với biến động không rõ xu hướng của VN-Index. Chỉ số biến động ở cả 2 chiều, phân hóa thành các chuỗi tăng giảm mạnh và điểm số ghi nhận vào cuối tháng không thay đổi nhiều so với thời điểm cuối tháng 5.
Phải thừa nhận rằng, thị trường nửa đầu năm đã chứng kiến nhiều yếu tố tác động có diễn biến phức tạp khiến tâm lý nhà đầu tư bất ổn như các tín hiệu từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung không ổn định; xu hướng giao dịch của khối ngoại không rõ ràng; tâm lý thận trọng chờ đợi số liệu vĩ mô và kết quả kinh doanh quý II/2019 tác động tới giá trị thanh khoản.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn, thị trường vẫn đón nhận nhiều tín hiệu hy vọng như FED dự kiến giảm lãi suất, nhóm quỹ ETF tiếp tục mua ròng,…
Ngày 3/6, James Bullard, người đứng đầu chi nhánh St.Louis của FED khẳng định cần phải giảm lãi suất, trước khi thông tin này được thống đốc Jerome Powell xác nhận một ngày sau đó.
Phản ứng với diễn biến trên, S&P 500 tăng mạnh 2,14% trong ngày 4/6, duy trì sắc xanh trong 5 phiên liên tiếp và tiếp tục ghi nhận chuỗi tăng điểm sau cuộc họp tháng 6 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Thị trường Việt Nam cũng hưởng ứng thông tin trên trong phiên ngày 20/6, khi VN Index đóng cửa tại mức gần cao nhất trong ngày, tăng 1%.
Bên cạnh đó, điểm sáng của thị trường đến từ giao dịch của ETF khi 3 quỹ VFM VN30, Van Eck ETF và DB FTSE mua ròng trên 1,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 6. Sau khi mua ròng mạnh trong giai đoạn đầu năm theo tính chất mùa vụ, giao dịch của nhóm ETF chững lại trong tháng 3 và 4 trước khi sôi động trở lại từ cuối tháng 5. Tính từ đầu năm 2019, tổng giá trị mua ròng của 3 quỹ đạt 6,3 nghìn tỷ đồng.
Xu hướng mua ròng của các quỹ ETF kể từ tháng 5 diễn ra khá bất ngờ và không có tính quy luật trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn rất thận trọng. Trong nước và trên thế giới cũng không có những sự kiện nào thực sự nổi trội để làm thay đổi cách nhìn nhận của nhà đầu tư nước ngoài với Việt nam. Một lý giải khả dĩ cho xu hướng này, nếu có, là diễn biến tỷ giá.
Đồng VND được duy trì ổn định và có xu hướng tăng giá nhẹ. Khác với thời gian nổ ra chiến tranh thương mại đợt 1 năm 2018, năm nay giới đầu tư đã chuẩn bị từ trước nên sự mất giá của cả đồng CNY và VND đều ít hơn.
Trong khi đó tại Thailand, đồng Bath tăng giá rất nhanh và đã lên đến mức cao nhất nhiều năm. Tại Mỹ, FED giảm lãi suất có thể khiến cho đồng USD giảm giá. Khi các đồng tiền nước ngoài đứng trước khả năng giảm giá, việc đầu tư ra nước ngoài là một lựa chọn để gia tăng mức sinh lời.
Một lý giải khác là kỳ vọng đàm phán Mỹ - Trung được nối lại, kéo theo xu hướng đi tìm cơ hội đầu tư ngắn hạn ở các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trên toàn cầu trong nửa cuối tháng 6 đã xuất hiện xu hướng này khi các quỹ ETF có dòng tiền chảy vào còn các quỹ đầu tư chủ động vẫn bị rút vốn.
Dẫu khó có thể tìm được lý giải chính xác cho dòng vốn ETF tại Việt Nam từ giữa tháng 5, điều đáng ghi nhận là dòng tiền này đã vào đều và có giá trị lớn. Nhờ dòng vốn này nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang mua ròng nhẹ trong tháng 6.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích tư vấn khách hàng cá nhân SSI, bước sang tháng 7, là giai đoạn cao điểm của mùa công bố thông tin bán niên. Giai đoạn này các chỉ số vĩ mô 6 tháng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết sẽ cho nhà đầu tư góc nhìn khá rõ nét hơn cho bức tranh cả năm 2019.
Với những thông tin thị trường đã tiếp nhận trong tháng 6, ngoài diễn biến mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung thì nhà đầu tư đang có nhiều câu chuyện hơn để kỳ vọng như khả năng FED giảm lãi suất; lợi ích kinh tế thương mại từ EVFTA được làm rõ hơn; tăng trưởng lợi nhuận ở các doanh nghiệp đầu ngành triển vọng.
Kỳ vọng không chắc chắn sẽ đi kèm với rủi ro tương ứng, vì vậy thị trường chứng khoán vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều biến số khó đoán và khả năng tiếp tục có những biến động ở cả 2 chiều. Tuy vậy so với quý II, chiều tích cực đã có phần nhỉnh hơn.
Khảo sát của Reatimes cho thấy, theo chu kỳ của thị trường chứng khoán, quý II và quý III được cho là “thời điểm đẹp” để các doanh nghiệp lên sàn. Trong đó, kết quả kinh doanh quý I và quý II được các doanh nghiệp công bố khả quan thường tác động tích cực lên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chọn “giờ vàng” để lên sàn
Kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán thường được lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng lộ trình. Chọn thời điểm lên sàn để huy động vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng cũng được cân nhắc kỹ. Mục tiêu vừa để huy động vốn hiệu quả từ các nhà đầu tư tiềm năng, vừa để cổ phiếu không bị ảnh hưởng xấu khi thị trường rơi vào thời điểm ảm đạm. Do đó, quý II và quý III thường là thời điểm vàng được các doanh nghiệp lựa chọn đưa cổ phiếu lên sàn.
Cuối tháng 5/2019, thị trường chứng khoán đã đón nhận 448 triệu cổ phiếu Tổng công ty Viglacera - công ty cổ phần (mã VCG) với giá trị niêm yết hơn 4.483 tỷ đồng đã được nhiều nhà đầu tư đón chờ.
Viglacera là doanh nghiệp Nhà nước được tái cơ cấu và cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ 22/7/2014, với số vốn điều lệ là 2.645 tỷ đồng. Sau các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng và cho người lao động năm 2016 và 2017, hiện nay vốn điều lệ của công ty đạt 4.483,5 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu nhà nước là 53,97%.
Cũng trong quý II/2019, 13 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ TNS Holdings cũng chính thức được niếm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán TN1. Tổng giá trị niêm yết đạt 133 tỷ đồng.
Hay như, giữa tháng 7/2019, 13,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần GAB (mã GAB) được giao dịch, với giá trị niêm yết là 138 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng vật liệu xây dựng qua lửa bằng công nghệ cao, trọng tâm là sản phẩm gạch tuynel hướng tới bảo vệ mội trường và kinh doanh thương mại hàng nông sản.
Mới đây nhất, ngày 22/7, 104 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Kose (mã KOS) vào giao dịch trên Hose. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của mã cổ phiếu này đạt trên 1.000 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 23.200 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá là +/-20%.
KOS được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng. Chỉ sau năm lần điều chỉnh, vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện đã đạt 1.037,5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Kosy là kiến trúc tư vấn kỹ thuật, xây dựng, kinh doanh bất động sản, mua bán vật liệu xây dựng và các thiết bị lắp đặt trong xây dựng.