Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 12/2016, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với gần 155.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng trên 3 tỷ mét vuông đất và khoảng 140 triệu mét vuông nhà.
Qua đó, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 123.800 cơ sở với tổng diện tích là 1.967 triệu mét vuông đất và 116 triệu mét vuông nhà. Trong số đó, cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng phần lớn diện tích với 1.857 triệu mét vuông đất; còn lại là bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất…
Tuy nhiên theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính, công tác sắp xếp nhà, đất triển khai, di dời trụ sở các bộ ngành, hiện đang diễn ra quá chậm do nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Một số quy định theo đánh giá là khó thực hiện như cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bố trí từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất.
Bên cạnh đó, việc chậm sắp xếp nhà, đất theo đại diện Bộ Tài chính còn xuất phát từ chính công tác tổ chức, thực hiện. Một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác sắp xếp, nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Một số bộ, ngành, địa phương theo đánh giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhưng chưa tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án đã được phê duyệt. Ngoài ra, công tác hậu kiểm tra việc thực hiện phương án chưa được quy định ở chính sách và tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Trên thực tế, nhiều địa phương cũng chậm cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất nên các cơ quan không có cơ sở để lập phương án sử dụng nhà, đất hoặc phương án di dời hiệu quả.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc chấp hành chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương còn tâm lý cố giữ nhà, đất đang quản lý, sử dụng. “Một số đơn vị đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhưng sau khi chuyền về trụ sở mới vẫn không bàn giao lại trụ sở cũ cho Nhà nước”, báo cáo của Bộ Tài chính cho hay.
Ông Phan Đăng Long, Nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội từng cho biết: "Chủ trương di dời trụ sở của các quan trung ương ra ngoại thành, Hà Nội phải bố trí đất phù hợp với điều kiện làm việc đã được triển khai trong suốt thời gian qua, thế nhưng chưa có dấu hiệu khả quan".
Cũng theo ông Long, thực tế, trụ sở các Bộ, ngành, hầu hết là các kiến trúc thời Pháp cũ, cho nên sau quá trình mấy chục năm phát triển, các trụ sở cũ không đáp ứng được lượng cán bộ, nhân viên, văn phòng ngày càng tăng. Hơn nữa, mật độ dân số trong nội độ quá tải, cộng thêm các cơ quan Bộ ngành... dẫn đến ách tắc đô thị ngày càng cao. Chính vì thế, mới có chủ trương chuyển cơ sở các Bộ ngành, nhà máy, bệnh viện, các trường ĐH ra ngoài, các trụ sở cũ trả lại cho Hà Nội để tổ chức cho mục đích dân sinh khác.
"Tuy nhiên, các Bộ đều vẫn giữ trụ sở cũ dù đã chuyển sang trụ sở mới và tất cả đều nêu lý do là chỗ mới vẫn chật chội, nên vẫn cần trụ sở cũ để bố trí cho các đơn vị khác. Thực tế, tôi nghĩ tất cả là vì quyền lợi cục bộ chứ không vì cái chung", ông Long nhận định.
Còn theo đại diện Bộ Tài chính, nhà, đất là những tài sản có giá trị lớn, cần được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Bởi vậy định hướng việc xử lý, sắp xếp nhà, đất trong thời gian tới theo cơ quan này cần thông qua cơ chế sắp xếp nhà, đất để khắc phục tình trạng sử dụng sai quy định, lãng phí nguồn tài sản công của Nhà nước.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần xử lý nghiêm minh và triệt để các trường hợp sử dụng sai quy định như cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí là nhà ở, lấn chiếm…
Đối với nhà, đất sử dụng không hiệu quả, sai quy định, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Nhà nước thu hồi giao cho tổ chức khác sử dụng để tạo nguồn lực từ quỹ nhà, đất nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị: "Chính phủ sẽ phải có giám sát hậu di dời, tuyệt đối không được cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây chung cư, đi ngược lại với mục đích ban đầu đặt ra khi di dời trụ sở”.
Trong báo cáo về việc thực hiện công tác di dời cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành cách đây không lâu, UBND TP Hà Nội cho biết, có 5 Bộ và 4 cơ quan được bố trí đất, đã xây dựng trụ sở mới, nhưng có tới 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.