Bài 2: Nhiều gam màu tối trong bức tranh phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp

Bài 2: Nhiều gam màu tối trong bức tranh phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp

Thứ Ba, 02/11/2021 - 06:45

Lời tòa soạn: 

Thực trạng thiếu nhà ở giá rẻ khiến công nhân, người lao động nhập cư không tạo lập được cuộc sống ổn định tại nơi làm việc, đời sống bấp bênh đã diễn ra trong rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến khi Covid-19 xảy ra, mọi bất cập mới thực sự lộ rõ.

Các khu công nghiệp đã và đang trở thành nơi dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh, thậm chí trở thành những ổ dịch lớn buộc phải phong tỏa, cách ly trong thời gian dài, khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đảo lộn.

Ở phía công nhân, người lao động, họ phải “giam mình” trong những phòng trọ chật chội, thu nhập bị đứt quãng do không được làm việc. Sau thời gian dài giãn cách, không còn trụ vững, hàng loạt lao động “bỏ phố về quê”, trong đó, nhiều người không muốn quay trở lại mà ở quê tìm đường sống khác. Bởi sau chuyến hồi hương lịch sử, TP.HCM, Bình Dương… không còn là “miền đất hứa” mà là những ngày tháng mệt mỏi, thiếu thốn, chênh vênh mà họ muốn bỏ lại sau lưng.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, có ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Từ đầu tháng 10 năm 2021, khi các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại hoạt động, họ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Trước thực tế này, việc đảm bảo an sinh xã hội đặc biệt là vấn đề nơi ăn chốn ở cho công nhân, người lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho công nhân mang tính chất tình thế, mà phải là những giải pháp mang tính bền vững.

Trong bối cảnh này, việc đặt ra mục tiêu "Xây 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp" của lãnh đạo TP.HCM là điểm sáng cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong việc giải bài toán an sinh xã hội cho người thu nhập thấp. Nhưng làm thế nào để có thể hiện thực hoá được mục tiêu một cách kịp thời nhất khi mà thực tế 5 năm gần đây số nhà ở xã hội được xây dựng tại TP.HCM còn chưa đến 20.000 căn? Có lẽ cần phải "chỉ mặt, gọi tên" từng vướng mắc cụ thể để tháo gỡ cũng như có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa. 

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, sau loạt bài "Nhà ở công nhân nhìn từ tác động Covid-19"Reatimes tiếp tục triển khai tuyến bài: Xây dựng 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp: Khó khăn và giải pháp.

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan, quê ở Thanh Hoá vào TP.HCM làm công nhân cho một công ty da giày từ năm 2006. Hai vợ chồng chị thuê một phòng rộng khoảng 14 mét vuông với giá 1,1 triệu đồng/tháng. Chỉ 14 mét vuông nhưng có đủ “phòng chức năng” của một căn nhà đúng nghĩa gồm chỗ ngủ, phòng vệ sinh, bếp...

Chiều tăng ca về muộn, trên kệ bếp nhỏ vẫn còn vài khúc cá om từ hôm trước, đó là món chính cho bữa tối của hai vợ chồng. Với đồng lương ít ỏi, vợ chồng chị Lan cũng chẳng dám cải thiện bữa cơm gia đình mà chỉ thêm mớ rau, quả trứng chiên cho qua bữa rồi nghỉ ngơi mai lại tiếp tục đi làm.

“Hai vợ chồng thuê trọ đi làm lương mỗi tháng được khoảng 14 triệu đồng, nếu làm tăng ca sẽ nhiều hơn nhưng trừ đi tiền thuê nhà, điện nước rồi đóng tiền học cho con ở quê thì cũng chỉ còn vài triệu để chi tiêu trong nhà mỗi tháng. Hai vợ chồng cố làm thêm để con cái có điều kiện học hành tốt hơn bố mẹ. Nếu sau này có nhà ở bán cho công nhân cũng không biết có mua được hay không, không biết giá bán ra sao?. Chúng tôi cũng chỉ mong có chính sách nào có cởi mở hơn, hỗ trợ mua nhà giá rẻ để công nhân bớt khổ”, chị Lan bày tỏ.

Tương tự chị Lan, vợ chồng anh Trần Văn Mười, quê Cà Mau lên TP.HCM làm công nhân trong một nhà máy tại quận 12 cũng đã ngót nghét 15 năm. Ngày chúng tôi đến đúng vào ngày chủ nhật nên vợ chồng anh Mười được nghỉ ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Xuyên qua một dãy trọ dài với những chiếc xe máy dựng ngổn ngang, chúng tôi mới vào được phòng trọ của anh Mười ở cuối dãy. 15 năm qua, 2 vợ chồng anh Mười dù có chắt chiu dành dụm bao nhiêu lâu thì vẫn chẳng dư dả được bao nhiêu, bởi mỗi tháng ngoài tiền cho các con ăn học, tiền sinh hoạt phí thì còn phải tốn thêm một khoản khá lớn so với mức lương của 2 vợ chồng để thuê phòng trọ.

TP.HCM vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn. Phần lớn họ không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.

Lúc rời quê, cả 2 vợ chồng đều mới học xong trung học phổ thông, giờ đây đứa lớn đã 7 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi nhưng vợ chồng anh Mười vẫn không thể mua nổi một căn nhà nhỏ vì chi phí leo thang, giá nhà tăng không ngừng. Đặc biệt là kể từ khi có con, vợ chồng anh Mười cũng không thể ở căn phòng nhỏ chỉ tầm 15m2 như hồi xưa, mà phải thuê một căn phòng khác (có gác) rộng rãi hơn thì mới đủ chỗ sinh hoạt và ăn ngủ cho các con. Điều này đồng nghĩa với việc tiền thuê nhà mỗi năm vẫn cứ tăng đều, trong khi đồng lương ít ỏi có tăng nhưng không theo kịp vật giá và giá bất động sản.

“Đời vợ chồng tôi đã khổ, không muốn đến đời con, đời cháu vẫn lủi thủi sống kiếp tạm bợ, nhưng mơ ước thì vẫn chỉ là mơ ước. Tôi lo lắng lắm! 15 năm rồi dù cố chắt chiu dành dụm bao nhiêu thì cũng dư dả được vài đồng, không đáng là bao, mà giá nhà bây giờ cứ tăng liên tục. Với đồng lương công nhân ít ỏi vợ chồng tôi cũng không dám vay ngân hàng hay vay mượn ai vì sợ không đủ khả năng chi trả. Nếu có điều kiện thuê nhà khác rộng hơn, nhưng với thu nhập hiện tại cũng khó cho phép làm được điều đó. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ nào đó cho những hoàn cảnh như chúng tôi có được chỗ ở ổn định, yên tâm sinh sống ở thành phố lớn, còn không thì vài năm tới cũng phải kéo nhau về quê thôi”, anh Mười trải lòng.

Công nhân, người lao động phải sống trong những khu trọ chật chội, ẩm thấp

So với chị Lan hay vợ chồng anh Mười, câu chuyện của vợ chồng ông Lê Văn Mạnh đang làm việc tại một khu chế xuất tại TP Thủ Đức còn đáng buồn hơn. Năm 1997, ông Mạnh rời quê từ Quảng Bình vào TP.HCM làm việc cho một công ty tư nhân. Tính đến nay, hai vợ chồng với đứa con tật nguyền đã sống trong căn nhà trọ tối tăm, chật hẹp suốt hơn 20 năm. Ông bà cũng đã nhiều lần mơ về một mái nhà riêng, nhưng số tiền vài trăm triệu đồng để mua nhà là quá lớn so với khả năng của họ.

"Nhà ở ổn định không ai là không muốn, nhưng với điều kiện như hiện nay đó vẫn chỉ là ước mơ. Tôi chỉ mong làm sao có cái nhà khoảng 30 mét vuông, lớn gấp đôi cái phòng trọ này là tốt lắm rồi. Nhưng ước mơ cũng chỉ là ước mơ, tôi sống hơn nửa đời người đến nay vẫn chưa biết bao giờ sẽ có được chỗ ở ổn định ở nơi đất chật người đông này”, ông Mạnh tâm sự.

Những câu chuyện trên chỉ là điển hình trong rất nhiều ước mơ của công nhân, người lao động tại TP.HCM. Việc đa phần công nhân vẫn phải sinh sống trong các khu trọ tạm bợ, thiếu thốn nhiều điều kiện sinh hoạt đã và đang tiếp tục mang đến những hệ lụy cho cả người chính họ và cả xã hội. Nhiều khu nhà trọ phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội; việc giáo dục, học hành của công nhân không đảm bảo, đặc biệt là vấn đề chăm sóc y tế, phòng chống dịch bệnh… đang là vấn đề nan giải tại một đô thị lớn như TP.HCM.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua tại TP.HCM cho thấy, phần lớn các ca F0 cộng đồng được phát hiện ở những khu vực dân cư tự phát, hẻm nhỏ, nhiều ngóc ngách, khu đông dân cư, nhà trọ. Điển hình như Bình Tân – quận có lượng công nhân, người dân từ các tỉnh đến lưu trú đông bậc nhất TP.HCM, đến nay, địa phương này là quận duy nhất vẫn chưa được công nhận kiểm soát dịch Covid-19. Bình Tân hiện có 2 khu công nghiệp do Ban quản lý các khu công nghiệp thành phố quản lý là khu công nghiệp Tân Tạo và khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã có đến hơn 70.000 lao động, có thời điểm lên đến 100.000 người, là doanh nghiệp có đông lao động nhất tại TP.HCM.

Nhiều công nhân, người lao động dù đã cố gắng chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm hết sức có thể nhưng với khả năng tài chính còn hạn chế, mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại đô thị khiến hầu hết không đủ khả năng để sở hữu một căn nhà nhỏ tại TP.HCM. Nỗi đau đáu về một nơi ăn chốn ở ổn định vẫn luôn hằn sâu, đi cả vào trong cả giấc ngủ của những người công nhân, lao động có thu nhập thấp tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Thậm chí, nhiều gia đình dù trải qua nửa đời người, cống hiến nơi đất khách vẫn không có đồng nào dư dả, không có lấy chỗ ở, và phải chấp nhận sống cảnh thuê trọ cho đến cuối đời. Điều này lý giải tại sao ngày càng nhiều gia đình muốn trở về quê, không muốn còn muốn gắn bó với nơi thành thị “đất chật người đông”. Và khi biến cố xảy đến thì ngay cả một chỗ “chui ra chui vào” cũng không còn.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua thấy rằng, bức xúc về nhà ở của công nhân càng lộ rõ bất cập. Có những địa phương, tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

Những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các chính sách này tới nay chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, những bức thiết về nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số TP.HCM là gần 9 triệu người. Sau 10 năm (2009-2019), quy mô dân số của TP.HCM đã tăng thêm 1,8 triệu người. Tuy nhiên, dân số thực tế tại TP.HCM là hơn 13 triệu người sinh sống, học tập, làm việc và du lịch.

Với 13 triệu người, trung bình mật độ dân số TP.HCM là 4.289 người/km2, cao gấp 14,7 lần so với mật độ dân số cả nước, tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm. Tốc độ gia tăng dân số tại TP.HCM nhanh. Mỗi năm dân số thành phố tăng thêm khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng thêm 1 triệu người dẫn tới áp lực rất lớn về quản lý đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Trên địa bàn TP.HCM, tổng số nhà ở hơn 1,6 triệu căn; trong đó nhà ở kiên cố chiếm gần 38%, nhà bán kiên cố chiếm hơn 60%, còn lại là nhà thiếu kiên cố và đơn sơ. Tính đến cuối năm 2020, diện tích nhà ở bình quân tại thành phố đạt 20,3 m2/người.

Mặc dù đạt chỉ tiêu đề ra, song lãnh đạo TP.HCM nhận định, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn. Phần lớn họ không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.

Do đó, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP.HCM.

Trước thực tế này, từ nhiều năm nay, lãnh đạo TP.HCM nhận định việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở do dân số ngày gia tăng là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, TP.HCM đã đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nhiệm vụ đặt ra cho TP.HCM trong công tác phát triển nhà ở là bên cạnh việc phát triển nhà ở mới kiên cố, cần cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thành nhà ở kiên cố thông qua việc chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.

Với bối cảnh hiện tại, TP.HCM còn xác định việc cải thiện chỗ ở cho người lao động là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết kinh tế sau đại dịch, coi việc an cư là cái gốc của an sinh xã hội.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 1,6 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Tính riêng số lượng trong toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất có 280.000 người, còn tại các khu công nghệ cao là 45.000 người.

Mặc dù vậy, đến nay, thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Trong 5 năm qua, thành phố chỉ có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với hơn 15.000 căn nhà. Con số này rất thấp so với nhu cầu về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp, công nhân đang đóng góp sức lực cho sự phát triển của thành phố.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tỷ lệ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp (giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống) đã giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở.

Nhà ở xã hội tại thành phố cũng chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 3% tổng diện tích sàn xây dựng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM chỉ có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng cung ứng hơn 1 triệu mét vuông sàn nhà ở ra thị trường (tương ứng khoảng 17.900 căn hộ). Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn này lên tới 80.000 căn hộ. Trong nửa đầu năm 2021, thành phố cũng chỉ có hơn 10 dự án nhà ở được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, nhưng phân khúc căn hộ bình dân hay nhà ở xã hội đều không xuất hiện.

Trước thực tế này, TP.HCM đang lập kế hoạch phát triển một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trước mắt, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, cung cấp thông tin quy hoạch về khu đất rộng 15 ha tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng 300.000 căn nhà ở xã hội phục vụ công nhân trong vòng một năm.

Ngày 30/10, UBND TP Thủ Đức cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân nằm trên khu đất có diện tích 20.875 m2 gần Khu Công nghiệp Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi. Dự án "nhà ở lưu trú cho công nhân" dự kiến hoàn thành vào quý 4/2024, kỳ vọng góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho công nhân đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, qua đó giải quyết được bài toán nhà ở cho công nhân lao động có thu nhập thấp sinh sống trên địa bàn TP Thủ Đức.

Những động thái của TP.HCM được xem là đột phá, ít nhất về mặt chủ trương đối với chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp trong nhiều năm qua.

Đại dịch Covid-19 càn quét qua thành phố hơn 13 triệu dân, những lỗ hổng về an sinh xã hội cho người thu nhập thấp đã bộc lộ rõ nét. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, những gì hạn chế nhất của thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước đã được phơi bày, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng xã hội, y tế. Dịch Covid-19 lây lan nhanh, khó kiểm soát có một phần nguyên nhân là thiếu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Do đó, giữ chân người lao động bằng các chính sách an sinh xã hội, trong đó có xây dựng nhà ở, là chủ trương đúng và trúng.

Diệu Phan – Khánh Hoà
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top