Aa

Rất nhiều khâu kéo chậm dự án, doanh nghiệp đang “thoi thóp”

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 31/05/2023 - 14:54

Các đại biểu quốc hội nêu thực trạng rất nhiều dự án đầu tư mà thời gian chuẩn bị kéo dài; khâu lập, thẩm định dự án đầu tư kéo dài; phê duyệt dự án cũng rất chậm, vì thế nguồn lực vào nền kinh tế chậm.

Thiếu đột phá về cơ chế

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội, Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) bày tỏ, những khó khăn, vì có nhiều khó khăn, khó khăn bên trong có, khó khăn bên ngoài cũng có, tác động chung vào nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do tình hình thế giới biến động, lạm phát cao, tiêu dùng yếu, hành vi tiêu dùng thay đổi cho nên nhu cầu về hàng hóa chúng ta thấy còn chậm và ảnh hưởng chung, tác động tới sản xuất, kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023, trong đó có một số vấn đề tồn tại bên ngoài thì chúng ta thấy rằng nó ngoài tầm với, chúng ta khó kiểm soát.

“Kinh tế sắp tới còn phụ thuộc vào sự ổn định của toàn cầu đó cho nên việc chúng ta đẩy mạnh ổn định vĩ mô phụ thuộc những yếu tố chúng ta có thể chủ động được trong nước”, ông Tuấn nêu.

Đồng thời, vị đại biểu đoàn TP.HCM nêu ra những điểm cần lưu ý để khởi động lại những động lực phát triển:

Thứ nhất, về đầu tư hiện nay, có rất nhiều dự án đầu tư mà thời gian chuẩn bị dự án kéo dài; khâu lập, thẩm định dự án đầu tư kéo dài; phê duyệt dự án cũng rất chậm, cho nên nguồn lực thực sự đưa vào nền kinh tế chậm.

Có nhiều nguyên nhân trong thời gian qua. Đối với nguyên nhân chủ quan nhất là các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, kể cả chương trình mục tiêu quốc gia. Những chương trình này có ý nghĩa rất lớn, cần nguồn lực đưa vào nền kinh tế rất nhanh.

Nếu chúng ta sử dụng theo quy trình đầu tư công bình thường thì rất chậm, vì chúng ta phải bổ sung vào kế hoạch trung hạn hằng năm mới xử lý được. Nếu ngay từ đầu, chúng ta xử lý các công trình này như một công trình cấp bách, trong quy định của Luật Đầu tư công có những điều quy định những khoản đầu tư mang tính cấp bách thì các dự án này sẽ triển khai mạnh hơn, nhanh hơn, nguồn lực đưa vào nền kinh tế sẽ nhanh hơn. Chúng ta thiếu đột phá về những cơ chế đó, cho nên nguồn lực trong thời gian qua đưa vào nền kinh tế khá chậm”, ông Tuấn nói thẳng.

Bên cạnh đó, theo số liệu quyết toán năm 2021 chi chuyển nguồn còn cao. Ở đây, chi chuyển nguồn có chi tiêu Chính phủ, chi tiêu cho các hoạt động của bộ máy cơ quan công quyền, chi mua sắm công, chi những hàng hóa, trang thiết bị hay đầu tư ngay để nâng cao chất lượng về dịch vụ hành chính công, chuyển đổi số trong cơ quan công quyền để phục vụ bộ máy thì nguồn chi này chúng ta dùng chưa hết, chuyển nguồn qua năm sau khá nhiều. Cho nên sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là một nguồn lực rất lớn để đưa nguồn lực này vào kinh tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn,... là một trong những nội dung giải pháp khuyến khích nền kinh tế, kích cầu nền kinh tế, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Thứ hai là sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước gửi hệ thống ngân hàng, đến nay còn 1 triệu tỷ đồng, tức là vốn dư thừa rất lớn, nguồn này chúng ta có thể linh hoạt bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

đại biểu quốc hội trần anh tuấn
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM). Ảnh: quochoi.vn

Ông Tuấn phân tích: “Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết ngay, chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì chúng ta sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế thì sẽ ổn định hơn, sẽ kích cầu hơn thay vì chúng ta thực hiện những giải pháp hiện nay, bổ sung những giải pháp này có thể kích cầu ngay cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng hiện nay còn thấp, chậm, 5 đối tượng ưu tiên được ưu đãi về tín dụng thì các doanh nghiệp trong đối tượng này chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của chính sách hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ đưa vào nền kinh tế có độ trễ nhất định, muốn đưa nhanh thì thủ tục phải rút gọn hơn. Thủ tục hiện nay yêu cầu tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rất khó, cần phải có phương án khác, ví dụ thay thế bằng dự án khả thi, xét tính khả thi của dự án thì chúng ta có thể cấp tín dụng ưu đãi cho những đối tượng này và có thể xem xét, mở rộng thêm các đối tượng khác để chúng ta có độ phủ và có mức độ tăng tín dụng tốt hơn, chúng ta đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua giải pháp đó thì lượng cung tiền cho nền kinh tế sẽ tốt hơn. Đồng thời, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng một cách thận trọng, xem xét miễn, giảm thuế. VAT ở đây chúng tôi ủng hộ theo phương hướng mở rộng cho tất cả đối tượng, hạn chế những đối tượng, những ngành có độ lan tỏa cao thì chúng ta không nên, những ngành có độ lan tỏa cao thì chúng ta nên mở rộng chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế phát triển”.

Nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đánh giá, nhìn lại những kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 là rất đáng phấn khởi, nhưng những kết quả đạt được đầu năm 2023 thì lại rất đáng quan ngại. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, thấp hơn với cùng kỳ 5,03%. Nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước ở tốp đầu lại sụt giảm tăng trưởng, có địa phương tăng trưởng âm, mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp ở các địa phương đó đang gặp những khó khăn và do đó, điều đáng quan ngại lớn nhất hiện nay là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang cố thoi thóp để tồn tại khi khó khăn đang bủa vây.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lên. Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Ví như hiện nay các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức từ các doanh nghiệp đứng đầu này khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã ốm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên rất mong manh.

Cùng với đó, vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: quochoi.vn

Ông Thắng phân tích: “Doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận. Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh kinh tế, còn màu xám càng thấy doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này.

Doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Bởi vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.

Trước mắt, rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp. Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top