Nguồn tiền khổng lồ từ cổ phần hóa, đất đai
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu thực hiện cổ phần hóa đúng lộ trình và hiệu quả, sẽ có một nguồn tiền khổng lồ bổ sung vào ngân sách nhà nước để phục vụ nhu cầu chi đang rất cao hiện nay. "Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp (DN) nhà nước năm 2020 - 2021 rất chậm, đặc biệt, tiến độ năm 2021 được cho là chậm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN hiện chưa đạt 1% kế hoạch. Tất nhiên, có lý do khách quan là yếu tố dịch bệnh song cũng còn nhiều nguyên nhân chủ quan cần sớm được xử lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa trong giai đoạn cấp bách cần nguồn thu cho công tác chống dịch và hồi phục kinh tế hiện nay" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Theo ông Hòa, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, bộ mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 DN với tổng giá trị 252 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng. Ba DN này không nằm trong danh sách 89 DN cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, tổng danh mục DN cổ phần hóa đang được nhà nước quản lý lên tới con số 500. "Nếu làm được sẽ thu về nguồn tiền khổng lồ bổ sung cho ngân sách đang rất khó khăn. Cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Không thể để tình trạng năm nào cũng đặt vấn đề đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng không năm nào làm được" - đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm.
Các Đại biểu Quốc hội cho rằng nguồn lực từ đất còn khá dồi dào, nhất là ở một số địa phương đặc thù, địa phương ven biển có thể thu hút nhà đầu tư chiến lược đến làm dự án nếu khai thông được vướng mắc của cơ chế, chính sách, qua đó tăng thu thuế vào ngân sách. "Các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận và mong được Quốc hội thông qua quy định cho phép một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế được thực hiện cơ chế đặc thù về chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ không phải trình Chính phủ. Dù có ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này bởi có thể dẫn đến tình trạng xé lẻ dự án để chuyển đổi mục đích sử dụng và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực song phải thừa nhận đây là nguồn thu lớn, có ích. Về lâu dài, cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện thu hút đầu tư" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Dư địa từ nguồn lực phi tài chính
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh ông quan tâm nhất đến các nguồn lực phi tài chính, nói cách khác, là nguồn lực không phải có được từ huy động tiền.
Một cách quan trọng nhất để khơi thông nguồn lực đặc biệt này, theo ông Trần Hoàng Ngân, là quyết liệt cải cách bộ máy, thanh lọc đội ngũ công chức - cán bộ, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tháo gỡ ách tắc để thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng như giải phóng điểm nghẽn cho những DN có dự án mà chưa được cấp phép. "Điều này rất quan trọng bởi tất cả DN đều đang có nhu cầu nối lại các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh bị đứt gãy trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vốn để lại hậu quả hết sức nặng nề" - ông Ngân nêu quan điểm.
Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, để hỗ trợ DN, người dân hồi sức sau đại dịch, có thể tận dụng nguồn tiền đang có, bao gồm tiết kiệm chi thường xuyên và sử dụng nguồn dự phòng hợp lý. Ngoài ra, với các dự án treo, tài sản công không sử dụng lâu năm có thể cho thuê, bán, đấu giá đất sạch... để thu hồi vốn. Quan trọng nhất bây giờ là với cái đã có sẵn thì có phương án xử lý, sử dụng sao cho hiệu quả để tránh tăng thêm áp lực vay nợ.
Đặc biệt, với 2.800 triệu tỷ đồng đã được ghi vốn cho các dự án đầu tư công, ông Trần Hoàng Ngân lưu ý cần có sự rà soát và giải ngân hợp lý cho phù hợp tình hình mới. Theo đó, với những dự án cấp bách, có thể thực hiện sớm để đem lại tác động lan tỏa đến nền kinh tế, cần giải ngân nhanh nhất có thể. Cùng với đó, tạm dừng giải ngân những dự án không cấp bách, sử dụng nguồn tiền đó để phục vụ cho chương trình hồi phục kinh tế. Việc chuyển nguồn vốn này không chỉ tạo thêm nguồn lực cho các chương trình cần chi tiền hiện nay mà còn bảo đảm được nền tảng vĩ mô ổn định khi giảm vay nợ thêm.
Theo nhiều Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế, còn nhiều nguồn lực có thể tính toán, cân đối để tận dụng được bên cạnh việc vay nợ thêm phục vụ cho chống dịch và hồi phục kinh tế. Chẳng hạn, địa phương có thể chủ động hoặc xin cơ chế thu từ đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành liên quan không chỉ tham mưu đưa ra gói cứu trợ đủ lớn mà còn phải sử dụng hợp lý, tập trung tăng cường cả tổng cầu và tổng cung để kích thích nền kinh tế hồi sinh...
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:
Huy động ngoại tệ nhàn rỗi trong dân
Chúng tôi sẽ thiết kế từng gói kích thích kinh tế bảo đảm hiệu quả. Sau khi nền kinh tế phục hồi sẽ tính đến tăng thu, giảm chi ngân sách để kéo giảm bội chi.
Về giải pháp huy động nguồn lực, sẽ có đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước nhằm huy động ngoại tệ nhàn rỗi trong dân. Điều này vừa hỗ trợ tốt cho phát triển kinh tế vừa bảo đảm chính sách tiền tệ. Nếu cần thiết, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn để tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt, thúc đẩy rồi quay vòng vốn để bảo đảm kinh tế phát triển. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ tăng bội chi nhưng sang năm 2024, khi kinh tế hồi phục và phát triển thì sẽ giảm, nhiệm vụ bội chi 5 năm vẫn bảo đảm.
Liên quan đến giải pháp thu ngân sách, Bộ Tài chính đang tính toán các phương án, trong đó dự kiến tập trung thu từ nền tảng số, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, việc mọi DN phải áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 sẽ hạn chế được buôn bán hóa đơn.
Đại biểu Quốc hội HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
Tăng phát hành trái phiếu Chính phủ
Nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục sụt giảm do chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thu, trong khi thu trở lại từ DN giảm sút do gặp khó trong đầu tư - kinh doanh trở lại. Chính vì vậy, để có tiền xử lý các vấn đề liên quan đến chống dịch và bảo đảm hoạt động trở lại của nền kinh tế, giải pháp đi vay là tất yếu.
Cùng với đó, việc sử dụng các chính sách tiền tệ đơn thuần, trong đó có ngân hàng buộc phải "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế cũng là giải pháp không tệ. Tuy nhiên, nếu để ngân hàng "bơm" tiền vào nền kinh tế thì chúng ta phải kiểm soát tốt dòng tiền chảy vào các khu vực sản xuất, các lĩnh vực cần hỗ trợ thay vì đổ vào bất động sản.
Ngoài ra, Chính phủ tăng nợ công thông qua phát hành trái phiếu cũng là giải pháp để hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân do lãi suất tiết kiệm thấp, người dân không muốn gửi ngân hàng mà chuyển sang đầu tư vào tài sản.
Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):
Sức bật từ trụ đỡ của nền kinh tế
Chúng ta còn nguồn lực quan trọng từ người lao động mà trước nay chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguồn lực từ xuất khẩu lao động. Quan tâm đúng mức đến nguồn lực này sẽ góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.
Ngoài ra, dư địa để khai thác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn rất nhiều. Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam khi giữ được phong độ trong "cơn bão" dịch Covid-19. Đặc biệt, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đã trở thành thế mạnh của Việt Nam. Từ đây, cần một lần nữa nhìn nhận và khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Để trụ đỡ này có thể tạo nên sức bật cho nền kinh tế sau đại dịch, cần phát triển ngành nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là coi trọng nông nghiệp công nghệ cao...