Aa

Vì sao nhiều nhà đầu tư đang đổ tiền vào bất động sản miền Trung?

Thứ Bảy, 30/04/2022 - 06:05

Bất động sản miền Trung đang thu hút rất nhiều sự quan tâm và dòng tiền của các nhà đầu tư trong những tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, đất nền là phân khúc được quan tâm nhất, giá liên tục tăng cao.

Giá đất sôi động tại các tỉnh miền Trung

Nếu như năm 2021, miền Bắc được đánh giá là điểm sáng của thị trường bất động sản khi liên tục có các dự án lớn được triển khai xây dựng, hàng loạt các nhà đầu tư đổ về, giá bất động sản và mức độ quan tâm không ngừng tăng cao thì từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã ghi nhận sự chuyển dịch rõ rệt.

Được biết, các tỉnh ven biển miền Trung là cái tên sáng nhất trong quý I/2022. Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, trong giai đoạn này, mức độ quan tâm bất động sản tại thị trường miền Trung đã tăng 9%, lượng tin đăng tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với bất động sản dự án, đã có sự gia tăng cả về số lượng và mức giá rao bán. Cụ thể, lượng dự án rao bán tăng 7%, lượng tin đăng tăng 64%. Mặt bằng giá rao bán trung bình tăng ở tất cả các sản phẩm. Trong đó, giá đất nền tăng 19%, chung cư tăng 3% và biệt thự, liền kề tăng 7%.

Theo nhận định của các chuyên gia Batdongsan.com.vn, dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển vào miền Trung. Trong khi mức độ quan tâm đất nền miền Bắc và miền Nam có sự suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt ở mức âm 11% và 12% thì thị trường miền Trung vụt tăng 14%. 

Sự quan tâm thị trường có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, đơn cử như Thanh Hóa tăng 6%, Quảng Nam tăng 14%, Khánh Hòa tăng 48%, Đắk Lắk tăng 58% và Bình Thuận tăng 44%.

Điểm chung của các địa phương này là có nhiều thông tin dự án, hạ tầng tích cực được đưa ra trong thời gian gần đây.

Tại Thanh Hóa, mức độ quan tâm đất nền đã tăng 6%, giá rao đất nền tăng 35% so với năm 2021. Nhiều dự án lớn đã và sắp triển khai ở đây như khu đô thị trung tâm TP. Thanh Hóa của Vingroup, tổ hợp đô thị du lịch biển Sầm Sơn của Sungroup, dự án khu công nghiệp FLC…

Khánh Hòa có mức độ quan tâm đất nền tăng 48%, giá rao bán đất nền tăng 26% so với 2021. Nhiều thông tin tác động đến thị trường này như việc triển khai huyện Cam Lâm thành khu đô thị sân bay, Vingroup dự kiến khởi công khu đô thị ở Cam Lâm và việc điều chỉnh quy hoạch Nha Trang đến năm 2040.

Tại Bình Thuận, mức độ quan tâm đất nền tăng 44%, giá rao bán đất nền tăng 13% so với 2021. Tổng quan thị trường tháng 3/2022 có lượng tin đăng tăng 58%, mức độ quan tâm tăng 43% so với tháng trước. Trong đó, nhà phố tăng 47%, biệt thự tăng 87%, nhà riêng cho thuê tăng 5%, chung cư cho thuê tăng 62%.

Tại địa phương này có nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển Phan Thiết, Mũi Né được triển khai. Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng như sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết…

UBND tỉnh Bình Thuận mới đây cũng đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2022, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

Đối với Phú Yên, lượng tin đăng và mức độ quan tâm trong tháng 3 đã tăng lần lượt 90% và 51% so với tháng 2. Trong đó, mức độ quan tâm shophouse tăng 268%, biệt thự tăng 46%, đất nền tăng 51%, nhà phố cho thuê tăng 88%, nhà riêng cho thuê tăng 14%.

Việc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 giúp thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại địa phương này sớm sôi động trở lại. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng tiếp giáp khu kinh tế Vân Phong vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Bình Định, trong tháng 3/2022, lượng tin đăng toàn thị trường tăng 60%, mức độ quan tâm tăng 66% so với tháng trước. Trong đó chung cư tăng 21%, biệt thự tăng 82%, đất nền dự án tăng 94%, nhà riêng cho thuê tăng 3%, nhà phố cho thuê tăng 8% và chung cư cho thuê tăng 31%.

Địa phương này có nhiều thông tin đầu tư, quy hoạch hứa hẹn như: Khu vực đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ đã được phê duyệt chủ trương lập quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000; trung tâm trí tuệ nhân tạo – đô thị phụ trợ, TP. Quy Nhơn đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với quy mô 932.444 m2. Ngoài ra, tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây Đầm Thị Nại cũng đã được khởi công.

Loạt dự án mới xuất hiện tại miền Trung

Tại khu vực miền Trung cũng đang chứng kiến cuộc đổ bộ của loạt doanh nghiệp với những dự án quy mô lớn. Đơn cử như tại Khánh Hoà, hồi giữa tháng 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm, với mục tiêu phát triển thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup đã báo cáo ý tưởng đầu tư lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 3 dự án với tổng diện tích hơn 16.800ha tại huyện Cam Lâm, gồm dự án Khu đô thị sân bay cao cấp, dự án đô thị sinh thái và dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, vui chơi – giải trí.

Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT cũng đề xuất 3 dự án tại Khánh Hòa với tổng diện tích 850ha. Cụ thể, dự án Khu đô thị Công nghệ – Giáo dục FPT tại xã tại xã Phước Đồng và xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang dự kiến 150ha; Trung tâm đào tạo chuyển đổi số và đô thị dịch vụ khu vực Tuần lễ – Hòn Ngang thuộc Khu kinh tế Vân Phong rộng 350ha; dự án thứ 3 đề xuất tại khu vực Hồ Na – Mũi Đôi rộng 350ha thuộc Khu kinh tế Vân Phong bao gồm sân golf 18 lỗ, khu nghỉ dưỡng cho chuyên gia cao cấp, khu đô thị cao cấp, khu giải trí, khu sinh hoạt cộng đồng, bến du thuyền kèm tiện siêu cao cấp, trung tâm thể thao dưới nước cấp quốc tế…

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất đầu tư siêu dự án tại huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn. Dự án mà doanh nghiệp này đề xuất có quy mô khoảng 3.173ha, địa điểm tại xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây, Cam An Bắc (huyện Cam Lâm).

Tại khu vực miền Trung cũng đang chứng kiến cuộc đổ bộ của loạt doanh nghiệp với những dự án quy mô lớn.

Tại Thừa Thiên – Huế, đầu tháng 3, Tập đoàn Hòa Phát bày tỏ mong muốn các sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ tìm kiếm vị trí phù hợp để Tập đoàn đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị “đáng sống” tại Huế.

Mới đây, Sun Group cũng đề xuất nghiên cứu, khảo sát tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư Khu phức hợp đô thị du lịch hồ Kala và núi Brah Yang tại khu vực có diện tích dự kiến khoảng 5.000 ha thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng).

Còn tại Thanh Hóa, có khu đô thị trung tâm thành phố Thanh Hóa của Vingroup, tổ hợp đô thị du lịch biển Sầm Sơn Sun Group, dự án Khu công nghiệp FLC sắp được triển khai.

Tại Bình Thuận đã triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển Phan Thiết, Mũi Né cũng như các dự án hạ tầng khác như sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2022 nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia, kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại

Bàn về bất động sản miền Trung, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định thị trường này còn khá sơ khai so với hai miền còn lại. Loại hình bất động sản chủ yếu là đất và đất nền nên tiềm năng phát triển còn nhiều. Nền giá thị trường này cũng thấp hơn miền Bắc và miền Nam. Do vậy, dòng tiền thông minh đổ về đây tìm cơ hội đầu tư: “Dòng tiền lớn chủ yếu từ các nhà đầu tư miền Bắc. Họ đã “quần thảo” khu vực miền Bắc hai năm vừa rồi. Mặt bằng giá đã khá cao và giờ họ “quần thảo” tiếp khu vực miền Trung”, ông Quốc Anh nhận định.

Cũng theo chuyên gia, các nhà đầu tư thường có xu hướng đầu tư theo quy hoạch và chủ đầu tư lớn. Hiện các chủ đầu tư lớn đã tìm về thị trường tỉnh vì sự khan hiếm quỹ đất và khó khăn trong việc đầu tư dự án mới tại các thành phố.

Hà Nội và TP.HCM giai đoạn này cũng rất phức tạp, đặc biệt bất động sản Hà Nội bị ảnh hưởng bởi thông tin về các “sự vụ” của các tập đoàn lớn. Do đó nguồn cung của hai thị trường này sẽ ngày càng khó hơn.

“Tôi cho rằng thị trường Hà Nội năm nay rất khó có dự án mới. Rõ ràng chủ đầu tư phải tìm thêm các quỹ đất ở xung quanh thành phố, thậm chí xa hơn nữa…”, ông Quốc Anh nói.

Bên cạnh đó, ở giai đoạn hậu Covid-19, nhà ở xanh hơn và rộng hơn trở thành nhu cầu khá cấp thiết của người mua nhà. Do vậy tâm lý người mua sẵn sàng đi xa hơn để tìm kiếm đất vườn, second home. Đây cũng là lý do thị trường các tỉnh thu hút sự quan tâm thời gian qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top