Aa

Bất động sản Thanh Hóa - Miền Trung: Sóng đã lên, thời cơ đã đến

Thứ Ba, 01/02/2022 - 10:00

Trong tương lai không xa, khu vực miền Trung sẽ trở thành tâm điểm mới của thị trường bất động sản.

Khu vực miền Trung rất dồi dào tiềm năng để phát triển các phân khúc bất động sản, nhất là bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp và sau đó là bất động sản đô thị nhà ở. Và tiềm năng đó vẫn như những con sóng ngầm đang chờ gió lớn để trỗi dậy.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn đã dần bão hòa trong vài năm trở lại đây, các ông lớn bất động sản đang tích cực thúc đẩy chiến lược “đánh bắt xa bờ”, tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn ở những thị trường mới. Khu vực miền Trung là “điểm ngắm” không thể bỏ qua của các nhà đầu tư.

Những “cơn gió lớn” từ quy hoạch, hạ tầng và chiến lược thu hút đầu tư của các địa phương đang bắt đầu nổi lên, chuẩn bị cho những đợt sóng mạnh mà theo dự báo của các chuyên gia, trong một tương lai không xa, khu vực miền Trung sẽ trở thành tâm điểm mới của thị trường bất động sản.

Cơ hội song hành cùng những thách thức, địa phương nào nắm bắt được thời cơ và có chiến lược để phát huy các tiềm năng bất động sản sẽ có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế xã hội và diện mạo đô thị.

QUY HOẠCH, HẠ TẦNG MỞ LỐI...

Dải đất miền Trung được ví như chiếc đòn gánh nối liền hai miền Bắc - Nam, "mạch máu" quan trọng trên trục giao thông xuyên quốc gia. Một khi hạ tầng được quan tâm sẽ tạo lực đẩy lớn tháo gỡ những “nút thắt” về giao thông đi qua miền Trung và cả nước, tạo đà cho nhiều lĩnh vực kinh tế phát triển, trong đó có bất động sản.

Tại miền Trung, những ngọn đèo hiểm trở dần được chinh phục, tạo nên dấu ấn hạ tầng giao thông như hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ đèo Cù Mông... Những công trình hầm được kết nối, đồng bộ với các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến ven biển, cao tốc Bắc - Nam đang được đầu tư xây dựng… tiếp tục mở ra cho miền Trung nhiều cơ hội liên kết, giao thương và gắn kết kinh tế.

Về các tuyến đường bộ, bên cạnh quốc lộ 1A hiện hữu, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã tạo động lực lớn cho sự phát triển của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên kết Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của Đà Nẵng; tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) cũng chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, miền Trung có các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam như quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án này đang được đẩy mạnh tiến độ nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vào năm 2023.

Tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông. Dài gần 63,4 km, dự án thành phần này có tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, khởi công ngày 30/9/2020. Điểm đầu dự án tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tại vị trí này sẽ có một cây cầu vượt quốc lộ 1A và nối vào tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Ảnh Lê Hoàng/Vnexpress.net.

Ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công và đã được khởi công xây dựng. Trong thời gian tới, các tỉnh miền Trung hứa hẹn sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch - dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai nhiều tuyến giao thông trọng điểm, nhằm tạo sự đồng bộ và cải thiện hệ thống hạ tầng, gia tăng khả năng thu hút đầu tư.

Riêng tại Thanh Hoá, con số 34.864 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 43 dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ là "cú hích" thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phát triển để trở thành một cực tăng trưởng mới.

Về đường không, ở Bắc Trung bộ, Thanh Hóa đã có sân bay Thọ Xuân quy hoạch thành sân bay quốc tế, Nghệ An sở hữu sân bay quốc tế Vinh, Quảng Bình có sân bay Đồng Hới, Thừa Thiên - Huế có sân bay Phú Bài.

Tương tự, khu vực Nam Trung bộ (tính từ Đà Nẵng đến Phú Yên) đã hình thành mạng lưới sân bay trên 8 địa phương, gồm sân bay Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa)... Trong khi khu vực Tây Nguyên có 3 sân bay: Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Liên Khương (Lâm Đồng).

Nhìn chung, với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc được đẩy mạnh đầu tư như hiện nay, trong tương lai gần, miền Trung sẽ là khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất cả nước. Từ đó tạo nền tảng để hình thành và phát triển các loại hình bất động sản, từ bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở đến các khu công nghiệp, logistics…

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, những thông tin tích cực từ việc hoàn thiện hạ tầng giao thông cùng định hướng chú trong hình thành và phát triển các trung tâm du lịch biển, nghỉ dưỡng, lịch sử, các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù... đang khiến khu vực miền Trung trở thành cực hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Cũng theo chuyên gia Võ Trí Thành, quy hoạch và nguồn lực là những yếu tố rất quan trọng. Mặc dù thời gian qua có không ít thách thức, khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư cho khu vực này, nhưng rõ ràng sự phát triển thực tế đã tạo được điểm nhấn cho khu vực miền Trung khoảng 7 năm trở lại đây và đà này vẫn tiếp tục tịnh tiến. Nỗ lực của Chính phủ rất lớn và quyết liệt khi tập trung dồn nguồn lực và quy hoạch phát triển khu vực, góp phần tạo sức bật cho thị trường bất động sản miền Trung bứt phá, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

LỰC ĐẨY NHIỀU CHIỀU TỪ VỊ TRÍ VEN BIỂN

Bên cạnh hạ tầng giao thông “trải thảm đỏ”, với nhiều lợi thế sẵn có, miền Trung Việt Nam được đánh giá là thị trường bất động sản tiềm năng, sẽ dẫn dắt xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản nhờ dư địa phát triển dồi dào của các khu vực ven biển và lợi thế từ danh lam thắng cảnh đa dạng.

Cụ thể, khu vực miền Trung có hơn 1.000km chiều dài bờ biển với vô số bãi biển, vũng, vịnh đẹp, hùng vĩ, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đa dạng. Ở phía Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, không thể không kể đến bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) hay các điểm du lịch nổi tiếng khác như Làng Sen quê Bác, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) hay Thừa Thiên - Huế với cung đình Huế và hàng loạt lăng tẩm...

Bãi biển Nha Trang

Đi vào sâu hơn, dừng chân tại duyên hải Nam Trung bộ, nhiều du khách không thể bỏ qua Đà Nẵng - thành phố đáng sống, hay phố cổ Hội An, núi Thần Tài…; Phú Yên có ghềnh Đá Đĩa hay Kỳ Co - Eo Gió ở Quy Nhơn, bãi cát trắng Bình Thuận…

Điều kiện địa lý và thiên nhiên ban tặng cho miền Trung không thua kém gì, thậm chí có phần nhỉnh hơn so với các thị trường nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới và trong khu vực. Miền Trung hoàn toàn có cơ hội và điều kiện để phát triển bùng nổ, thu hút khách du lịch và đem lại nguồn thu lớn hơn. Tiềm năng của thị trường được minh chứng qua mức độ quan tâm của các nhà đầu tư trong nước cũng như của các quỹ đầu tư quốc tế. Đây là tín hiệu khả quan và là một hướng phát triển bền vững của thị trường, khi các dòng vốn ngoại sẽ là một cán cân tốt cho vấn đề tài chính trong phát triển bất động sản.

Ngoài ra, với lợi thế đường bờ biển trải dài và gần như liên tục giữa các tỉnh, khoảng cách giữa các tỉnh cũng không quá xa, giúp khách du lịch có thể thuận tiện di chuyển từ địa điểm du lịch này sang địa điểm khác. Đây là những lợi thế “trời ban” mà không phải vùng miền nào hay đất nước nào cũng có được. Vì vậy, theo các chuyên gia, miền Trung Việt Nam có tiềm năng rất lớn, là "con gà đẻ trứng vàng" trong việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong nhiều năm trở lại đây.

Bên cạnh các thị trường đi trước như Đà Nẵng, Nha Trang thì những thị trường mới như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… cũng đang trở thành điểm ngắm đầu tư mới của các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp.

NHÀ ĐẦU TƯ TIÊN PHONG DẪN ĐƯỜNG

Tại các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…, cuộc đổ bộ của các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản trong vài năm gần đây nhằm chuẩn bị cho một cú bùng nổ trong tương lai đã cho thấy, đây là những địa phương tiềm năng cho tầm nhìn dài hạn của các nhà phát triển bất động sản tầm cỡ, là nơi “đất lành chim đậu” với các nhà đầu tư.

Hàng loạt nhà đầu tư đã và đang triển khai những dự án quy mô tầm cỡ, góp phần nâng tầm diện mạo kinh tế - xã hội và đô thị ở những thị trường mới nổi này.

Tại Thanh Hoá, các tập đoàn bất động sản lớn như FLC, Vingroup, Sun Group, Eurowindow… đã rót nhiều nghìn tỷ đồng với các siêu dự án: FLC Sầm Sơn, Flamingo Crown Bay, trung tâm thương mại Vincom Trần Phú, cao ốc văn phòng kết hợp khách sạn Vinpearl Trần Phú, khu đô thị Vinhomes Star City, khu đô thị Eurowindows, khu đô thị Đông Hải… Sự góp mặt đó đã tạo ra sự sôi động cho thị trường bất động sản du lịch, nhà ở của địa phương này trong vài năm trở lại đây. Các siêu dự án mang lại sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội cho tỉnh Thanh Hóa. Diện mạo đô thị loại I TP. Thanh Hóa ngày càng thay đổi rõ nét, các khu vực vùng ven cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực.

BĐS
Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn

Còn tại Nghệ An, Vingroup mạnh tay rót 5.000 tỷ đồng vào dự án Khu giải trí Cửa Hội với quy mô 195,5ha. Tập đoàn TGG Group với dự án Khu phức hợp giải trí về đêm Cửa Lò Ibiza Complex có quy mô 12ha, với tuyến phố đi bộ ẩm thực - giải trí - check-in về đêm dài gần 300m. Tập đoàn Ecopark cũng sẽ đầu tư xây Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 200ha tại Hưng Hòa… Tập đoàn FLC đầu tư khu Resort nghỉ dưỡng tại huyện Nghi Lộc. Và mới đây, Tập đoàn Tân Á Đại Thành cũng đang rục rịch triển khai dự án Mey Resort Bãi Lữ với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, quy mô gần 200ha tại huyện Nghi Lộc.

Tỉnh Quảng Bình hiện nay cũng đang đón làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch một cách rầm rộ như: Đại quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị biển FLC Quảng Bình quy mô gần 2.000ha của Tập đoàn FLC, dự án căn hộ khách sạn Dolce Penisola của Trường Thịnh Group, TNR Stars Quảng Bình của TNR Holdings… Tính đến cuối năm 2030, Quảng Bình dự kiến có khoảng 100 dự án bất động sản, chủ yếu tập trung ở phân khúc đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng.

Song song với ưu thế trong việc phát triển du lịch - nghỉ dưỡng, không khó để nhận diện được những đổi thay ở miền Trung thông qua các dự án đầu tư tại các khu công nghiệp lớn hàng đầu cả nước.

Như tại Thanh Hoá, hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong bối cảnh các thành phố công nghiệp cấp 1 như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... dần khan hiếm quỹ đất.

Tháng 1/2021, Tập đoàn Foxconn Việt Nam đã đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn đã khảo sát địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150ha, dự tính tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.

Ngoài Foxconn và AEON, Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đã quyết định nghiên cứu đầu tư hai dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa trị giá 335 triệu USD. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với CTCP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu, các đối tác về dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 6 tại khu kinh tế Nghi Sơn, trên khu đất rộng 395ha với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Khu kinh tế Nghi Sơn tại Thanh Hóa thu hút hàng loạt các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước trong những năm qua

Cùng với Thanh Hoá, các khu kinh tế như Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), Chân Mây - Lăng Cô (Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa)... cũng đang trở thành những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Trong nhiều năm qua, việc đầu tư hạ tầng, định hình chính sách, nỗ lực thu hút đầu tư, cải cách hành chính, lựa chọn và ưu tiên lĩnh vực đầu tư… đã đem lại những kết quả tích cực cho các địa phương khi thu hút được những dự án lớn. Những dự án này như “ngọn hải đăng” lan tỏa và tạo ra lực hút mạnh mẽ các dự án đầu tư khác đến với khu kinh tế, với các địa phương và tạo nên bức tranh thu hút đầu tư sôi động trong nhiều năm nay. Những dự án “hải đăng” ấy cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm tại chỗ, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông (đường, sân bay, bến cảng…). Điều này lại quay trở lại tạo sức hút lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam tại khu vực miền Trung.

Và cũng dễ nhận thấy rằng, các khu kinh tế này là đường chạy song hành giữa các dự án lớn có vốn đầu tư trong nước và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên con đường tìm bến đỗ an toàn nơi “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Có thể kể đến Dự án luyện cán thép Formosa Vũng Áng hơn chục tỷ USD; nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 có tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng; cảng quốc tế Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, cùng các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, dự án sản xuất đồ chơi trẻ em, dự án sản xuất găng tay y tế và sợi polyethylene…

Tổ hợp luyện cán thép đồ sộ Hòa Phát - Dung Quất.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới Tổ hợp luyện cán thép đồ sộ Hòa Phát - Dung Quất; những dự án công nghiệp lắp ráp, sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo; Khu kinh tế Nam Phú Yên dồi dào dư địa đang bắt nhịp cùng các dự án lớn; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) với Dự án khí hóa lỏng Millenium (Hoa Kỳ) trị giá 15 tỷ USD…

Theo số liệu thống kê gần đây của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng đã thu hút hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký); thu ngân sách khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng (chiếm 70 - 75% tổng thu ngân sách khu vực).

Như vậy, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang trở thành một trong những trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, du lịch, thương mại quốc tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng và cả nước.

THANH HOÁ - MIỀN TRUNG: CÁNH CỬA THU HÚT ĐẦU TƯ RỘNG MỞ

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng “di cư” của các “đại bàng” bất động sản về khu vực miền Trung sẽ tiếp tục diễn ra nhanh chóng khi các yếu tố hạ tầng cũng như tiềm năng kết nối liên vùng trong tương lai được đẩy mạnh. Mặt khác, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong việc không ngừng khát vọng, kêu gọi đầu tư để khơi dậy và phát triển bứt phá những lợi thế của địa phương mình, cùng với đó là các chỉ số khả quan về tăng trưởng kinh tế, khách du lịch… sẽ là những lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản các địa phương mới nổi tại khu vực miền Trung trở nên sôi động trong một tương lai không xa.

Trong đó, theo đánh giá của các chuyên gia, Thanh Hoá sẽ là địa phương có vị thế quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền Trung. Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá trong những năm tiếp theo, đặc biệt là lợi thế từ Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội trong thu hút đầu tư. Có thể nói, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là sự thể chế hóa cao nhất, hiện thực hóa cụ thể, sinh động nhất Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, mở ra cơ hội nổi trội và khác biệt cho Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới, để sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước.

"Với các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Thanh Hóa được Quốc hội ban hành (gồm: 1/ Mức dư nợ vay; 2/ Để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn; 3/ Thu từ xử lý nhà, đất; 4/ Chính sách phí, lệ phí; 5/ Định mức phân bổ chi thường xuyên; 6/ Quản lý đất đai; 7/ Quản lý, sử dụng rừng; 8/ Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị) sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho tỉnh Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính “đột phá” về cơ chế, chính sách, thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, qua đó từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước”, ông Tùng nói.

Trong số 8 chính sách nêu trên, có những chính sách Trung ương bổ sung, hỗ trợ  nguồn lực cho địa phương như chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên, để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn, thu từ xử lý nhà, đất; hoặc tạo dư địa để huy động thêm hay điều tiết nguồn lực xã hội như chính sách về mức dư nợ vay, phí, lệ phí. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bền vững nợ công. 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của tỉnh, Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định một số cơ chế, chính sách tăng tính phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, rút ngắn thời gian, tăng tính trách nhiệm của địa phương như các chính sách về phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy thủ tục nhanh hơn cho một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, tốc độ đô thị hóa lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, để trở thành một cực tăng trưởng mới, một đô thị phát triển toàn diện và kiểu mẫu.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc vận động, xúc tiến đầu tư vào tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Tỉnh cũng tăng cường theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách trong sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, không để gián đoạn sản xuất.

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Thanh Hóa là một trong số ít các tỉnh, thành phố hội tụ đủ 3 vùng địa lý: Vùng đồng bằng, vùng trung du miền núi và vùng ven biển; với diện tích đất tự nhiên 11.120 km2 (rộng thứ 5 cả nước), trong đó vùng biển trên 17 nghìn km2, đồng bằng rộng nhất miền Trung, bờ biển dài 102 km; có dân số gần 3,7 triệu người (đông thứ 3 cả nước), với hơn 2,4 triệu lao động.

Tỉnh Thanh Hóa có đủ loại hình giao thông thuận lợi cho kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như: Cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 10, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, quốc lộ 47, quốc lộ 45, quốc lộ 217, quốc lộ 15, đường tuần tra biên giới, đường sắt Bắc Nam...

Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như: Có khu kinh tế Nghi Sơn và cảng nước sâu Nghi Sơn cùng 8 khu công nghiệp, có cảng hàng không Thọ Xuân; có kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ với 142 di tích quốc gia, nổi bật là Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ, 4 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử Lam Kinh, khu di tích đền Bà Triệu, hang Con Moong, di tích đền thờ Lê Hoàn)...

Những tiềm năng, lợi thế nêu trên sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế xã hội toàn diện, thu hút đầu tư và giao thương, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nước trong khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Trong giai đoạn 2011 2020, Thanh Hóa thuộc nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước, quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước như: Thu hút khách du lịch đứng thứ 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đứng thứ 7, thành lập mới doanh nghiệp đứng 7, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 8...

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cơ sở sản xuất quy mô lớn, đặc biệt là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu cả nước, 2 nhà máy nhiệt điện công suất 1.800 MW, các nhà máy xi măng với tổng công suất 20 triệu tấn/năm, lớn nhất nước; khu kinh tế Nghi Sơn từng bước trở thành khu vực phát triển năng động với nhiều dự án quy mô lớn đang hoạt động, có tác động lan tỏa rộng, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước.

Phối cảnh đại lộ Vinh - Nghệ An.

Nhiều địa phương khác tại khu vực miền Trung cũng đang sẵn sàng “rộng cửa” đón nhà đầu tư, chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới. Đơn cử như Nghệ An đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỉnh Nghệ An xác định việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên 3 khu công nghiệp gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Cùng với đó, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã mở ra cơ hội lớn giúp Nghệ An có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho công tác kiến thiết, xây dựng hạ tầng, đón đầu các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh trên báo chí, việc tiếp tục nỗ lực hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị công tác quy hoạch, đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực và các yêu cầu đồng bộ khác sẽ giúp Nghệ An kịp thời đón nhận, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư vào tỉnh.

Theo đó, Nghệ An sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh nhất cho nhà đầu tư khi được yêu cầu. Đặc biệt, tỉnh sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về mặt bằng sạch, cũng như chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An còn đảm bảo xây dựng hạ tầng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ thiết yếu đến chân hàng rào dự án.

“Nghệ An sẽ đồng hành, có trách nhiệm với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid 19, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư an toàn. Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ luôn sát cánh cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư và trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định với báo giới. 

Nhờ sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong xúc tiến đầu tư, đi tắt đón đầu trong phát triển kinh tế, coi hạ tầng là yếu tố then chốt phải đi trước một bước, bức tranh kinh tế của khu vực miền Trung đang dần có sự chuyển biến tích cực. Chính điều này cũng thúc đẩy thị trường bất động sản tại đây trở thành tâm điểm đầu tư với nhiều sinh khí mới. Xu hướng là sẽ phát triển theo chuỗi, liên kết với nhau qua hệ thống giao thông nhưng vẫn giữ được những đặc thù riêng và phát huy nguồn lực của từng địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top