Thị trường chứng khoán Việt Nam lại có một phiên giao dịch theo kịch bản bất ngờ. Thị trường sụt giảm ngay từ khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch tuy nhiên không nhiều nhà đầu tư nghĩ đến kịch bản rất tiêu cực đến bất ngờ như vậy.
Thị trường khoảng thời gian đầu sụt giảm nhưng mức giảm có phần không quá mạnh khi nhóm vốn hóa lớn vẫn nhận được lực cầu đỡ giá tốt trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí lại đồng loạt tăng. Tuy nhiên, việc tâm lý nhà đầu tư vẫn rất yếu thêm vào đó việc khối ngoại bán ròng ở khá nhiều mã trụ cột đã kích hoạt đà bán tháo. Càng về cuối phiên giao dịch, lực bán lại bị đẩy lên cao và khiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc.
KDC, MSN, PLX và VIC đã có một phiên giao dịch đáng quên khi cả 4 cổ phiếu này đều bị bán về mức giá sàn. 2 cổ phiếu SAB và BVH thiếu chút nữa cũng chung cảnh ngộ với 4 cổ phiếu nói trên. Cả SAB và BVH đều giảm 6,9%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề ở những đợt sụt giảm mạnh của thị trường thời gian gần đây. Trong đó, các mã như BID, CTG, VCB, VPB... đều đồng loạt lao dốc. BID giảm 5,5%, CTG giảm 5,8%, VCB giảm 5,9%. TPB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá trong phiên hôm nay. Cổ phiếu này chính thức đưa 555 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại sàn HOSE từ hôm nay (19/4). TPB khá 'đen đủi' khi chào sàn HOSE ngày hôm nay nhưng lại cho thấy được nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng ở cổ phiếu này và giúp TPB tăng 1,7% sau khi kết thúc phiên.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác là VRE, VJC, MWG, HSG, FPT... đều giảm sâu. Thậm chí, trụ đỡ hiếm hoi của thị trường ở phiên sáng là dầu khí cũng quay đầu giảm giá. GAS duy trì được mốc tham chiếu, nhưng PVS giảm 1,8%, PVC giảm 2,9%.
Thanh khoản thị trường có phần được cải thiện so với phiên trước khi mà nhiều nhà đầu tư tham gia dò đáy. Tổng khối lượng giao dịch sàn HOSE và HNX vào khoảng 260 triệu cổ phiếu, trị giá 8.200 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận vẫn đóng góp đáng kể với 1.000 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng chia sẻ các vị trí dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh. CTG đứng đầu sàn HOSE với 9,5 triệu cổ phiếu. SHB dẫn đầu sàn HNX với 17,3 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 43,9 điểm (-3,86%) xuống 1.094,63 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 215 mã giảm và 48 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,72 điểm (-1,3%) xuống 131,05 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 109 mã giảm và 56 mã đứng giá.
Khối ngoại cũng có một phiên giao dịch khiến nhà đầu tư lo lắng khi bán ròng rất mạnh tại sàn HOSE. Cụ thể, khối ngoại sàn này tiếp tục bán ròng 315 tỷ đồng, tăng vọt so với phiên trước. Thậm chí nếu chỉ tính cổ phiếu thì khối ngoại đã bán ròng hơn 393 tỷ đồng (loại trừ giao dịch của hai quỹ ETF nội). Trong đó, khối ngoại bán ròng rất mạnh cổ phiếu VIC với 282 tỷ đồng. Tiếp đến là những cổ phiếu bluechips như VJC, MSN, VCB hay CTD. Hướng ngược lại, họ mua ròng mạnh nhất mã VNM với 65 tỷ đồng. HDB cũng tiếp tục được mua ròng 38,8 tỷ đồng.
Còn ở sàn HNX, khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ khoảng 1,6 tỷ đồng. Khối ngoại sàn này mua ròng tập trung mã SHB với 26,6 tỷ đồng, trong khi bán mạnh PVS với 21 tỷ đồng.
CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, phiên giảm điểm mạnh hôm nay phản ánh tâm lý lo ngại có phần thái quá của nhà đầu tư. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ có sự hồi phục trở lại trong một vài phiên tới. Tuy nhiên, BVSC đánh giá nhịp hồi phục này có thể chưa thật sự bền vững.
Còn CTCP chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết, các ngưỡng hỗ trợ như 1.170 và 1.130 đều lần lượt bị phá đã dấy lên lo ngại VN-Index sẽ tiếp tục chìm sâu. Tuy nhiên theo quan sát, ngoài các cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian vừa qua thì các mã còn lại chỉ có sự điều chỉnh không đáng kể. Thêm vào đó, thanh khoản thị trường hôm nay đạt 7.300 tỷ và tăng đột biến vào cuối phiên là 1 tín hiệu cho thấy dòng tiền bắt đáy đang đổ vào thị trường. Nhà đầu tư có thể chờ đợi dấu hiệu phục hồi trên thị trường để mua vào.