Nhiều quy định còn bất cập
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã khởi công được 9 dự án với 18.768 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Trong đó nhà ở xã hội có 6 dự án tại Hải Phòng, Hà Nội và Lâm Đồng. Nhà ở công nhân có 3 dự án tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.
Để thúc đẩy đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng cũng đã đôn đốc các địa phương triển khai đồng thời chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai đề án nói trên. Các địa phương cũng đang tiếp tục triển khai 201 dự án với khoảng 161.227 căn hộ.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý đó là điều kiện, thủ tục để mua nhà ở xã hội khiến không chỉ chủ đầu tư mà cả người có nhu cầu mua nhà gặp “trăm ngàn khó khăn”. Theo một số chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang,…các thủ tục xác minh đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội còn khá rườm rà. Nhiều trường hợp người lao động ở tỉnh ngoài, có nhu cầu cấp thiết mua nhà ở xã hội nhưng không đủ điều kiện mua với lý do đã có đất ở quê hoặc khó khăn khi chứng minh thu nhập. Bên cạnh đó, một số người đủ điều kiện mua nhà thì cho biết việc hoàn thành thủ tục vay vốn cũng mất khá nhiều thời gian.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Bắc Giang) vừa có 1 tháng chạy đôn chạy đáo lo thủ tục để mua nhà ở xã hội cho biết, khi chị làm thủ tục được yêu cầu là chưa sở hữu nhà hoặc đất ở. Tuy nhiên, vợ chồng chị ở cùng bố mẹ và mẹ chị đã đứng tên sổ đỏ cấp cho hộ gia đình. Nếu muốn được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội, chị Hoa phải làm thủ tục tách hộ. Tuy nhiên, khi làm thủ tục tách hộ thì công an nơi chị thường trú không hỗ trợ bởi theo Luật Cư trú, người tách hộ khi làm thủ tục tách hộ phải có nhà để nhập hộ mới. Chị Hoa đã phải xin nghỉ làm nhiều ngày để đi lại và làm hồ sơ đăng kí mua nhà, hồ sơ vay vốn nhưng chị “vướng” vì điều kiện chưa sở hữu nhà hoặc đất ở.
Cũng gặp khó khăn như chị Hoa, anh Nguyên quê gốc ở huyện ngoại thành Hà Nội cũng có nhu cầu mua nhà ở xã hội ở nội thành để tiện sinh sống và đi lại nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Theo anh Nguyên, điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội đó là mọi thành viên trong gia đình không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhâ, tức thu nhập không quá 11 triệu đồng/ tháng. Nhưng với gia đình có 2 con nhỏ, nếu tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 22 triệu đồng thì riêng chi phí thuê nhà, ăn uống sinh hoạt và tiền đóng học cho con cũng đã gần hết thu nhập.
Trong khi đó, nếu mua nhà ở xã hội, bắt buộc đã phải có chút tích lũy, nếu mua nhà ở xã hội khoảng 1,5 tỷ đồng , thanh toán tối thiểu 20-30% tương đương 300-450 triệu đồng, phần còn lại vay ngân hàng khoảng trên 1 tỷ đồng thì mỗi tháng trung bình trả khoảng 10 triệu đồng. "Nếu mua nhà và với thu nhập không quá 22 triệu đồng/ tháng thì chúng tôi khó có thể chứng minh được điều kiện mua nhà, hoặc đủ điều kiện thì cũng phải cân đối tài chính hết sức khi 1 nửa thu nhập đã trả cho khoản vay ngân hàng” anh Nguyên nói.
Một bất cập khác được anh Nguyễn Thắng (quê Bắc Ninh, sống tại Hà Đông – Hà Nội) cho biết đó là vấn đề cư trú. Theo anh Thắng, anh chứng minh được thu nhập hàng tháng dưới 11 triệu đồng để mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ anh đã bị loại do không đủ điều kiện về cư trú. Anh Thắng cho biết, anh vẫn đang thuê trọ tại quận Hà Đông, nhưng để mua được nhà ở xã hội, các đối tượng ngoại tỉnh như anh phải có đăng kí tạm trú từ 1 năm trở lên tại Hà Nội. Không có xác nhận thông tin cư trú, vợ chồng anh Thắng ngậm ngùi mang hồ trơ trở về.
“Dữ liệu dân cư liên thông rồi nhưng thủ tục rất phức tạp. Nên bỏ quy định về điều kiện thời gian tạm trú”, anh Thắng nói.
Cần mở rộng đối tượng mua nhà
Từ thực tế triển khai các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội có thể thấy, có trường hợp người mua đáp ứng đủ tiêu chí nhưng không có nghĩa đủ chuẩn về điều kiện vay theo gói 120 nghìn tỷ. Lý do bởi, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ từng trường hợp đối tượng khách hàng, xem xét khả năng trả nợ của khách hàng để cho vay. Vì là gói vay thương mại nên mọi tiêu chí cũng cần theo quy định của ngân hàng, thu nhập của khách hàng thấp thì ngân hàng cũng khó lòng cho vay.
Chưa kể, với thu nhập dưới 11 triệu đồng/người/ tháng như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt thì khả năng trả nợ của người dân rất thấp.
Theo quy định hiện hành vẫn đang giữ nguyên điều kiện với đối tượng mua nhà ở xã hội như: không thuộc diện nộp thuế thu nhập, người thu nhập thấp, có đăng kí tạm trí 1 năm tại tỉnh/ thành phố nơi có nhà ở xã hội,… Tuy nhiên, qua thực tế ở các địa phương, những người thu nhập thấp thuộc diện mua được nhà ở xã hội lại đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, dù đã có các chương trình ưu đãi. Bên cạnh đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ cũng sẽ khó khả thi bởi lãi suất cho vay với chủ đầu tư ở mức 8,7%/năm (kéo dài trong 3 năm) và cho người mua nhà là 8,2%/năm (áp dụng trong 5 năm) là quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp.
Thực tiễn từ Bắc Giang cho thấy, căn hộ xây dựng xong nhưng công nhân lại không đủ điều kiện mua do không đáp ứng theo quy định. Riêng nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (Việt Yên – Bắc Giang) đã có 4.000 căn hộ giai đoạn 1 đang hoàn thiện để đi vào sử dụng, giá bán 12,3 triệu đồng/m2 nhưng đã hơn 1 năm từ khi công bố nhận hồ sơ mới chỉ có khoảng 200 công nhân đủ điều kiện để mua nhà.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Dự án Nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, đề xuất, Nhà nước ngoài 10 đối tượng được mua, thuê đã được quy định tại Luật Nhà ở 2014, cần mở rộng các điều kiện cũng như những đối tượng được mua, thuê. Đối tượng mở rộng có thể là các công nhân có thu nhập thấp, các chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình,….
Còn theo Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, hiện nay quy định thu nhập mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Nhiều người không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn phải tìm đến nhà ở xã hội nhưng họ lại không phải thu nhập thấp theo quy định hiện tại. Ông Châu đề xuất, đã đến lúc cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội. Đồng thời, cần nới một số điều kiện về cư trú, thu nhập để người có nhu cầu tiếp cận được dễ hơn.