Aa

Nhiều thách thức cản trở sự phát triển của công nghệ bất động sản (Proptech)

Thứ Tư, 29/05/2024 - 06:10

Proptech là một phần quan trọng trong hệ sinh thái bất động sản để hướng tới sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường. Tuy nhiên Việt Nam hiện vẫn chưa có bức tranh tổng thể về Proptech và các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cho lĩnh vực này.

Trên thực tế, hệ sinh thái bất động sản hoạt động dựa trên sự tương tác và kết nối giữa các thành phần bao gồm: Doanh nghiệp bất động sản, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng, các dịch vụ hỗ trợ và công nghệ - các ứng dụng công nghệ Proptech vào lĩnh vực bất động sản. Các thành phần trong hệ sinh thái ảnh hưởng lẫn nhau và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Trong đó, ứng dụng Proptech là giải pháp quan trọng giúp giúp chủ đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án, quản lý hồ sơ dữ liệu, tối ưu hóa quy trình làm việc.

Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo "Kiến tạo hệ sinh thái bất động snr hiệu quả, minh bạch và bền vững: Từ lý luận địa tô đến công nghệ Proptech", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Bất động sản Sen Vàng cho biết, hiện nay công nghệ bất động sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này khá ít ỏi. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Đối với xu hướng Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI),... Việt Nam vẫn chưa đủ dữ liệu để khai thác và ứng dụng trong thị trường bất động sản.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Bất động sản Sen Vàng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Bất động sản Sen Vàng.

"Trong giai đoạn 2021 - 2023, khoảng 10 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bất động sản tại Việt Nam đã gọi vốn thành công, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài khu vực Châu Á. Tuy nhiên, một số đơn vị đã phải dừng hoạt động, rời khỏi thị trường do gặp khó khăn", bà Ngọc đánh giá. 

Về nguyên nhân công nghệ áp dụng cho bất động sản chưa phát triển, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu lên một vài thách thức chính như sau:

Thứ nhất, hành lang pháp lý hiện nay chưa hỗ trợ đủ để các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Trong khi các doanh nghiệp có cơ chế thử nghiệm sandbox được hỗ trợ rất nhiều, nhưng đối với lĩnh vực Proptech thì chưa có cơ chế này.

Thứ hai, vấn đề an ninh an toàn mạng luôn tồn tại rủi ro. Việc bảo mật và xử lý dữ liệu về bất động sản là khá khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ đang thiếu hụt. Mặc dù tỷ lệ qua đào tạo rất tốt, nhưng cần có nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng về việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin và thị trường.

Thứ tư, tính đồng bộ giữa công nghệ và bất động sản cần được đảm bảo. Thông thường, người sáng lập doanh nghiệp Proptech có nền tảng công nghệ nhưng lại không hiểu về bất động sản, khiến các sản phẩm Proptech khó thành công. Ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản lớn khi triển khai Proptech thì tư duy về công nghệ chưa theo kịp, dẫn đến thiếu sự đồng bộ.

Ngoài ra, rủi ro đầu tư cũng là trở ngại, khi các doanh nghiệp không muốn đi tiên phong, đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này. Được biết phần lớn các doanh nghiệp công nghệ đều có chung khó khăn do chi phí đầu tư lớn, xấp xỉ khoảng 10 tỷ đồng. Nếu không gọi được vốn từ nhà đầu tư, các startup công nghệ gần như không có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, các đơn vị Proptech vẫn đang nỗ lực và chưa dừng hoạt động, tức Proptech tại Việt Nam vẫn còn cơ hội để phát triển.

"Thị trường công nghệ bất động sản tại Trung Quốc đang chuyển sang thế hệ thứ 3 với nhiều sản phẩm và dịch vụ tiên tiến. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có bức tranh tổng thể về Proptech và các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cho lĩnh vực này. Mặc dù vậy, đây được dự báo là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới", bà Ngọc khẳng định. 

Để thúc đẩy Proptech tại Việt Nam, bà Ngọc đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như lĩnh vực Proptech. Đồng thời, các lực lượng trong thị trường cần kết nối hợp tác, thúc đẩy hoạt động và chuyển giao R&D.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top