Địa phương đồng loạt kêu gọi đầu tư
UBND tỉnh Hà Nam vừa mới có quyết định phê duyệt bổ sung danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh năm đối với dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị phía Bắc thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân.
Theo đó, dự án có diện tích hơn 180.529 m2, được xây trên khu đất chưa giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 390 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án hơn 338,7 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 49,7 tỷ đồng, chi phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa hơn 1,4 tỷ đồng.
Dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ 2019 - 2022, mục tiêu là xây khu nhà ở đô thị, có hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật đồng bộ.
UBND tỉnh Hà Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố danh mục dự án để lựa chọn nhà đầu tư, phối hợp với bên mời thầu là Ban quản lí phát triển Khu đô thị mới tỉnh Hà Nam giải quyết các thủ tục liên quan nhắm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
Một địa phương khác là Lạng Sơn mới đây cũng đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất năm để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án khu nhà ở mới sinh thái sông Kỳ Cùng thuộc xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 384,7 tỷ đồng, đã bao gồm sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng, nằm trên khu đất có diện tích 97.470m2. Hiện trạng khu đất chủ yếu là đất trồng lúa, trồng hoa màu và trồng cây lâu năm…
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 diễn ra hồi cuối tháng 9 năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã công bố danh mục 37 dự án thu hút đầu tư của tỉnh và trao các quyết định, kí biên bản ghi nhớ với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Hòa Bình cũng vừa công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư đối với hai dự án nhà ở xã hội, trong đó có dự án Nhà ở xã hội tại xã Sủ Ngòi, TP. Hòa Bình với tổng mức đầu tư hơn 777,9 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 1,32ha.
Bên cạnh dự án Nhà ở xã hội tại xã Sủ Ngòi, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng mới công bố danh mục dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án Nhà ở xã hội cho công nhân mua, thuê và thuê mua (giai đoạn II) tại phường hữu Nghị, TP. Hòa Bình.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư gần 59,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 18 tháng. Khu đất xây dựng dự án là đất đã giải phóng mặt bằng.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Một mặt thực hiện kêu gọi đầu tư, mặt khác UBND các tỉnh cũng tìm cách tháo gỡ các khó khăn và tạo điều kiện tốt nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Điển hình mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Tập đoàn FLC về các dự án mà FLC đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Tập đoàn FLC đang thực hiện và nghiên cứu đầu tư 6 dự án tại Thái Bình gồm: Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình quy mô 1.000 giường; dự án Tổ hợp công trình trung tâm văn hóa, dịch vụ, thương mại, khách sạn và nhà phố Center Point Thái Bình; dự án Khu công viên sinh thái và nhà ở phường Hoàng Diệu; dự án Khu đô thị mới Vũ Đông; dự án Khu đô thị phía Nam - lô B và dự án Khu đô thị mới Kiến Giang - khu A. Trong đó dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế có vốn đầu tư ước tính 3.722 tỷ đồng đã được khởi công ngày 14/2/2019.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết với dự án Bệnh viện Đa khoa, đến nay FLC đã chỉ đạo nhà thầu thi công xong hàng rào, trồng cây xanh xung quanh diện tích thực hiện dự án, 4 nhà bảo vệ; đang xây bổ sung cổng vào bệnh viện; thi công hệ thống thoát nước,... Tập đoàn FLC cũng đang chỉ đạo đơn vị thi công ép cọc móng xây dựng nhà liên khoa 4 quy mô 16 tầng.
Đối với ba dự án Tập đoàn FLC tài trợ quy hoạch là Tổ hợp công trình trung tâm văn hóa, dịch vụ, thương mại, khách sạn và nhà phố Center Point Thái Bình; Khu công viên sinh thái và nhà ở phường Hoàng Diệu; Khu đô thị mới Vũ Đông, FLC đã khảo sát địa hình và nghiên cứu phương án quy hoạch, lập nhiệm vụ quy hoạch cho dự án.
Các dự án còn lại, Tập đoàn đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư và tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án và nghiên cứu đầu tư một số dự án tại Thái Bình, Tập đoàn FLC mong muốn UBND tỉnh quan tâm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư đối với từng dự án.
Tại buổi làm việc, đại diện một số sở, ngành, thành phố Thái Bình, huyện Kiến Xương đã phát biểu làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nội dung kiến nghị của Tập đoàn FLC và đề xuất giải pháp, tham mưu để UBND tỉnh giải quyết tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Tập đoàn FLC là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh nên UBND tỉnh luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi thuộc thẩm quyền và quy định của pháp luật để Tập đoàn nghiên cứu, đầu tư các dự án vào địa bàn tỉnh.
Về dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Giang mong muốn Tập đoàn FLC tiếp tục triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, sớm đưa vào hoạt động.
Hai dự án nhà ở mà Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu giải pháp cụ thể cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai.
Cũng mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức thẩm tra dự thảo nghị quyết về việc thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người dân, tham mưu điều chỉnh giá đất tại một số vị trí đặc thù, bảo đảm hợp lý để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ông Trần Anh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho biết: Giá đất tăng, sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm thu nhập, tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh và giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Có thể nói, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển bất động sản, trong đó có chính sách thắt chặt tín dụng, hay Nghị định 20 về chi phí lãi vay, thủ tục pháp lý liên quan đến thực hiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chặt chẽ, thậm chí phức tạp hơn... khiến doanh nghiệp phát triển dự án phát sinh nhiều chi phí cả về thời gian lẫn tiền bạc... Việc chủ động của địa phương trong việc tháo gỡ và thu hút đầu tư sẽ phần nào giải quyết được những áp lực doanh nghiệp đang gặp phải.