Hàng chục sân golf được đưa vào quy hoạch tỉnh
Đề án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của một số tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang đang cho thấy một điểm chung là sự xuất hiện của hàng chục sân golf được dự kiến đầu tư và triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đưa ra kế hoạch phát triển 40 sân golf lớn nhỏ khác nhau trên địa bàn và định hướng không gian sử dụng đất cho phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó có 21 sân golf chủ yếu tập trung tại khu vực TP. Hòa Bình và các huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi với tổng diện tích là 2.611ha; giai đoạn 2031 - 2040 phát triển thêm 10 sân golf, và đến năm 2050 tiếp tục phát triển thêm 10 sân golf.
Trước đó, hồi cuối tháng 10/2022, tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hòa Bình xác định đưa địa phương trở thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng và trở thành “thủ phủ golf”. Đối với phương án bố trí 40 sân golf trong giai đoạn tới, tỉnh cũng cam kết không sử dụng đất rừng tự nhiên, đất lúa cũng như đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa cũng như cân đối với số lượng sân golf của các tỉnh khác trong vùng.
Trong khi đó, theo thông tin mới công bố ngày 19/8 của UBND tỉnh Quảng Ninh, tại Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050, địa phương này được quy hoạch 22 sân golf. Đến nay, có 3 sân đã đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động; 2 sân đang đầu tư xây dựng, 1 sân đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. 16 sân phát triển mới đang trong giai đoạn thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, chưa triển khai đầu tư.
Tương tự, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng bao gồm quy hoạch 13 sân golf trong các khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng. Vị trí của các sân golf chủ yếu nằm ở TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, khu bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp du lịch văn hóa thể thao Đồng Hỷ (huyện Đồng Hỷ), khu đô thị sinh thái thể thao hồ Gềnh Chè...
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đề ra định hướng phát triển 13 sân golf trong 12 khu chức năng tổng hợp golf và nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sân golf được bố trí nằm trong và gần vùng trọng điểm kinh tế và các khu du lịch với mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành trung tâm golf của cả nước. 13 sân golf dự kiến được phân bố tại TP. Bắc Giang và các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang, Tân Yên, thị trấn Tây Yên Tử - Sơn Động. Sân có diện tích lớn nhất rộng 189,95ha, diện tích nhỏ nhất là 75,38ha. Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang và xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, với tổng diện tích đất 134ha, trong đó khu vực phát triển sân golf và du lịch thể thao có diện tích 88ha.
Tạo dư địa phát triển du lịch nhưng cần hoạch định rõ ràng, tránh lãng phí tài nguyên
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong thời gian gần đây, phong trào chơi golf đang phát triển mạnh mẽ, trở thành loại hình dịch vụ hấp dẫn, đem lại nguồn thu cao cho doanh nghiệp và địa phương. Do đó, việc quy hoạch sân golf là rất cần thiết để đưa hoạt động của sân golf trở thành một phần của tổ hợp vui chơi, giải trí, đem lại hiệu quả cho địa phương. Sự phát triển của golf không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp về lợi nhuận, mà còn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Đến nay, nhiều địa phương đã cởi mở hơn với loại hình thể thao này và có sự quan tâm đầu tư, phát triển trên địa bàn, mở đường cho các doanh nghiệp bất động sản và kinh doanh dịch vụ, thương mại có thêm các cơ hội kinh doanh mới.
Tuy nhiên, bản thân địa phương cần rất thận trọng và có tầm nhìn rõ ràng với sân golf, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, không đúng với nhu cầu thực tế.
Về cơ bản, việc xây dựng và thiết kế sân golf chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng để phục vụ người chơi là khá phức tạp do cần diện tích lớn, đa dạng địa hình. Thời gian chăm sóc kéo dài, quy trình chăm sóc sân golf cũng cần đến rất nhiều các loại hóa chất bảo vệ thực vật, có thể ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước.
"Quan trọng hơn cả, xây dựng sân golf đồng nghĩa với việc có rất nhiều người dân mất quyền sử dụng đất, do đó nếu như sân golf đó không thể phát triển và đem lại nguồn thu ngân sách đúng như kỳ vọng, thì đó sẽ là sự lãng phí tài nguyên", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Do vậy, các địa phương cần tỉnh táo trong việc quy hoạch sân golf trên địa bàn, xác định rõ số lượng bao nhiêu, ở vị trí nào, giai đoạn nào sẽ phát triển bao nhiêu sân, giai đoạn tiếp theo sẽ định hướng như thế nào. Nguồn lực đầu tư đến từ đâu, phục vụ nguồn khách nào, sử dụng đất đai như thế nào cho phù hợp. Tất cả đều là bài toán cần tính kỹ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc quy hoạch ồ ạt hàng chục sân golf mà không bám sát thực tế, không có hoạch định chiến lược không chỉ làm ngân sách của tỉnh thất thu, mà còn khiến người dân mất đất, mất sinh kế và lãng phí nguồn lực.
Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước, số người chơi golf tại nước ta đến nay đã có đến hơn 100.000 người, trong đó có khoảng 30.000 người chơi ít nhất 2 lần/tháng, theo thống kê của Hiệp hội Golf Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, khoảng 30 đến 40% khách đến Việt Nam lựa chọn loại hình du lịch golf trong tổng số gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta. Mỗi khách đến Việt Nam chơi golf chi tiêu trung bình 40 triệu đồng trong 5 ngày, chưa kể vé máy bay.
Do đó, golf được coi là “cây hái ra tiền” của các nhà kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng và thương mại, được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng bứt phá tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.
Suy cho cùng, điều đáng quan tâm nhất với golf cũng như những loại hình thể thao, dịch vụ nghỉ dưỡng khác là hiệu quả sử dụng đất và quản lý tài nguyên. Sự hình thành của hàng chục sân golf trong tương lai là một tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp tại địa phương, nhưng cũng đồng thời đặt ra các thách thức với nhà quy hoạch và hoạch định chính sách, để làm sao trên cùng một diện tích đất có thể khai thác tối đa giá trị, đồng thời cũng phù hợp với văn hóa, thổ nhưỡng, khí hậu, đa dạng sinh học và các đặc trưng của địa phương đó./.