Aa

Nhiều triển vọng trong hoạt động ngân hàng quý IV

Thứ Ba, 09/11/2021 - 13:15

Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã tác động nhất định đến ngành ngân hàng, đặc biệt nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng trong quý III/2021.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo, hoạt động ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng trong quý IV/2021 và những tháng đầu năm 2022.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định đến ngành ngân hàng

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng . 

Nhờ các giải pháp đồng bộ này, trong 9 tháng qua mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng tăng và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 07/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).

Theo đó, nhiều ngân hàng vẫn tạo ra được tăng trưởng về thu nhập tín dụng, đóng góp phần lớn cho lợi nhuận của ngân hàng và duy trì được tăng trưởng về TOI (tổng thu nhập hoạt động). Theo thống kê của CTCK Maybank Kimeng Việt Nam (MBKE VN), 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng vẫn được duy trì ở mức cao (42,6% so với năm 2020, đạt 132 nghìn tỷ đồng/5,7 tỷ USD). 

Báo cáo tài chính mới đây của các ngân hàng cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm hầu hết các ngân hàng đều được tăng trưởng so với cùng kỳ. Chẳng hạn như ACB tăng trưởng 40%, Techcombank tăng 60%, Viettinbank tăng trên 34%, Sacombank tăng 40%,  MBB tăng 46%…

Mặc dù tăng trưởng cho vay, lợi nhuận ngân hàng trong suốt 9 tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng nhưng tác động của Covid-19 và các đợt giãn cách kéo dài khiến doanh nghiệp giải thể hoặc hoạt động chững lại. Chia sẻ cùng khách hàng khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhất định đến ngành ngân hàng, trong đó có nợ xấu. Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2021 của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên con số 113.006 tỷ đồng tại cuối 30/9/2021, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức này vẫn trong tầm kiểm soát và thấp so với các năm trước, do trong năm 2020 và 2021 các ngân hàng vẫn đẩy mạnh dự phòng rủi ro tín dụng. Chi phí dự phòng rủi ro quý 3/2021 của ACB gấp tới 5 lần cùng kỳ, đạt 820 tỷ đồng; MBB tăng chi phí dự phòng rủi ro gấp đôi so với cùng kỳ (1.778 tỷ đồng); Nam A Bank tăng lên trên 115 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 82,8 tỷ đồng…

MBKE VN đánh giá, mức độ tăng của nợ xấu là hợp lý và có thể kiểm soát được do: Mức nợ xấu các ngân hàng Việt trước đại dịch tương đối thấp. NHNN ước tính nợ xấu toàn phần (bao gồm cả các khoản nợ có khả năng tái cơ cấu) đạt khoảng 7,8% vào cuối năm 2021. Mức nợ xấu này tương tự như trong giai đoạn 2016 - 2017. Với việc nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội, nhiều khoản vay trên sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, vì vậy mức nợ xấu này sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt…

Nam A Bank

Hoạt động ngân hàng có nhiều triển vọng

Theo đánh giá về triển vọng của MBKE VN, hầu hết các ngân hàng đang trên đà hoàn thành mục tiêu năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. MBKE VN cũng kỳ vọng, 17 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý 4 năm 2021 nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. 

Những triển vọng trên là hoàn toàn có cơ sở khi 3 tháng cuối năm các doanh nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Theo đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng cho vay, tạo ra mức tăng trưởng về thu nhập tín dụng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng quy mô tài sản và chất lượng tài sản tốt sẽ được ưu ái hơn trong việc cấp room tín dụng từ NHNN. Về vấn đề nợ xấu, như thông tin trên, với việc nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội, nhiều khoản vay trên sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, với sứ mệnh “sát cánh” cùng Chính phủ sớm khôi phục xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, ổn định đời sống cho người dân, các ngân hàng đã đang và tiếp tục xây dựng chính sách cho vay để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mới đây, Nam A Bank triển khai chương trình “Nam A Bank ưu đãi mới – bình thường mới” ưu đãi giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng doanh nghiệp, điều chỉnh lãi suất chỉ từ 6,5%/năm dành nhằm giúp doanh nghiệp bổ sung vốn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch Covid-19. Trước đó, Nam A Bank cũng đã nhiều lần triển khai các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng. HĐQT Nam A Bank cũng vừa có nghị quyết trong đó nêu mục tiêu tập trung hỗ trợ khách hàng chủ lực; áp dụng giải pháp sát sườn với từng doanh nghiệp theo đúng tiêu chí "cấp đúng thuốc cho từng doanh nghiệp". 

“Đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, chúng tôi triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ linh hoạt với từng phân khúc và từng trường hợp khách hàng cụ thể theo quy định của NHNN về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ… Song song đó, Nam A Bank còn triển khai cấp tín dụng mới cho những khách hàng có triển vọng, có tiềm năng phục hồi bởi nguồn vốn mới để duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Trần Ngọc Tâm – Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top