Aa

Nhiều yếu tố tích cực góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho thị trường M&A Việt Nam

Thứ Tư, 07/08/2019 - 06:06

Cho đến nay, thị trường M&A Việt Nam đón nhận nhiều động thái lớn được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Chiều 6/8, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 chủ đề “Thay đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam, cho biết: “Trong 10 năm qua, kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên được tổ chức vào năm 2009, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn phát biểu khai mạc (Ảnh: Chi Cường).

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn phát biểu khai mạc (Ảnh: Chi Cường).

Theo Diễn đàn M&A Việt Nam, số lượng thương vụ M&A thành công ngày càng nhiều, trong đó có những thương vụ giá trị rất cao. Mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã phần nào cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam.

Số liệu thống kế cho thấy, năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A đạt 1,1 tỷ USD thì đến năm 2018, con số này đã vượt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD.

Trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt gần 5,43 tỷ USD. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt gần 7,6 tỷ USD.

Cho đến nay, thị trường M&A Việt Nam đón nhận nhiều động thái lớn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Đáng chú ý là việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các luật chuyên ngành khác. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA, EVIPA)… Điều này đã góp phần quan trọng mở ra thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu, vốn đầu tư..., góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của quốc gia.  

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường M&A vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam như sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của các nước lớn; một số rào cản chính sách trong nước còn chưa được tháo gỡ; chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn; và những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…

M&A là kênh thu hút vốn đầu tư quan trọng

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, có rất nhiều yếu tố tích cực đang góp phần quan trọng “mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam”.

Trước hết là các yếu tố nội tại nền kinh tế, cũng như các cơ hội từ bên ngoài mà quá trình hội nhập quốc tế của đất nước đang mở ra như tốc độ tăng trưởng GDP những năm gần đây được duy trì ở mức cao 7%/năm; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực…

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung cao độ cho tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định: “Việc thúc đẩy thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn gắn liền với việc công khai, minh bạch lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn sẽ tạo ra các sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn nữa cho thị trường M&A; mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu cơ hội đầu tư, mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước…”.

Theo Thứ trưởng, xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia đầy đủ vào tất cả các khu vực của nền kinh tế (trừ những khu vực liên quan đến an ninh - quốc phòng).

Do đó, các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng... sẽ sớm đươc sửa đổi để tháo gỡ các vướng mắc, xoá bỏ chồng chéo, cắt giảm chi phí thủ tục tham gia thị trường, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, một số luật mới đã và sẽ được xây dựng, ban hành, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư theo hình thức công tư PPP…

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, tất cả những điều này sẽ tạo khung pháp lý vững chắc hơn nữa cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên cơ sở tổng kết 30 năm thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong đó, khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phần hợp thành quan trọng, bình đẳng, phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời, đưa ra những định hướng chiến lược mới như chuyển thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao; chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu…

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định: “Tất cả những yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới”. Tuy nhiên, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam còn trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top