Đi lên từ vũng bùn nghèo khó
Đảo quốc sư tử có diện tích 718,3 km vuông. Khi người Anh đặt chân tới hòn đảo này năm 1819, nó hoàn toàn là rừng rậm mọc trên đầm lầy và không có bất cứ tài nguyên gì. Lợi thế lớn nhất của Singapore chính là vị trí địa lý. Hòn đảo này nằm trên tuyến đường giao thương hàng hải giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên nó nhanh chóng trở thành một thương cảng tấp nập.
Singapore thu hút đông đảo người nhập cư từ khắp các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, cuộc sống ở Singapore là sự chen chúc, bẩn thỉu với những ngôi nhà tạm chủ yếu được dựng lên từ gỗ. Có thời kỳ, người dân sống trên đảo quốc sư tử trồng chuối để đánh dấu khoảng đất mình sở hữu. Tình trạng nước sạch thiếu, nước thải thừa càng khiến cho cuộc sống trên đảo quốc sư tử trở nên nhơ nhớp.
Khi Vương quốc Anh trả tự do cho Singapore năm 1959, cuộc sống trên đảo hòn đảo này bước sang trang mới, thời đại của tự trị. Cũng trong giai đoạn này, ông Lý Quang Diệu và đảng Nhân dân Hành động nổi lên trên chính trường Singapore và giành quyền chèo lái đất nước. Sinh ra trong một gia đình giàu có và được đào tạo tốt ở Anh, ông Lý Quang Diệu quyết đem những thành tựu vượt trội của thế giới về áp dụng tại Singapore, giúp quốc gia này vươn lên.
Chỉ một năm sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Liên bang Malaysia năm 1963, Singapore buộc phải tách ra để tự thân vận động. Đã có thời điểm, Singapore tưởng như không thể tồn tại vì khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu đã có những chính sách sáng suốt để giúp đất nước phát triển và tiến lên.
Giải quyết vấn đề về nhà ở, Singapore để các bậc thầy về hoạch định xây dựng những khu chung cư nhằm xóa bỏ tình trạng nhà ổ chuột. Các điều kiện sống cơ bản, bao gồm nước sạch và nhà vệ sinh tự hoại, là điều kiện bắt buộc trong các khu chung cư của Singapore dù thời điểm đó, chúng vẫn là điều xa xỉ với phần đông thế giới.
Kết hợp với hàng loạt chính sách hiệu quả về kinh tế và an sinh xã hội, Lý Quang Diệu đã xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà ổ chuột vào năm 1985 và xây dựng một đất nước Singapore hiện đại và hùng mạnh. Tuy nhiên, để Singapore được như ngày nay, các nhà lãnh đạo không chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế mà yếu tố đời sống con người cũng rất được chú trọng. Một trong những chính sách của Singapore khiến cả thế giới ngưỡng mộ chính là phủ xanh đô thị.
Phủ xanh đô thị và tầm nhìn của Lý Quang Diệu
Ngay khi trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore năm 1959, ông Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch phủ xanh đảo quốc sư tử. Ngày 2/11 hàng năm được chọn là ngày cả nước Singapore trồng cây. Những năm cuối đời, cố thủ tướng lừng danh của Singapore vẫn miệt mài tham gia các sự kiện trồng cây. Cây cuối cùng ông trồng là gỗ tếch biển, loài thực vật đang ngày càng trở nên hiếm hoi ở Singapore.
Tầm nhìn về cây xanh của Lý Quang Diệu hình thành trong thời gian du học tại trường Cambridge của Anh. Khi đó, chàng trai trẻ người Singapore tỏ ra rất hứng thú với cách người Anh trồng cây trên các tuyến phố nhộn nhịp ở thủ đô nước Anh. Quy trình lựa chọn loại cây phù hợp, trồng và chăm sóc cây trong đô thị cũng được ông Lý nghiên cứu kỹ lưỡng.
Sau khi nắm quyền chèo lái Singapore, ông Lý Quang Diệu mang những kiến thức về cây xanh đô thị mình có được để áp dụng cho đảo quốc sư tử. Đây là giải pháp hiệu quả cho những hệ lụy của việc đô thị hóa nhanh chóng ở Singapore. Dù bộn bề trăm mối nhưng việc trồng cây được ông Lý hết sức chú trọng. Thời gian trồng cây và loại cây được lựa chọn kỹ lưỡng giúp chúng có điều kiện hoàn hảo nhất để sinh trưởng và phát triển.
Ở Singapore, ngày 2/11 là thời điểm bắt đầu mùa mưa. Việc trồng cây ở giai đoạn này giúp tận dụng nguồn nước tưới tự nhiên, giảm chi phí cho việc sử dụng nước sạch để tưới cây. Trong ngày trồng cây, từ quan chức chính phủ, nghị sĩ quốc hội Singapore tới trẻ em Singapore đều nô nức mang cây ra trồng tại các công viên hoặc các điểm công cộng. Cây trở thành quà tặng cho trẻ nhỏ, quà cưới của các đôi tình nhân.
Hiện nay, người Singapore không chỉ trồng cây vào ngày 2/11. Các cá nhân có thể trồng một hoặc nhiều cây tại các khu bảo tồn thiên nhiên vào một ngày được chỉ định, chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng hay các ngày đặc biệt như Ngày Môi trường Thế giới hay Ngày Trái đất. Không chỉ người lớn, trẻ em ở Singapore cũng được dạy rất nhiều về lợi ích của cây xanh và luôn ý thức được tầm quan trọng của việc trồng cây.
Các gia đình thường đưa con nhỏ tới tham gia các sự kiện trồng cây nhằm dạy chúng về vai trò của cây cối đối với đời sống con người. Trong khi đó, các công trình cao tầng ở Singapore cũng được thiết kế khéo léo nhằm gia tăng diện tích trồng cây, nhằm cải thiện tối đa điều kiện sống trong đô thị đông đúc.
Người Singapore cũng không trồng cây một cách tràn lan. Những giống cây được trồng đều phải trải qua quá trình lựa chọn kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thổ nhưỡng cũng như điều kiện trồng. Ven những con đường, người ta chọn những loại cây bóng rộng để tăng cường độ che phủ trong những ngày nắng mưa. Tuy nhiên, chúng cũng cần chịu được điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Singapore.
Tham vọng đưa rừng vào thành phố
Ở thời điểm hiện tại, Singapore là đô thị dẫn đầu thế giới về độ phủ của cây xanh, với khoảng 50% diện tích được che bóng. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử dường như vẫn chưa thấy thỏa mãn. Những công trình xanh bề thế liên tiếp được lên kế hoạch, xây dựng và hoàn thành trong khi những tòa nhà buộc phải có không gian cho cây xanh để được cấp phép xây dựng.
Hiện tại, tỷ lệ triệu phú trên tổng số dân của Singapore cao hàng đầu thế giới. Đây không chỉ là thành quả của các chính sách phát triển kinh tế mà còn là quả ngọt từ tham vọng đưa rừng vào thành phố, tạo ra không gian sống trong lành cho người dân. Tại Singapore, người ta có thể bắt gặp màu xanh của thực vật ở khắp đất nước.
Dựa vào ý tưởng của Anh trong thế kỷ 19, người Singapore đang dẫn đầu thế giới về mô hình rừng trong thành phố. Họ khéo léo dung hòa giữa thiên nhiên và con người nhằm tạo ra một môi trường xanh và sạch. Singapore cũng có những nhà vườn nổi tiếng thế giới, thu hút khách du lịch ghé thăm mỗi khi tới quốc đảo.
Công trình xanh bề thế bậc nhất vừa được Singapore đưa vào khai thác chính là tổ hợp “Những khu vườn bên vịnh”. Đây là công viên rộng 101 ha, được thiết kế riêng cho các loài cây sinh trưởng và phát triển. Điểm nhấn của “Những khu vườn bên vịnh” là hệ thống cây năng nhân tạo cao tới 54m, có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời, thông hơi cho các tòa nhà gần đó và hứng nước mưa. Người ta trồng các loại thực vật xung quanh thân cây khổng lồ và nối liền chúng để du khách dạo bộ ngắm cảnh từ độ cao hàng chục mét.
Hai khu nhà kính của “Những khu vườn bên vịnh” cho phép trồng những loài thực vật vốn không sinh trưởng và phát triển tại Singapore. Chúng có thể là loài cây ôn đới hoặc các loại thực vật sống trong sa mạc, các loài hoa đặc trưng của kiểu khí hậu khác biệt với Singapore. Khu vườn cũng trở thành điểm nhấn mới của đảo quốc sư tử, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.
Do quỹ đất hạn hẹp, người Singapore cũng đang học cách sống chung với cây xanh. Những tòa cao ốc được thiết kế để có không gian cho cây xanh phát triển. Phần mái và sảnh của các công trình được biến thành nơi trồng cây. Ngoài ra, một số công trình sử dụng cây xanh làm rèm che nắng tự nhiên. Diện tích cho cây xanh đang là yêu cầu bắt buộc với các công trình xây dựng ở Singapore.