Thị trường chứng khoán có thêm một tuần tăng điểm, nhưng biến động chủ yếu trong các phiên giao dịch đều ở biên độ hẹp với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,32 điểm (0,8%) so với tuần trước đó lên 908,27 điểm; HNX-Index tăng 2,321 điểm (1,8%) lên 131,52 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,7 điểm (1,16%) lên 61,29 điểm.
Dù thị các chỉ số đều đi lên trong tuần giao dịch vừa qua nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản lại diễn biến không mấy thuận lợi. Thống kê 112 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì chỉ có 34 mã tăng giá trong khi có đến 62 mã giảm giá.
Ở chiều giảm giá các cái tên đáng chú ý có CRE của Bất động sản Thế Kỷ, DRH của DRH Holdings, PWA của Bất động sản dầu khí, DXG của Địa ốc Đất Xanh, LDG của Đầu tư LDG.
Trong khi đó, giảm giá mạnh nhất nhóm ngành này là cổ phiếu KHA của Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội với mức giảm hơn 23% từ 39.200 đồng/cp xuống còn 30.171 đồng/cp - đây là tuần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này sau khi bứt phá mạnh nhờ tin trả cổ tức 67% bằng tiền. Tuy nhiên, KHA tiếp tục giao dịch với thanh khoản rất khiêm tốn với chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. KHA cũng là mã duy nhất trong nhóm bất động sản giảm giá trên 20%.
Tiếp sau đó, cổ phiếu PLA của Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Xăng dầu (PLAND) giảm giá 14% từ 5.000 đồng/cp xuống 4.300 đồng/cp. PLA thuộc diện các cổ phiếu có thanh khoản rất thấp và thường xuyên rơi vào trạng thái không có giao dịch. PLA trong tuần vừa qua chỉ có 2 phiên khớp lệnh trong đó có một phiên đứng giá và một phiên giảm sàn 14%.
Hai cổ phiếu khác cũng có mức giảm trên 10% đó là C21 của Thế kỷ 21 và CRE của Bất động sản Thế Kỷ.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu bất động sản hiếm hoi tăng giá trên 30% là NTB của Công trình giao thông 584 và TLP của Thương mại XNK Thanh Lễ với lần lượt 33,33% và 30%.
Cổ phiếu NTB vẫn chỉ được giao dịch duy nhất một phiên trong tuần do bị hạn chế giao dịch trên UPCoM. Trong khi đó, do là thời điểm ông Lê Trọng Hiếu - Thành viên HĐQT của TLP đăng ký mua 36 triệu cổ phiếu (từ 16/9 đến 14/10) nên cổ phiếu này tiếp tục có diễn biến sôi động cả phương thức khớp lệnh lẫn thỏa thuận. Đáng chú ý trong 2 phiên 24 - 25/9, TLP có giao dịch thỏa thuận gần 9,5 triệu cổ phiếu, trị giá gần 131 tỷ đồng.
Hai mã tăng trên 10% tiếp theo là VHD của PT Nhà và Đô thị Vinaconex và HPI của Khu công nghiệp Hiệp Phước với mức tăng lần lượt 25,3% và 16,8%.
Cổ phiếu BII của Phát triển Công nghiệp Bảo Thư cũng gây được sự chú ý khi tăng giá 7,7% bất chấp việc doanh nghiệp này báo lỗ gần 89,4 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần so với số lỗ là 6,3 tỷ đồng trên báo cáo tự lập. Sau khi thông tin trên xuất hiện, BII chỉ giảm sàn 2 phiên đầu tuần nhưng đều quay trở lại tăng trần ở 3 phiếu cuối tuần.
Trong khi đó, 5 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đối với nhóm bất động sản là VIC của VinGroup, VHM của Vinhomes, VRE của Vincom Retail, NVL của Novaland và BCM của Becamex IDC đã phần chỉ biến động trong biên độ hẹp. BCM là mã giảm sâu nhất với 2,16% từ 41.700 đồng/cp xuống 40.800 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu BCM vẫn từ từ đi xuống kể từ khi lập đỉnh 48.000 đồng/cp hôm 9/9/2020 sau khi lên giao dịch trên HoSE vào ngày 31/8. So với mức giá đỉnh, BCM đã mất đi 15% giá trị.