Aa

Nhìn lại cơn sốt đất ảo ở Kiên Giang

Thứ Ba, 19/06/2018 - 23:00

Thị trường bất động sản ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng thời gian qua có những diễn biến khá phức tạp, theo hướng "sốt nóng” rồi nhanh chóng “hạ nhiệt”.

Thực tế này đã ít nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là làm cho thị trường bất động sản tại đây được phen “nháo nhào”. Và sau khi “càn quét” tiền của, đất đai, thứ lộ ra không chỉ là nỗi bất an, lo lắng của nhà đầu tư mà còn là những hạn chế trong công tác quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Phát triển ồ ạt, rủi ro rình rập khắp nơi 

Tại tọa đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản Kiên Giang có gì mới?” diễn ra mới đây, ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã nhận định rằng, những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, thị trường bất động sản Kiên Giang đã có những bước phát triển mạnh về sản phẩm và phân khúc thị trường. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị, khu đô thị mới, khu thương mại, dịch vụ, du lịch… được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhân dân cũng như nhu cầu lưu trú của khách du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển đô thị, bộ mặt kiến trúc cảnh quan của các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

thị trường bất động sản tại đây được phen “nháo nhào” bởi sốt đất

Mấy tháng qua, thị trường bất động sản Kiên Giang, nhất là Phú Quốc được phen “nháo nhào” bởi sốt đất.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, theo ông Phạm Vũ Hồng, thị trường bất động sản Kiên Giang đã và đang bộc lộ những bất cập về cơ chế vận hành, các chủ thể tham gia thị trường, cơ cấu sản phẩm, hệ thống giao dịch, tính minh bạch thông tin, sự kiểm soát và định hướng thị trường...

Đánh giá về tình hình giao dịch đất đai ở một số địa phương trên địa bàn thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định trong thời gian dài đã giúp cho Kiên Giang ngày càng phát triển, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Bên cạnh đó, các đô thị trên địa bàn tỉnh từng bước được chỉnh trang theo hướng hiện đại, như ở Rạch Giá, Phú Quốc đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở Phú Quốc nói riêng và cả tỉnh nói chung.

“Sự phát triển kinh tế đã góp phần làm cho thị trường quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi động, nhất là trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa được kiểm soát chặt chẽ đã làm cho thị trường quyền sử dụng đất thiếu minh bạch, gây thất thu ngân sách nhà nước”, ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, ông Lộc chỉ ra rằng, từ khi Nhà nước có sự quan tâm đầu tư mạnh vào huyện đảo Phú Quốc, các nhà đầu tư, đầu cơ với mục tiêu “đi trước đón đầu” để kiếm lời, dẫn đến hiện tượng “sốt đất ảo”, từ đó, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại Phú Quốc diễn biến phức tạp. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn, chiếm đất rừng, khuyến cáo người dân về các giao dịch đất đai bất hợp pháp. Tuy nhiên, tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng vẫn đang diễn ra, các giao dịch về quyền sử dụng đất kể cả chính thức hoặc không chính thức đều ngày một tăng cao.

Việc này khiến Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai, các tổ chức công chứng tại Phú Quốc trở nên quá tải với số lượng giao dịch về quyền sử dụng đất tăng đột biến. Năm 2017, có tới 7.690 hồ sơ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 634,14 ha. Trong khi đó, quý I/2018, đã phát sinh 4.578 hồ sơ giao dịch (tăng hơn 200% so với cùng kỳ), với diện tích 361,39ha (tăng gấp đôi). Người nhận chuyển nhượng phần lớn là người dân có hộ khẩu từ Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác. Đây là những giao dịch chính thức qua hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.

Bên cạnh đó, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức ủy quyền; mua, bán đất trái quy định pháp luật còn diễn ra như đất rừng, đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất không rõ nguồn gốc,… thông qua giấy tay, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm cho người mua, bất chấp nơi đó có phù hợp với quy hoạch hay không; giá đất phụ thuộc theo tình trạng pháp lý của mảnh đất: có ấp, xã xác nhận; có đo đạc sơ đồ vị trí; có ký giáp ranh hay chưa... Kể cả một số hộ nhận giao khoán rừng âm thầm chuyển nhượng đất dưới hình thức giao sổ nhận khoán bất hợp pháp. Từ đó, làm cho thị trường quyền sử dụng đất khó kiểm soát.

Cũng theo ông Lộc, rủi ro từ các giao dịch đất tăng cao. Nhiều giao dịch chỉ là giấy viết tay, hoặc ở những khu vực vốn là đất rừng, đất nông nghiệp, sẽ để lại hệ lụy lâu dài, phát sinh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp hơn. Giá đất tăng cao không những làm chi phí đền bù tăng lên, mà tình trạng mua bán lòng vòng, không rõ ràng sẽ khiến công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khiếu kiện phát sinh. Từ đó, việc triển khai các dự án đầu tư cũng gặp khó khăn, làm giảm sức hấp dẫn của Phú Quốc đối với các nhà đầu tư, tăng nguy cơ rủi ro. 

3 nguyên nhân chính dẫn đến sốt đất tại Phú Quốc:

Thứ nhất là thông tin giả. Với dự đoán về định hướng phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai, không ít người đưa ra thông tin giả như điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp sang thương mại dịch vụ tại một khu vực nào đó, đẩy giá đất nông nghiệp lên cao hay là thông tin mua đất Phú Quốc bán lại được ngay với giá cao hơn, tạo ra cơn sốt khan hiếm đất đai. Từ đó, cò đất lợi dụng đẩy giá lên cao tại các khu vực này.

Thứ hai, công tác thông tin, tuyên truyền, công khai quy hoạch, công bố dự án có thu hồi đất đến người dân có lúc chưa đầy đủ, kịp thời, người dân “mua đất” thiếu thông tin chính thức, tiếp nhận nhiều thông tin giả.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên; các vi phạm về đất đai chưa được xử lý nghiêm, kịp thời.

(Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang)

Cách nào ngăn chặn đầu cơ, kiểm soát thị trường?

Công khai quy hoạch rõ ràng là một trong những giải pháp cần thiết quản lý, kiểm soát giao

Công khai quy hoạch rõ ràng được cho là một trong những giải pháp cần thiết quản lý, kiểm soát tình hình giao dịch đất đai.

Từ thực tế đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho rằng, rất cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô trái pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh với 2 nhóm giải pháp chính.

Đối với nhóm giải pháp ngăn chặn đầu cơ đất đai, theo ông Lộc

Thứ nhất, công khai quy hoạch sử dụng đất (kể cả Quyết định 633, Quyết định 868 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Phú Quốc và quy hoạch các phân khu chức năng tỷ lệ 1/2.000). Tập trung công khai Quy hoạch đất phát triển nông nghiệp để người nhận chuyển nhượng nhận thấy không có cơ hội để chuyển sang đất phi nông nghiệp; công khai các khu vực đất sẽ bị thu hồi để giao cho các dự án đầu tư để không có cơ hội nhận chuyển nhượng. Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đất đai, nhất là tuyên truyền thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Phú Quốc; thông tin về các rủi ro, thiệt hại về tài sản khi mua bán đất đai trái pháp luật…

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức không được môi giới, kinh doanh đất đai, cũng như chung nhóm lợi ích với giới đầu cơ đất đai. Đối với các xã, thị trấn là đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của tỉnh, những trường hợp nào vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho việc vi phạm về quản lý đất đai, sẽ xử lý nghiêm minh.

Thứ tư, chỉ đạo thanh tra về đất đai, xây dựng, tập trung thanh tra chuyên ngành về hoạt động, phân phối, môi giới bất động sản tại Phú Quốc, các sàn giao dịch bất động sản. Nếu không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy định phát luật phải kiên quyết xử lý theo luật định.

người dân về

Người dân cần được nâng cao nhận thức về "lướt sóng", cũng như về pháp lý bất động sản để tránh rủi ro.

Thứ năm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về việc sử dụng đất không đúng mục đích bằng việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế khôi phục lại tình trạng ban đầu, đồng thời áp dụng việc thu hồi đất do vi phạm về sử dụng đất.

Để kiểm soát thị trường, ông Lộc cho rằng, trước tiên cần cấm mọi giao dịch quyền sử dụng đất không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, hướng đến mục đích ngăn ngừa tình trạng mua bán "nóng" và thổi giá đất nền, phân lô tách thửa tràn lan... dẫn đến sốt đất ảo. Tuy nhiên, các giao dịch về quyền sử dụng đất hợp pháp vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng, phải có đầy đủ các thủ tục và giấy phép quy định; nghiêm cấm mọi hiện tượng phân lô, bán nền trái quy định pháp luật. Đặc biệt là trên đất nông nghiệp và đất rừng….

Để cho huyện đảo Phú Quốc phát triển bền vững, đúng định hướng, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là tất yếu, cần thiết, vì vậy chính quyền tỉnh, huyện đang “Tạm dừng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất”; “Tạm dừng chưa cho phép tách thửa”.

Theo ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cần sớm hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; công khai minh bạch các hồ sơ, thủ tục liên quan đến loại hình quy hoạch để mọi tổ chức cá nhân được biết.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh bất động sản tại các sàn giao dịch và trung tâm môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu sửa đổi cơ chế phù hợp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tiến hành rà soát nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chính sách đất đai và thị trường bất động sản.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, tại thời điểm sốt ảo, có thể áp dụng mức thuế cao đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn. Tuy nhiên một mình tỉnh Kiên Giang không thể áp dụng sắc thuế này mà cần có quy định chung trên cả nước. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về "lướt sóng", cũng như về pháp lý bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top