Cho rằng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI của Việt Nam làm thất thoát khoảng 50.000 tỷ đồng/năm, ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế của Oxfam khuyến nghị Việt Nam nên bỏ bớt các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đây là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu để hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài nhằm thực hiện định hướng mới của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50-NQ/TW.
Chính sách FDI là bộ phận cấu thành chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước khác trong thu hút vốn đầu tư quốc tế.
Trong chính sách FDI có chính sách tài chính và khuyến khích tài chính; chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh vốn vay; chính sách cơ cấu (ngành và lĩnh vực, địa bàn đầu tư); chính sách thị trường và đối tác; chính sách lao động; chính sách đất đai; chính sách công nghệ... Ưu đãi thuế là một bộ phận của chính sách FDI, cần đặt trong mối quan hệ với định hướng và tổng thể chính sách FDI.
Chính sách ưu đãi của quốc gia mở cửa thu hút FDI khác với chính sách ưu đãi của nước thu hút FDI có giới hạn. Do đó, khi nghiên cứu chính sách ưu đãi của Việt Nam, cần lưu ý rằng, từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài ngày 29/12/1987, thì chủ trương nhất quán của Nhà nước là hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút FDI, do đó, tùy theo từng giai đoạn phát triển với định hướng mới mà chính sách ưu đãi cũng được điều chỉnh cho phù hợp.
Trong chính sách ưu đãi tài chính có chính sách thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm mức thuế ưu đãi và thời gian miễn giảm kể từ khi doanh nghiệp có lợi nhuận, khấu trừ chi phí hợp lý vào thu nhập chịu thuế, chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, khấu hao nhanh, hoàn trả thuế lợi tức đối với thu nhập tái đầu tư, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân và các chính sách ngoài thuế như hỗ trợ tài chính.
Tùy theo cách tiếp cận khác nhau, nên có các nhận định không giống nhau về chính sách ưu đãi tài chính, trong đó có chính sách ưu đãi thuế.
Con số 50.000 tỷ đồng (khoảng 1% GDP) mà ông Johan Langerock tính toán (trình bày tại Diễn đàn “Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019”, ngày 13/11) thuộc về cách tiếp cận theo hướng giả định là thu hút được một lượng vốn FDI như Việt Nam đã đạt được, thì việc giảm bớt các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI, ngân sách nhà nước thu được thêm khoảng 1% GDP/năm.
Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận như vậy không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư quốc tế, bởi để có được tốc độ tăng trưởng bình quân GDP khoảng 7%/năm trong 3 thập niên, thì cùng với khai thác tiềm năng vốn đầu tư trong nước, phải thu hút được hơn 220 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Do vậy, nếu không có môi trường đầu tư hấp dẫn với chính sách ưu đãi thỏa đáng, thì không thể có được GDP năm 2018 (theo giá hiện hành) đạt 5.535.300 tỷ đồng, gấp 2 lần GDP năm 2011 và GDP tính theo đầu người đạt 58,5 triệu đồng (tương đương 2.587 USD).
Bình Dương là một trong 14 tỉnh, thành phố đạt được kết quả nổi trội trong thu hút FDI, nên đã có cơ cấu kinh tế hiện đại, GDP tính theo đầu người năm 2018 đạt 5.680 USD, gấp đôi mức bình quân của cả nước. Do nhu cầu lao động gia tăng nhanh chóng, Bình Dương có tốc độ tăng dân số cơ học cao nhất cả nước. Năm 2000, dân số tỉnh này là 779.000 người, năm 2005 là 1.189.300 người, năm 2010 lên 1.619.900 người và năm 2018 là 2.486.531 người.
Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu các địa phương thu hút FDI, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 14,5%/năm, giá trị sản lượng của các ngành kinh tế gia tăng nhanh chóng, cơ cấu kinh tế biến đổi theo hướng công nghiệp hóa và Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp.
Bình Dương đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh với quy hoạch kiến trúc hiện đại, có nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện, khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của dân cư địa phương, du khách trong nước và quốc tế.
Bình Dương là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh (ICF), qua đó, góp phần giới thiệu hình ảnh, nâng cao vị thế của tỉnh, tạo điều kiện giao lưu, hợp tác kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư và xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới.
Sự biến đổi nhanh chóng của Bình Dương là do lãnh đạo tỉnh đã vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh hấp dẫn, thực hiện chính sách ưu đãi đúng đối tượng và dự án FDI, tạo tiền đề để tỉnh thực hiện thành công chuyển đổi sang nền kinh tế số, chính phủ điện tử theo hướng tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững.
Mặc dù không đồng tình với cách tiếp cận của ông Johan Langerock, nhưng khuyến nghị của ông đối với Việt Nam về chính sách ưu đãi đối với FDI cần được các bộ, chính quyền địa phương và ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế lưu ý. Lý do là, một số địa phương vì muốn có dự án FDI, nên đã cho nhà đầu tư hưởng mức ưu đãi vượt quá khung khổ quy định của luật pháp, thậm chí do cạnh tranh với tỉnh lân cận, nên đã không tính toán cẩn thận khi phê duyệt dự án FDI, làm giảm thu ngân sách địa phương, gây thiệt hại lợi ích quốc gia.
Có thể nêu ra 2 ví dụ điển hình về tình trạng lạm dụng chính sách ưu đãi đối với dự án FDI.
Trường hợp thứ nhất, một tỉnh Bắc Trung bộ đã thu hút được dự án quy mô lớn hàng tỷ USD, có diện tích đất liền và mặt nước 2.400 ha. Theo quy định của Luật Đất đai, nhà đầu tư phải nộp tiền thuê đất cho tỉnh để trang trải tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng do không tham vấn các chuyên gia kinh tế, nên tỉnh đã định tiền thuê đất trong 50 năm quá thấp, trái luật pháp, không đủ chi trả để di dời dân, buộc phải tạm ứng nhà đầu tư 30 triệu USD để giải phóng mặt bằng, trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp khi họ phải đóng thuế.
Trường hợp thứ hai, một tỉnh Nam Trung bộ tiếp nhận dự án lọc hóa dầu quy mô rất lớn, vốn đầu tư 22 tỷ USD, cần diện tích 4.000 - 5.000 ha. Mặc dù ngay từ đầu, một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về hiệu quả kinh tế - xã hội rất thấp của dự án này, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn thành lập Khu kinh tế, tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khá tốn kém, song dự án đầu tư này không được thực hiện. Kết quả cuối cùng là dự án khu kinh tế này được chuyển mục đích thành khu đô thị, gây lãng phí lớn.
Từ thực tiễn thu hút FDI, cần thay đổi tư duy và hành động để đề ra chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư thích hợp với từng dự án, từng địa phương và từng giai đoạn phát triển, nhằm vừa khuyến khích thu hút FDI, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương.
Ông Johan Langerock nhận xét, đây không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia như Việt Nam, mà hiện có một cuộc đua xuống đáy khốc liệt về các sắc thuế cho doanh nghiệp trong khối ASEAN.
“Các công ty trong ASEAN đã và đang trả mức thuế suất ngày càng thấp trong thập kỷ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn với cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức”, ông Johan Langerock nói.
Chuyên gia Oxfam khuyến nghị, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam nên đưa vào chương trình nghị sự của ASEAN vấn đề cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực.
Khuyến nghị của ông Johan Langerock cần được các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ để các nước thành viên ASEAN cùng giải quyết vì lợi ích quốc gia và lợi ích của cả khối.
GS.TSKH Nguyễn Mại