Aa

Nhớ hương cơm mới

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Sáu, 20/05/2022 - 06:15

Có thể, theo thời gian, rất nhiều kỷ niệm sẽ mờ nhoè trong ký ức nhiều người xa quê, nhưng hương cơm mới vẫn phảng phất đâu đây như thể ngoài kia vẫn mênh mang đồng lúa, từng cánh cò vẫn chấp chới bay...

Tháng năm đi qua, cánh đồng lúa đương thì đuôi tôm chúc xuống, hây hẩy một màu vàng tươi mở như tràn ra với nắng, với gió, với không gian mênh mông. Ngắm những hạt thóc lúc này, chẳng khác gì con mắt của mùa màng đang ngó nghiêng trời mây, đang ưu tư ngóng xuống từng rãnh bùn khô nứt nẻ, đang chăm chú soi vào lòng người thăm đồng khấp khởi mong ngóng mùa gặt đến.

Nắng như cũng đang toả hương trên đồng, khi lúa thoang thoảng hương vỗ về, sẻ chia với niềm mong đợi của người nông dân một nắng hai sương. Niềm mong đợi đó cũng lại như đang toả hương khắp ruộng đồng… Tất cả cùng hoà quyện vào nhau mà dẫn gợi về mùi hương cơm mới.

Sẽ luôn là niềm nhớ thương, ngậm ngùi về mùi hương cơm mới với bất cứ những ai đã từng sống qua những ngày giáp hạt. Ấy là những tháng ba, ngày tám đầy chật vật, gieo neo. Khi thóc trong bồ, gạo trong chum đã cạn tới đáy. Tới bữa nấu cơm, chiếc ống bơ quèn quẹt mãi xuống đáy chum cũng chỉ đổ vào rá được đôi ba nắm gạo. Bữa cơm thắc thỏm khoai độn, sắn vùi cũng không đủ cho mỗi người đôi bát cơm vơi. Những lúc như thế, những ngày như thế cứ lặng lẽ trôi đi với dằng dặc niềm mong mỏi ngày mùa.

Sẽ luôn là niềm nhớ thương, ngậm ngùi về mùi hương cơm mới với bất cứ những ai đã từng sống qua những ngày giáp hạt. (Ảnh: Lê Đình Hoàng)

Ngày mùa rồi cũng sẽ đến, theo quy luật của người trồng cây hái quả. Nhưng chính xác là đến hôm nào thì cũng phải chờ đợi. Chuỗi ngày chờ đợi ấy, cha tôi thường ra thăm đồng nhiều hơn. Sáng sớm, mặt trời chưa lên đã thấy cha cặm cụi ra đồng. Trưa nắng như đổ lửa, cha cũng thăm đồng. Chiều tắt nắng từ khi nào rồi vẫn thấy dáng cha gầy gò liêu xiêu giữa ruộng đồng tít tắp.

Những người nông dân đi thăm lúa không chỉ bởi nỗi lo toan sợ lúa đến kỳ thu hoạch còn bị chuột bọ phá hoại, mà phần nhiều là ngóng chờ từng giờ lúa chín, hoặc xem chỗ nào lúa chín sớm thì có thể gặt trước mươi ngày. Cũng có năm, lúa chín đều, cha tôi vẫn sẽ gặt trước một đám lúa để gia đình có trước vài bữa no. Quê tôi gọi tên cho câu chuyện ấy là “gặt lúa chín lỏi” hay còn gọi là “gặt vay đồng”.  Và câu nói: “Hôm nay nhà mình sẽ đi gặt vay đồng” luôn làm chúng tôi hân hoan, ngóng chờ, rạng rỡ nhất. Rạng rỡ vì mấy ngày sắp tới sẽ không phải ăn tạm củ khoai luộc hay chút cám rang để lót dạ khi tới trường. Rạng rỡ vì sắp được thưởng thức mùi hương cơm mới.

Lúa được gặt về, chỉ qua vài ba nắng, hạt thóc vừa se se, cha mẹ tôi đã xay, giã, giần, sàng… ngay để bếp nhà thơm hương cơm mới. Trong gian bếp rạ lúp xúp, khói từ rơm mới bay lên. Đến khói cũng thơm hương cơm mới. Những hạt lúa còn sót lại trong rơm nổ lép bép, trắng ngần tựa hoa bưởi. Mẹ tôi vừa đun bếp, vừa nhặt nhạnh, gọi lũ trẻ đến chia phần. Từng bàn tay lấm lem xoè ra, giữa lòng tay là từng hạt bỏng lấm tấm như hoa. Hình ảnh ấy đẹp đẽ, tinh khôi một cách khó tả.

Năm gặt lúa chín đều, hương vị bát cơm đậm đà, đầy đặn, căng tràn. (Ảnh minh họa)

Thoạt tiên, cơm mới bao giờ cũng được xới vào từng chiếc bát nhỏ, tinh tươm, kèm theo đôi, ba quả trứng gà so luộc hoặc miếng thịt con con, vuông vắn… kính cẩn dâng lên ban thờ tổ tiên, cúng thổ công. Đó không chỉ là cách bày tỏ lòng biết ơn tới cội nguồn, mà còn để tiếp nối những mạch nguồn thẳm sâu đang hiện hữu trong ánh mắt trẻ thơ ngóng đợi. Sau khi dâng cúng xong, người nhà sẽ không thụ hưởng ngay, mà nhắc trẻ nhỏ trong nhà đặt bát cơm vào chiếc làn mây, làn cói, che đậy kỹ càng, men rào thưa mang biếu hàng xóm láng giềng. Vẫn biết, nhà nào cũng nấu và dâng cúng cơm mới, nhưng ở từng chòm xóm nhỏ, cơm nhà này sẽ được biếu nhà kia. Để khắc cốt ghi tâm tình nghĩa xóm giềng, hạt gạo chia đôi, bát cơm sẻ nửa. Có lẽ, chính bởi thế mà ăn lưng cơm mới được biếu bởi hàng xóm ai nấy đều thấy ấm lòng.

Trong ký ức của tôi, mùi hương cơm mới không mùa vụ nào giống nhau. Năm nào gặt lúa chín “lỏi”, hoặc gặt lúa non, hương cơm thơm mùi cốm, hạt cơm cũng mỏng mảnh, non mềm, dẻo thơm man mát. Năm gặt lúa chín đều, hương vị bát cơm đậm đà, đầy đặn, căng tràn. Nhưng thực ra, hương vị đậm nhạt ra sao đôi khi cũng được khoả lấp bởi niềm háo hức của những đứa trẻ thèm cơm thời đói khổ. Chỉ một vài lưng cơm không phải độn sắn, khoai đã đủ xoa dịu lòng dạ đang cồn cào, thấp thỏm.

Đã lâu rồi tôi không được ngắm những bước chân trần của trẻ thơ chạy khắp từ con đường phơi rơm này đến khoảnh sân hong thóc nọ. (Ảnh minh họa)

“Nhà bác hôm nào nấu cơm mới?”; “Vẫn đợi lúa chín đều à?”; “Mùa màng năm nay tươm quá!”; “Ráng đằng Đông thế kia có khi sắp bão to, gặt nhanh nhanh các bác ơi!”… Vào những buổi sớm mai, khi trời còn chưa sang, mùa vụ chưa tới, đã í ới bao lời thăm hỏi, giục giã vang khắp các khoảnh sân, con ngõ tới tận bờ ruộng này, gò bãi kia. Mùa vụ đến không phải đúng khi lúa chín được gặt hái, phơi khô và chất đầy bồ. Mà mùa vụ bắt đầu từ bao niềm khấp khởi và giục giã như thế. Ngay đến những đứa trẻ cũng bớt ham chơi, bắt đầu vẩn vơ, nhen nhóm những ý nghĩ về mùa vụ, và luôn muốn gom góp những ngày công bé nhỏ vào niềm vui lớn đó. Sẽ có đứa trẻ ở nhà trông em cho bố mẹ ra đồng gặt hái. Đứa nào may mắn sẽ  được tung tẩy theo người lớn ra đồng. Ruộng đồng quanh năm ngày tháng vẫn mãi thế thôi, nhưng đó vẫn luôn là thế giới đầy kỳ thú với trẻ thơ. Đứa bắt được lưng lưng giỏ cua. Đứa tìm cào cào, muồm muỗm. Đứa reo hò ầm ĩ khi tìm thấy tổ chim chiền chiện xinh xắn làm bằng sợi cỏ và lá lúa hanh vàng. Ngày mùa chính là ngày hội, không chỉ riêng người lớn, mà với cả trẻ con. Từng bước chân nhuốm bùn, từng bộ áo quần vướng vào rơm rạ, từng gương mặt lem nhem tíu tít nói cười… Rồi đây, sau bữa cơm mới, mùa vụ chính thức bắt đầu, mỗi đứa trẻ sẽ được giao từng nhiệm vụ riêng. Đứa phơi rơm, đứa phơi thóc, đứa thổi cơm, đứa mang cơm ra đồng cho người lớn… Ai ai cũng vui, dẫu mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Ai ai cũng cười, dẫu gương mặt sạm nắng hằn in bao vất vả, lo toan…

Bây giờ, nỗi đói khổ chỉ còn trong ngăn ký ức xa xăm, vậy mà cứ đến mùa lúa chín, gia đình tôi vẫn nấu cơm mới dâng cúng tổ tiên như thuở cơ hàn. Nhưng đã lâu rồi, tôi không được ngắm nghía những nụ cười hồn hậu khi lưng áo đẫm ướt mồ hôi, những bước chân trần của trẻ thơ chạy khắp từ con đường phơi rơm này đến khoảnh sân hong thóc nọ. Rồi thì cảnh hò nhau chạy thóc lúc mây đen ùn ùn kéo đến nhanh như chớp mắt. Cảnh men rào mang lưng cơm biếu nhà nọ, nhà kia. Mẹ tôi bảo, giờ mọi nhà không còn biếu nhau nữa, nên niềm khấp khởi cơm mới cũng vơi dần sự gắn bó, ngóng trông hồn hậu mà thiêng liêng.

Có thể, theo thời gian, rất nhiều kỷ niệm sẽ mờ nhoè trong ký ức nhiều người xa quê, nhưng hương cơm mới vẫn phảng phất đâu đây như thể ngoài kia vẫn mênh mang đồng lúa, từng cánh cò vẫn chấp chới bay, những tiếng í ới gọi nhau đi gặt lúa chín “lỏi” thắp lên trong lòng dạ con người bao sự hứng khởi, hồn nhiên, chân chất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top