Phiên 14/1/2025, cổ phiếu Novaland (NVL) tiếp tục giảm 4,3%, đóng cửa tại mức đáy lịch sử 8.950 đồng/cp, thấp hơn 48% giá trị sổ sách. Thanh khoản tăng mạnh với 58,5% trong tổng số 16,3 triệu cổ phiếu được bán ra chủ động, áp đảo hoàn toàn lực cầu. Đáng chú ý, lệnh bán gần 1,4 triệu đơn vị trong phiên ATC đã kéo mã này về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2016.
Từ đầu năm 2025, cổ phiếu NVL đã giảm 12,6%, gấp 3 lần biên độ giảm của VN-Index, và thuộc nhóm giảm mạnh nhất đối với các doanh nghiệp vốn điều lệ lớn gần 20.000 tỷ đồng. Chuỗi giảm điểm kéo dài gần đây không chỉ gia tăng áp lực lên tâm lý nhà đầu tư mà còn khiến nguy cơ cổ phiếu tiếp tục bị bán giải chấp hiện hữu, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.
Nhóm cổ đông lớn nguy cơ mất quyền kiểm soát Novaland...
Cuối quý III/2024, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn nắm giữ 38,7% vốn, tương đương 753,8 triệu cổ phiếu NVL. Tại mức giá hiện tại, giá trị cổ phần của nhóm này còn khoảng 6.700 tỷ đồng, giảm gần 81.600 tỷ đồng (3,3 tỷ USD) so với thời điểm tháng 6/2022 khi giá cổ phiếu đạt 74.500 đồng/cp.
Theo Luật doanh nghiệp, quyền phủ quyết trong công ty cổ phần gắn liền với tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Cụ thể, các quyết định quan trọng của ĐHCĐ cần được thông qua với ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp, áp dụng cho các vấn đề như thay đổi ngành nghề kinh doanh, tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phần mới, sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể doanh nghiệp. Nếu điều lệ công ty quy định khác, tỷ lệ này không được thấp hơn 51%.
Việc liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu khiến tỷ lệ sở hữu của nhóm ông Nhơn tiệm cận “lằn ranh” đỏ 35%. Nếu giảm xuống dưới mức này, không chỉ quyền phủ quyết mà cả quyền kiểm soát của nhóm cổ đông lớn cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
... Từ áp lực bán giải chấp cổ phần
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, Novaland đang gánh khoản nợ gần 60.000 tỷ đồng. Một phần lớn cổ phiếu NVL của nhóm cổ đông liên quan đã được sử dụng làm tài sản thế chấp. Với giá cổ phiếu giảm mạnh, các tổ chức tài chính có thể sẽ tiếp tục bán giải chấp nếu Novaland không bổ sung tài sản đảm bảo hoặc giảm dư nợ vay.
Hệ quả là giá cổ phiếu NVL có nguy cơ giảm sâu hơn nữa, gây khó khăn lớn cho việc huy động vốn và duy trì hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, các dự án bất động sản của Novaland cũng đối mặt với tình trạng đình trệ, làm tăng áp lực lên dòng tiền và khả năng tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp.
Việc Novaland duy trì quyền kiểm soát nội bộ và tái cơ cấu tài chính sẽ quyết định khả năng vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện tại. Với áp lực giải chấp tiếp tục gia tăng và giá cổ phiếu suy giảm, tương lai của Tập đoàn đang ngày càng trở nên bất định hơn.