Theo các chuyên gia, giai đoạn lãi suất tăng luôn là điều lo ngại với các doanh nghiệp khi chi phí sẽ bị độn lên. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận được với nguồn vốn. Báo cáo tài chính năm 2022 được các doanh nghiệp công bố cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận chung đã bị sụt giảm hơn một nửa so với năm trước đó, đặc biệt giảm mạnh ở quý III và IV khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và sau đó tác động đến Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận vẫn có những đơn vị duy trì được đà tăng trưởng tích cực, đơn cử như nhóm công nghệ, tiện ích, đặc biệt là nhóm ngân hàng và dầu khí có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt trên 30% và 50%. Tại chương trình Talkshow Phố tài chính, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá, các doanh nghiệp đầu ngành (vốn hóa lớn) có nền tảng tài chính vững mạnh hơn nên khả năng chống đỡ của các doanh nghiệp này trong giai đoạn bùng dịch cũng tốt hơn. Khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp đầu ngành thường quay trở lại và bật mạnh hơn. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng từ 4 - 4,5% so với đầu năm 2022 nên các doanh nghiệp nhỏ sẽ rất khó khăn để duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
Đồng quan điểm với ông Hiển, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho biết, những doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ có sức chịu đựng cũng như có cơ hội tốt hơn trong giai đoạn lãi suất tăng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, những doanh nghiệp phải làm thủ tục giải thể hay tạm ngưng hoạt động tăng hơn so với năm trước đó và tập trung nhiều ở các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ.
Đánh giá về các nhóm ngành có thể tăng trưởng trong năm 2023, ông Hiển cho biết, nhóm ngân hàng sẽ có nhiều khó khăn hơn do lãi suất huy động đã tăng lên, trong khi tăng trưởng tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, nhóm ngành này vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhóm dầu khí có thể vẫn giữ được sự tăng trưởng trong năm 2023 do trong giai đoạn trước dịch, giá dầu vẫn đang ở mức khá cao, trên thế giới vẫn có khá nhiều yếu tố bất định.
Ông Khánh đánh giá các nhóm ngành sẽ có tăng trưởng về trung và dài hạn tốt hơn tăng trưởng của nền kinh tế là công nghệ, trong môi trường lãi suất cao, người dân sẽ tìm cách cắt giảm các chi phí không cần thiết nhưng riêng mảng ứng dụng công nghệ lại cần phải gia tăng nhiều hơn. Tiếp theo là nhóm năng lượng, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu và nhóm xuất nhập khẩu.
Nhận định về diễn biến thị trường năm 2023, ông Hiển cho biết, kinh tế vĩ mô sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa dừng lại, thứ hai là lạm phát ở nhiều quốc gia có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Cùng với đó, lãi suất hầu hết vẫn đang duy trì ở mặt bằng cao, trong khi sức mua của người tiêu dùng giảm. Chính những điều này tác động đến hoạt động kinh tế của Việt Nam từ quý IV/2022 và tiếp tục được cho là sẽ ảnh hưởng trong năm 2023.
Ông Hiển đánh giá thị trường năm 2023 sẽ đi vào xu hướng tích lũy và cơ hội đầu tư ngắn hạn sẽ khó khăn hơn còn cơ hội đầu tư trung và dài hạn sẽ nhiều hơn. Một số các doanh nghiệp dệt may cho thấy sự tích cực về các đơn hàng. Ngành thủy sản cũng như một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được hỗ trợ bởi việc thị trường này mở cửa.
Một số thống kê cho thấy, thị trường chứng khoán sẽ tích cực trong năm 2023 nhưng quan điểm của ông Khánh cho rằng, điều này sẽ xảy ra vào nửa cuối năm. Một thống kê khác cho biết chỉ số S&P 500 nếu có 5 phiên đầu tiên có mức tăng sau một năm tồi tệ trước đó thì có xác xuất 83% thị trường chứng khoán năm tiếp theo sẽ tăng điểm và mức tăng trung bình rơi vào khoảng 14%. Ông Khánh vẫn kỳ vọng năm 2023 thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tích cực, tuy nhiên mức tăng trưởng có thể nằm trong vòng 10 - 20%.
Ông Khánh khuyên nhà đầu tư trong năm 2023 hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Đối với nhà đầu tư thiên về trung và dài hạn có thể chia số tiền để mua trung bình chi phí từ nay cho đến hết năm 2023./.