Sau xử phạt là cấp phép
Sau một thời gian ngắn bị đình chỉ thi công và xử phạt hành chính 50 triệu đồng do tiến hành thi công không phép, mới đây, theo khảo sát của phóng viên, dự án Mai Trang Tower ở số 16 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) đã được tái khởi động.
Ông Chu Văn Đức - Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết, dự án này đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư mới của dự án là Tập đoàn Sunshine Group, dự án được thiết kế 30 tầng (không bao gồm 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng sân vườn, 1 tầng tum thang) + 4 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi là 76.250m2, xây dựng trên diện tích 4.600m2. Dự án được đổi tên thành Sunshine Center, dự kiến chủ đầu tư sẽ bàn giao vào quý III/2018.
Cùng trên dải đất này, dự án ở 18A đường Phạm Hùng (phường Mỹ Đình 2) tiến hành xây dựng xong phần móng mà không có giấy phép xây dựng, thay vì xử phạt nghiêm thì tháng 12/2015, UBND quận Nam Từ Liêm lại ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư là 50 triệu đồng và “mở lối”: chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật sau 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Bi hài thay, đến tháng 3/2016, chủ đầu tư vẫn không xuất trình được giấy phép. Trước động thái xem thường pháp luật của chủ đầu tư, UBND quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định “cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, trong đó nêu rõ là phá dỡ công trình (phần móng đã xây xong) vi phạm trật tự xây dựng không có giấy phép. Thế nhưng, đến nay chủ đầu tư vẫn bỏ ngoài tai hàng loạt quyết định của các cấp chính quyền TP. Hà Nôi, dự án vẫn đang "thi gan" thách thức dư luận.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, PV đã tìm đến Đội thanh tra xây dựng Nam Từ Liêm, tuy nhiên câu trả lời nhận được là, dự án đang đợi xin giấy phép.
Khác với 2 dự án trên, các cư dân đầu tư mua căn hộ tại dự án Golden West ở đường Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) thời gian gần đây rất bức xúc khi phát hiện chủ đầu tư dự án này (Công ty CP Phát triển Thương mại Việt Nam - Vietradico) đã tự ý bịt các ô thoáng thành các căn hộ để bán, làm tăng diện tích sàn xây dựng 3.875m2.
Trước thông tin này, các cơ quan chức năng tại Hà Nội vào cuộc xác minh, UBND phường Nhân Chính sau đó đã ban hành quyết định đình chỉ thi công dự án, UBND quận Thanh Xuân cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư số tiền 80 triệu đồng.
Điều khiến dư luận bức xúc là, thay vì kiên quyết xử lý các sai phạm, tại văn bản số 3166/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội lại “bật đèn xanh” cho sai phạm bằng cách giao Sở Quy hoạch – kiến trúc xem xét các chỉ tiêu quy hoạch, nếu phù hợp thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Ng. (trú quận Ba Đình) – một khách mua nhà tại dự án cho biết, việc làm này của chủ đầu tư khiến mật độ dân số trong khu nhà này tăng cao, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách mua nhà.
“Nếu những sai phạm của chủ đầu tư được hợp thức hóa thì các dự án sau chủ đầu tư sẽ tiếp tục vi phạm vì tiền bị xử phát quá ít trong khi tiền thu về từ sai phạm quá nhiều. Thay vì chấp nhận hợp thức hóa những sai phạm này, các cơ quan quản lý nên xử lý thật nghiêm sai phạm để làm gương”, ông Ng bày tỏ.
Phạt cho tồn tại là "tiếp tay" cho "nhờn" luật?
Trước việc các công trình vi phạm trật tự xây dựng đang xảy ra ngày một nghiêm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân là do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Thay vì xử lý thật nghiêm những sai phạm như buộc phải tháo dỡ, cắt bỏ sai phạm, nhiều dự án lại được xử lý theo hướng "phạt cho tồn tại" khiến vi phạm trật tự xây dựng ngày càng tăng. Đồng thời việc xử lý các sai phạm “khủng” diễn ra khá chậm trễ.
Điển hình như hàng loạt các công trình sai phạm tại dự án Điền Viên Thôn (Ba Vì), sau khi bị phát hiện sai phạm, chủ đầu tư đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng cho nộp phạt để tồn tại phần sai phép.
Hay như sai phạm “khủng” tại dự án 8B Lê Trực, chủ đầu tư cũng có đơn xin Thủ tướng Chính phủ và chính quyền Hà Nội nộp phạt hành chính để tồn tại. Dù không được chấp nhận nhưng việc xử lý sai phạm của tòa nhà ngay giữa Thủ đô này lại quá chậm chạp khiến dư luật đặt ra hoài nghi chủ đầu tư đang "câu giờ".
“Nếu cứ cho nộp phạt để tồn tại thì tội gì không vi phạm, xây thêm tầng để nộp phạt. Nguồn lợi thu được từ vi phạm chắc chắn sẽ rất lớn, nếu không kiên quyết xử lý hoặc có các biện pháp phù hợp sẽ tạo cơ hội cho chủ đầu tư "nhờn" luật”, ông Dương Văn Tám (trú phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bày tỏ.
Theo GS Đặng Hùng Võ, công trình sai phạm là phải phá dỡ, ít nhất là phá dỡ phần sai phạm, chủ đầu tư gây ra sai phạm, xem thường pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Cũng theo GS Võ, phạt cho tồn tại đang tạo điều kiện cho vi phạm trật tự xây dựng ngày càng phát triển, đây là hành vi coi thường pháp luật và điều đó sẽ dẫn đến tình trạng "nhờn" luật.
Đồng quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, đã sai phạm là phải xử lý nghiêm. Cũng theo TS Liêm, nếu sai phạm mà xử phạt vi phạm hành chính rồi cho tồn tại thì sẽ không đủ sức răn đe, chủ đầu tư sẽ vì thế mà tiếp tục cố tình vi phạm để nộp phạt, lợi ích sẽ vào tay một nhóm người.
“Chính việc nộp phạt để cho tồn tại sẽ tạo cơ hội cho các chủ đầu tư nhờn luật, mức nộp phát phạt cũng chưa đủ sức để răn đe”, TS Liêm khẳng định.
(Còn tiếp)