Aa

NHTM vốn Nhà nước phải dành tối thiểu 40% lợi nhuận năm 2020 để hạ lãi suất

Thứ Ba, 14/04/2020 - 18:00

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu 40% để thực hiện hạ lãi suất. Chẳng hạn, Vietcombank phải đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp được truyền hình VTV ghi lại, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Lợi nhuận của tất cả những ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu 40%".

Lấy ví dụ, Phó Thống đốc cho biết năm ngoái, lợi nhuận của Vietcombank là khoảng 22.000 tỷ thì năm nay tối thiểu phải giảm 30 - 40%, nghĩa là phải đóng góp ít nhất 8.000 tỷ để hạ lãi suất.

Ghi nhận cho thấy khác với mọi năm, năm nay, báo cáo thường niên của rất nhiều ngân hàng không đề ra kế hoạch lợi nhuận năm, thậm chí có trường hợp không đề cập đến bất kỳ số liệu cụ thể nào liên quan đến kế hoạch kinh doanh. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái kinh tế diễn biến phức tạp, khó có thể lường trước được ảnh hưởng cụ thể.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, giảm phí... hỗ trợ khách hàng, một số ngân hàng cũng đã đề ra các biện pháp ứng phó khác như gia tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm trong tổng dư nợ, cắt giảm chi phí không thiết yếu, giảm lương, thưởng nhân viên...

Trong một chỉ thị liên quan đến vấn đề Covid-19, Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn thời Covid-19.

Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Đối với kịch bản dịch được kiểm soát trong quý II, Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng yếu kém.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng từ 900 nghìn tỷ cho đến 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương tăng trưởng tín dụng từ 11% đến 14%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top