Trong báo cáo mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu đối với vàng của người tiêu dùng Việt Nam đạt 3 tấn trong quý III/2021, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu tiêu dùng vàng được dự tính dựa trên các yếu tố bao gồm khối lượng đồ trang sức bằng vàng mà người tiêu dùng trong nước đã mua - ghi nhận đạt 1 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, 2 tấn vàng miếng và tiền xu - một loại sản phẩm vàng vật chất được các nhà đầu tư cá nhân mua vào giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết: "Nhu cầu đối với vàng của người tiêu dùng Việt Nam giảm một nửa trong quý 3 năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do việc giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, khiến nhu cầu mua bán trang sức, vàng miếng và tiền xu bị ảnh hưởng đáng kể. Nhìn chung, nhu cầu vàng của người tiêu dùng trên toàn ASEAN đang bắt đầu tăng lên do việc nới lỏng các hạn chế trên nhiều thị trường được thực hiện. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn chưa thể quay trở lại như trước đại dịch. Chúng tôi kỳ vọng những xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý cuối của năm, khi vàng được xem là vật bảo vệ của cải và là tài sản trú ẩn an toàn."
Theo báo cáo Xu hướng Nhu cầu vàng mới nhất của WGC trên toàn thế giới, nhu cầu đối với vàng đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 13% so với quý trước xuống còn 831 tấn, chủ yếu là do lượng bán ra của các quỹ hoán đổi danh mục vàng (các ETF vàng).
Lượng bán vàng ròng ETF khá nhỏ (27 tấn), song khi so sánh với lượng mua tăng vọt do đại dịch một năm trước đó, điều này đủ khiến nhu cầu vàng nói chung giảm so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù nhu cầu tăng lên ở tất cả các lĩnh vực khác.
Lượng mua vàng trang sức của người tiêu dùng tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái lên 443 tấn. Trong khi đó, vàng miếng và tiền xu - một loại sản phẩm vàng vật chất được các nhà đầu tư cá nhân mua vào mạnh - tăng quý thứ năm liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái với 262 tấn được mua trong quý III. Vàng được sử dụng trong lĩnh vực công nghệ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn các ngân hàng trung ương bổ sung 69 tấn vàng vào kho dự trữ.
Giá vàng đạt mức trung bình 1.790 USD/ounce trong quý này - giảm xuống từ mức cao nhất của quý III năm 2020, song cao hơn các mức trung bình của 3 năm, 5 năm và 10 năm.
Bà Louise Street, Chuyên gia Phân tích Thị trường Cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết: "Lượng bán ra tương đối khiêm tốn từ các quỹ ETF vàng đã có tác động không đồng đều đến các số liệu của năm nay, tác động tiêu cực hơn ở gần như mọi nơi mọi mặt.
"Lượng vàng bán ra này chính là một phần của bức tranh rộng lớn hơn. Cách đây một năm, các nhà đầu tư đổ xô vào mua vàng, tìm kiếm tài sản trú ẩn trước đại dịch. Và các ETF vàng đặc biệt được hưởng lợi nhờ luồng dịch chuyển này khi gia tăng thêm hơn 1.000 tấn trong ba quý đầu năm 2020. Vì vậy, trong khi các nhà đầu tư ETF tiếp tục bán trong năm nay, thì lượng vàng bán ra vẫn ở mức khiêm tốn".
Đã có những tín hiệu tích cực trong những lĩnh vực còn lại của thị trường vàng - nhất là nhu cầu đối với vàng được sử dụng trong ngành trang sức và công nghệ tăng mạnh. Bà Louise Street cho rằng, đây là điều đáng mừng bởi ít nhất nó là một phần kết quả của sự phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung. Tương tự, các ngân hàng trung ương vẫn là người mua ròng và đầu tư vào vàng miếng và tiền xu, và có xu hướng gia tăng.
"Về tương lai, chúng tôi dự kiến bức tranh tổng thể về nhu cầu vàng sẽ không có nhiều thay đổi rõ rệt: Nhu cầu người tiêu dùng tăng cao và ngân hàng trung ương sẽ giảm thiểu thiệt hại từ các ETF. Nhu cầu trang sức sẽ tiếp tục vượt các mức của năm ngoái, song nhu cầu đầu tư nói chung sẽ giảm hơn trong năm 2021 mặc dù nhu cầu đối với vàng miếng và tiền xu vẫn cao", Chuyên gia của Hội đồng Vàng Thế giới cho hay.