Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, theo tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2020 tăng mạnh, khoảng 82% so với quý trước. Nguồn cung nhà ở của nhiều địa phương trên cả nước có xu hướng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.
Về giao dịch, trong quý III/2020, có tới 36.884 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng thành công.
Những chỉ số trên cho thấy, thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục trở lại. “Nhìn chung, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn và có những tín hiệu lạc quan, tích cực. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, những tín hiệu phục hồi này là tiền đề cho một chu kỳ phát triển mới đầy bứt phá của thị trường bất động sản 2021. Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số nói trên, thị trường vẫn cần những bệ đỡ đắc lực để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy sự tăng trưởng.
Kỳ vọng hút dòng tiền nhờ bệ đỡ pháp lý
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, pháp lý là một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh ảm đạm trong thời gian qua. Tình hình phê duyệt các dự án của các địa phương đều chậm lại. Số lượng dự án được phê duyệt, dự án được phép đưa vào kinh doanh rất ít. Do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là tình trạng chồng chéo trong pháp lý liên quan đến các bộ luật. Thứ hai là cơ quan phê duyệt dự án đang thận trọng trong phê duyệt. Điều này dẫn đến nguồn cung cho thị trường bất động sản giảm sút.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết, ngay trong quý IV/2020, Chính phủ đã có những quan tâm tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
“Cụ thể là Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực vào 1/1/2021 đã phần lớn tháo gỡ được pháp lý cho thị trường bất động sản. Hy vọng với những chính sách này sẽ tháo gỡ những nút thắt cho thị trường bất động sản, đem tới cho thị trường nhiều cơ hội phát triển mới”, ông Hà nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, pháp lý là một lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản 2021.
“Năm 2021, khi bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ được hoàn thiện, các vướng mắc về chính sách pháp luật kìm hãm sự phát triển của một vài sản phẩm, một vài phân khúc trên thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn.
Từ đó, giúp khơi thông dòng chảy thị trường, các hoạt động kinh doanh, phát triển dự án cũng vì thế mà khởi sắc hơn. Hơn nữa, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước”, vị chuyên gia khẳng định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng nhìn nhận, việc Chính phủ hiện đang gấp rút khắc phục các điểm nghẽn để khai thông, đẩy mạnh pháp lý tốt hơn sẽ góp phần cải thiện nguồn cung trong thời gian tới.
“So với khủng hoảng tài chính thì dịch bệnh và pháp lý dễ được kiểm soát hơn. Thị trường hiện như chiếc lò xo bị nén, nếu có thể bật lên sẽ rất mạnh mẽ.
Dịch bệnh được kiểm soát và nguồn cung tăng lên cho thấy năm 2021 sẽ có nhiều tín hiệu tốt hơn năm 2020. Theo dự đoán của tôi, 2021 không phải là năm quá bùng nổ về bất động sản nhưng ít nhất lượng giao dịch sẽ tăng lên. Lượng cung - cầu tăng lên”, ông Phúc cho hay.
Động lực mới từ các doanh nghiệp lớn
Theo các chuyên gia, bên cạnh bệ đỡ pháp lý, việc các doanh nghiệp đã được tôi luyện qua cuộc sàng lọc Covid-19 với những bước đi vững chãi hơn, sự đầu tư bài bản hơn cũng là một động lực mới giúp thị trường bất động sản 2021 chuyển mình đón những vận hội mới.
“Trước hết, quỹ đất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư còn rất dồi dào. Quan sát kỹ có thể thấy, những doanh nghiệp "trụ" được trong giai đoạn hiện nay đều là những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khổng lồ, như Vingroup, Văn Phú - Invest, Novaland, CEO Group… Bên cạnh đó, các đô thị mới còn rất nhiều dư địa phát triển, như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, hay Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và nhiều nhà phát triển cũng đã và đang hướng đến để khai thác tiềm năng của các khu vực này như Capital House, FLC,...”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh nhận định.
Theo vị chuyên gia, năm 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 - 2 năm tới.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, khách hàng hiện nay đã trở nên khó tính hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, họ không chỉ cần một nơi để ở. Đó phải là các sản phẩm xanh - thông minh, mang tính trải nghiệm và khám phá, thư giãn nhiều hơn là việc chỉ để ở.
Muốn vậy, doanh nghiệp trước hết cần tăng cường khâu nghiên cứu và phân tích thị trường, và cách tốt nhất là sử dụng đội ngũ tư vấn có chuyên môn sâu, am hiểu và có khả năng dự báo thị trường tốt.
“Mặt khác, cần nghiên cứu cơ chế liên kết để cùng phát triển, thay vì cạnh tranh không lành mạnh hoặc làm ăn chộp giật, làm mất hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn những vùng đất mới, còn nhiều tiềm năng và dư địa để đầu tư”, vị chuyên gia nói thêm.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, sự trầm lắng của thị trường trong thời gian qua đã dần loại bỏ những nhà đầu tư chộp giật, ngắn hạn, đầu tư lướt sóng, hướng đến sự đầu tư dài hạn, bền vững. Các dự án muốn bán được hàng đòi hỏi phải là những dự án đồng bộ, đa dạng, đầy đủ tiện ích.
Trong quý III/2020, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của Covid-19 đợt 2 và tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý II/2020. Đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.
Mặt khác, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là những lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
(Bộ Xây dựng)