Cái tháng Bảy ngâu dầm có lúc lê thê, ảm đạm, lại có khi thấp thoáng bừng tươi nắng lóa, lòng người dễ chùng xuống nôn nao ngùi ngậm những chuyện xửa xưa. Người ta dễ nhớ quê, nhớ nhà, nhớ những gương mặt đã xa khuất về bên kia bóng làng, bóng núi. Hương khói đâu đây, “Lễ lạt quá lòng ta thành oản chuối/ Gõ phím nào cũng hương khói vờn quanh” (Nguyễn Khắc Phục). Mùi quả chín, mùi hoa thơm, mùi của những món cúng truyền thống, mùi vàng mã đốt lên len lỏi đâu đó trong không khí, và hình ảnh những cánh chim táo tác bay tìm nơi nương náu. Những cánh chim vừa được phóng sinh ra khỏi chiếc lồng chật hẹp, chấp chới bay lên mà lòng còn đầy chật nỗi hốt hoảng, sợ hãi của một sinh mệnh mỏng manh.
Tôi luôn tự hỏi, chúng ta có cần thiết làm cái việc vô lối là bắt nhốt chim vào rồi lại "làm phép nhân đạo" mà thả chúng đi hay không? Lại nhớ nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ, ngay trước Rằm tháng Bảy có đăng trên trang cá nhân bài thơ “Phóng sinh” có mấy câu thế này mà đau xót: “Những giấc mơ bị nhốt vào lồng/ Những tự do bị nhốt vào lồng/ Những hồn nhiên sập bẫy/ Khi ấy/ Kích hoạt những lương tâm máy/ Những hiếu sinh mơ hồ/ Những từ bi mở cửa…”
Thế nhưng, những ngày tháng Bảy vừa qua, vẫn ngập tràn những lồng chim bày bán nơi cuối đường, góc chợ. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh lễ phóng sinh như để khoe với thiên hạ về lòng hiếu sinh hiếu đạo của mình. Lại cũng có người chụp những lồng chim chồng lên nhau chờ được phóng sinh với thái độ phê phán. Nhiều con chim đã chết vì bị con khác giẫm đạp trong không gian chật hẹp, trước khi chúng được hưởng cái cơ hội cuối cùng mà con người tưởng mình đầy hiểu biết, hiếu đạo mà hào phóng ban ra.
Nhớ năm nào gần đây, có những bài báo đưa tin đâu đó ở một số ngôi chùa làm lễ phóng sinh cả tấn cá xuống sông với nghi thức long trọng, rình rang, thu hút đến mấy trăm con người vừa trong cuộc vừa tò mò đến xem, làm náo động cả một khúc sông trên vùng quê yên ả. Một nghi lễ như vậy thử hỏi đã ngốn mất bao nhiêu công của. Rồi có khi, cá được thả ở khúc sông này thì ngay khúc sông kia lại có người chờ vớt lên để bán lại, mà không hiểu sao người ta cứ mãi kéo dài cái vòng luẩn quẩn của tham lam và vô minh ấy.
Hẳn người ta nghĩ, mua chim cá cua ốc về phóng sinh chúng đi là để được phước, vậy tội thì ai sẽ gánh? Mấy người bắt chim cá về bán phải gánh tội chăng? Ước sao, chẳng có người làm cái việc phóng sinh như những “lương tâm máy” ấy nữa thì sẽ không “kích hoạt” lòng tham của những kẻ thấy lời bắt nhốt chim mang bán...
Tôi giật mình một buổi non trưa ngày mười ba tháng Bảy, trời vừa hửng lên một lúc sau trận mưa kéo dài suốt từ đêm hôm trước. Bỗng đâu thấy một đàn chim sẻ vài ba chục con chấp chới bay lên tận tầng 32 - 33 tòa nhà trước mặt. Nhà tôi cũng ở tầng 33, khoảng cách giữa hai tòa rất gần nên tôi có thể nhìn thật rõ đàn chim đang tung cánh đấy mà có vẻ gì như hoảng loạn. Chúng tìm cách đậu vào lô gia tòa nhà bên kia, nhưng như thể thấy điều gì không ổn, chúng chấp chới bay sang lô gia nhà tôi. Cái lô gia lưa thưa mấy cây xanh, ở tầng cao thường khô khan nắng gió, nào đâu có được tươi tốt. Đàn chim vẻ như lại cảm thấy bất ổn, nhào qua chao lại vài vòng, chấp chới sà thấp xuống, rồi như hạ quyết tâm một lần cho rốt ráo, thẳng cánh bay đi.
Tôi nhìn theo đàn chim bay khuất khỏi hông nhà trước mặt, những cánh nâu phấp phỏng như mang theo dấu hỏi chưa có lời đáp về một nơi chốn an lành. Liệu rồi đàn chim có tìm được nơi nào mà đáp xuống không? Tôi bỗng lạnh người nghĩ đến câu “chim sa cá nhảy”, thường để ám chỉ về sự rủi ro sắp xảy đến. Bây giờ đang trong cái tháng ngâu dầm u ám mà người ta kiêng khem sợ sệt với đủ thứ quan niệm xưa cũ dẫu chẳng được kiểm chứng nhưng lại là kinh nghiệm. Mà phàm những gì đã được đúc kết thành kinh nghiệm dân gian qua nhiều đời thì đôi khi cũng có chuyện gì đó xảy ra, dẫu chẳng biết chỉ là trùng lặp ngẫu nhiên hay một sự ứng nghiệm.
Tại sao đàn chim ấy lại chao liệng trước cửa lô gia nhà tôi ngày hôm ấy mười ba? Hàng ngày, tôi vẫn gặp từng đàn chim sẻ và lác đác mấy con vành khuyên, chim sâu nhảy nhót trong các lùm cây thảm cỏ dưới vườn khu nhà tôi ở. Dẫu là một khu đô thị đông đúc vào bậc nhất Hà Nội nhưng may mắn có vườn, có cây, nên chim vẫn ríu rít. Thỉnh thoảng, tôi hay mang theo túi gạo nhỏ, mẹ con tôi đi tập thể dục thì tiện thể vãi gạo ra vườn mời chim ăn. Một số người, nhà phong tục cúng gạo và muối ngày tuần rằm, cúng xong họ đem rắc xuống vườn. Bầy chim có lẽ tưởng con người vãi gạo như thế để nuôi chúng, nên mỗi ngày lại thấy chúng ríu rít dạn dĩ, vui chân, không ngại tiếng ồn ĩ của còi xe, tiếng nô đùa con trẻ, thậm chí, nếu mình huýt sáo, chúng còn dỏng tai lên nghe ngóng.
Nhưng việc chúng bay lên tận tầng 33 - 34 đến cả đàn thì sự lạ. Điều gì đã xảy ra với lũ chim và liệu có điều gì xảy đến với tôi khi tôi là người nhìn thấy chúng vào ngày mười ba tháng Bảy? Đã thế, ngày hôm sau lại xảy ra một sự lạ nữa. Khi tôi đang làm việc ở ngoài thì con tôi gọi điện hốt hoảng báo rằng có hai con chim bay vào nhà mình. Tôi cũng hoảng, nhưng vì chỉ hai đứa trẻ đang ở nhà với nhau nên tôi cố giữ bình tĩnh. Tôi bảo con mô tả về hai chú chim. Con nói, nó màu cốm xanh, nhỏ thôi, lông không mượt lắm, trông có vẻ hơi yếu. Tôi bảo con, có lẽ nó đói nên đến nhà mình xin ăn, con lấy gạo rắc ra nhà cho nó ăn thử. Con tôi rắc gạo. Lạ thay hai chú chim không hề sợ. Nhìn hình ảnh con tôi quay lại trong clip, thì hai chú chim có vẻ đói và mệt thật, cứ lễnh tễnh nhảy nhảy từng bước chậm rãi mà ăn. Khi con tôi đã bình tĩnh lại, tôi nói con mở thật rộng cửa, có khi hai chú chim sẽ bay đi. Quả nhiên, một lúc sau, khi đã no nê, hai chú chim nhận ra cái khung cửa đang rộng mở trước mắt như mời gọi, chúng lanh lẹ lọt qua hàng rào thưa ngoài ban công, bầu trời cao rộng của chúng ngay kề bên đó...
Chiều trở về nhà, tôi xem đi xem lại clip về hai chú chim sa vào nhà ăn gạo, ngẫm đi ngẫm lại về hình ảnh đàn chim chấp chới chao lượn ngay trước mắt tôi vừa mới hôm qua. Đã thế, lại thêm mấy con bươm bướm đen, mấy chú chuồn chuồn, bỗng đâu ngày thường chẳng thấy, nay cũng bay về đậu lên mấy nhành cây ngay trước mắt tôi kia nữa. Tự thấy mình phải cứng dạ, tôi cố gạt đi những dự cảm không hay, đi xuống vườn.
Mười bốn tháng Bảy, trời lúc ấy đang se se mưa mà cả khu vườn như ngập trong mùi khói lửa. Nhìn theo các hướng khói bay ra, thấy người ta đang xếp hàng chờ nhau mà đốt vàng mã nơi cái đỉnh đặt rải rác ở các góc vườn. Lửa ngùn ngụt trong lòng đỉnh, khói ngùn ngụt bốc lên các lùm cây và mùi khen khét ngàn ngạt trùm lên khắp không gian cả khu đô thị khiến tôi như một phản xạ, phải đưa tay chỉnh lại cái khẩu trang mà vẫn cảm thấy ngột ngạt trong lồng ngực. Tôi đi dạo một vòng, tịnh không thấy bóng con chim nào nhảy nhót như mọi ngày. Những người vẫn tập thể dục quanh đây vào mỗi chiều, nay đều vắng bóng, hoặc nếu trót đi đến thì cũng đưa tay chỉnh khẩu trang và quay gót. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Chẳng phải “chim sa” báo điềm gì xui rủi, mà chính bởi mùi khói lửa đang bốc lên ngùn ngụt từ các góc vườn kia đã khiến bầy chim bị ngạt mà phải bay đi tìm chỗ thở. Đàn chim hôm qua hẳn đã quá luống cuống nên bay lên trước cửa nhà tôi. Chúng hoặc là bị ngạt khói, hoặc bị nhốt trong cái lồng chật hẹp nào đó và vừa phải chịu lễ phóng sinh. Cả hai con chim bé nhỏ mà con tôi mô tả rằng màu cốm non xanh ấy nữa, chắc cũng sợ hãi và lạc bầy trong một hoàn cảnh tương tự. Suy đoán ấy khiến tôi không còn cảm thấy lo sợ gì nữa, chỉ xa xót trong lòng nghĩ về lũ chim bé bỏng.
Nếu những cánh “chim sa” thật sự báo điềm xui rủi, thì nó muốn nói gì với chúng ta? Đấy chính là sự cảnh tỉnh của chúng về nhận thức sai lạc đang dẫn con người đến hành động chẳng những vô nghĩa cho mình mà còn gây hại với muôn loài. Đấy chính là sự cảnh báo về một môi trường đang bị con người gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh của muôn loài trong đó có chính con người. Tiếc thay, con người lại đang cố ý phớt lờ đi điều đó. Việc đốt mã quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, thậm chí đã từng gây cháy nhà, chết người vẫn chưa đủ cảnh tỉnh. Tôi nhớ sự việc thương tâm xảy ra mới tháng 2 năm ngoái, một nhà trọ ở phố Tam Khương, phường Khương Thượng – Hà Nội bị cháy do hóa vàng khiến 4 sinh viên ở trọ tử vong! Người ta vẫn cứ đốt mã với những niềm tin mù quáng. Việc phóng sinh vô cảm của những “lương tâm máy” vẫn cứ diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Người ta nghĩ rằng, đốt vàng mã là hành động nhằm thể hiện đạo hiếu của mình với người thân đã khuất, để mong cầu được phù hộ độ trì cho lộc, thọ, an, khang. Người ta nghĩ rằng làm lễ phóng sinh để cầu cho bản thân được thọ, nghĩa là ban sự sống cho muôn loài để được cộng thêm phước thọ cho mình.
Buồn thay! Đến bao giờ thì người ta mới chịu hiểu, rằng “những hiếu sinh mơ hồ” kiểu ấy chỉ để “kích hoạt” “những lương tâm máy”. Những hiếu sinh biểu diễn, lòng từ bi biểu diễn, ngẫm mà xem, như nhà thơ viết: “Phóng sinh/ Phật trên cao lộng lẫy/ Nhìn chúng sinh ngạo nghễ/ Cười”./.