Đó là khi những đóa sen đã căng đầy hương sắc, nhưng ta luôn thao thức thường trực một cảm giác rằng tất cả mọi hương thơm từ đó, trong nhụy, trong cánh, trong lá, trong thân… đều quyện lại để rồi tỏa vào bùn đất, thay vì bồng bềnh theo nắng gió miên man. Trong niềm tròn đầy viên mãn ấy gói ghém cả bao niềm lưu luyến, bâng khuâng, khát khao níu giữ.
Tôi nhớ những mùa sen tàn ở quê, thời khắc ấy ruộng đồng, đường sá, muôn nẻo đều thơm hương lúa chín và trái chín. Chẳng hiểu sao, trong bầu không khí thơm lựng ấy, vẫn cứ cảm nhận được hương sen cuối mùa mỏng mảnh, xao động. Là bởi người nhạy cảm, tinh tường hay tự thân làn hương đặc biệt thanh tao tìm đến mà vấn vít? Câu trả lời có lẽ chỉ nắng gió, đất đai thấu cảm. Khuya về, từng đàn đom đóm lập lòe bùng lên như những chùm sao xanh phía đầm lầy, hương thơm vẫn thoảng lên huyền hoặc dầu chẳng còn cánh hoa nào trụ lại trên chiếc đài sen non nhàn nhạt vàng tựa mảnh nắng yếu ớt cuối ngày sót lại. Cuối mùa, sen vẫn cứ âm thầm bung nở, từ tốn mở ra làn cánh tinh khôi trong nắng bình minh. Vẫn sương sớm trong ngần như ngọc, vẫn nắng tỏa rạng như chứa đựng hào quang, vẫn vo ve bầy ong tung cánh… vậy mà ai cũng biết mùa ngâu sắp bắt đầu, chuỗi ngày mưa gió nối tiếp cùng bão lũ. Sen nở và tàn trên mặt hồ lắm lúc cũng thất thường như cách từng giọt mưa cuối mùa đáp xuống. Lúc lay phay lất phất, khi hối hả tất bật trút bỏ xiêm y cánh trắng, cánh hồng.
Cuối mùa, sen vẫn cứ âm thầm bung nở, từ tốn mở ra làn cánh tinh khôi trong nắng bình minh. (Ảnh: Tùng Dương)
Nhiều người vẫn nói rằng, giữa đầm sen mênh mông, những đóa hoa đẹp nhất luôn biết chọn thời khắc đặc biệt mà xuất hiện. Ấy là những đóa hoa nở vào khúc đoạn đầu tiên hoặc là sau cuối. Sen đầu mùa e dè, bịn rịn giữa muôn trùng lá xanh còn cuốn lại tựa phong thư hớp hồn người ngắm thì ai ai cũng biết. Nhưng tôi từng gặp, từng run rẩy trước vẻ đẹp tinh khôi của một đóa sen bỉ ngạn trắng bung nở tại một đầm sen vùng ngoại ô Hà Nội. Thực tế có đến hàng trăm loại sen được phân biệt theo màu sắc, dáng vẻ, điểm khác biệt. Nào sen nghìn cánh, sen tịnh đế, sen nhị sắc, sen thân trúc… Tất cả, dù trắng, hồng hay vàng, dù cánh đơn hay cánh kép vẫn chung một nét thanh tao, mong manh mà bền bỉ, thấm nhuần, hướng ý nghĩa của con người tới những điều thiêng liêng, thanh sạch.
Cuối mùa sen nở, trên đường phố Hà Nội, vẫn có thể bắt gặp các bà, các chị bán sen trắng, sen hồng rong ruổi từng ngõ ngách. Hương sen len lỏi theo gió, quấn quýt tay người, trước khi vào từng ngôi nhà, tỏa vào không gian riêng tư làn hương thuần khiết. Có một nhiếp ảnh gia gần như đã dành trọn cuộc đời làm nghề để theo đuổi vẻ đẹp bí ẩn, mê dụ của hoa sen, đó là Trần Bích, mọi người vẫn gọi là Trần Bích Sen. Ông đã lăn lộn biết bao nhiêu vùng đất khắp Bắc, Trung, Nam vào mọi thời điểm: Bình minh, hoàng hôn, đêm tối, chụp ở mọi tư tế như đứng, ngồi, quỳ, ngập nước… để có được những bức ảnh về sen đẹp như hội họa. Tự thân những bức ảnh đó đã có tiếng nói, hồn vía và triết lý nhân sinh.
Ngắm khoảnh khắc tàn sen trong ảnh Trần Bích, có khi là đóa sen tàn, có khi là gương sen già khô khốc, vẫn thấy trong dáng vẻ phai nhạt, già nua một vẻ đẹp thâm trầm, khiêm nhường và vĩnh cửu. Trần Bích không chỉ chụp sen nở, mà chụp một vòng luân hồi của sen, cũng đủ “sinh, lão, bệnh, tử”. Từ đó, ta gặp những đóa sen – những đóa vô thường tàn mà không lụi, vẫn làm nền cho những nụ bông vừa hé, vẫn duyên dáng soi bóng xuống làn nước xanh mát của ao hồ, vẫn gieo vào lòng người niềm khắc khoải. Bao nhiêu thế thái nhân tình, ta ngắm sen mà ngẫm. Có vội vàng, bon chen, toan tính… mấy cũng chẳng xong. Sự tàn lụi, cô đơn… của một đóa hoa vốn dĩ chất chứa niềm kiêu hãnh và trong sáng đến tận cùng.
Mùa sen này, có lẽ là mùa hè hiếm hoi gia đình tôi ít cắm và ngắm hoa sen. Mọi người vẫn tiếc nuối, bảo rằng mùa sen năm nay đẹp lắm, đời sống càng khó khăn, biến động thì thiên nhiên, hoa lá lại đẹp đến vô ngần, bởi sự ít can dự của con người. Chẳng biết có thật thế không? Riêng tôi thì đã tự rời xa mùa sen bởi thời điểm ấy còn nhiều lấn bấn, âu lo, nghĩ ngợi… Tâm không an thì không trọn vẹn được với hoa. Tiếc nhưng biết làm sao được, rồi mọi thứ lại cuốn ta đi, đến độ cuối mùa, sót lại đôi ba ngày rơi rớt thì mới nhận ra cái đẹp đã lướt qua chúng ta đầy thương mến và lưu luyến. Những mùa sen trước, nhà chẳng lúc nào thiếu sen trắng, sen hồng… cắm từ lúc đương nụ cho tới khi chỉ còn lại những chiếc đài hoa non nớt phớt vàng vẫn duyên lắm nỗi. Sen và đất như mối duyên không thể tách rời, nên chơi hoa cầu kỳ, tinh ý bao nhiêu, cũng đừng nên quên lãng những chum, những chóe, những vò, những bình đất nung màu nâu thuần túy mà thâm trầm, sâu nặng. Bình như đất mẹ, như bùn lầy, khắc khoải nâng giấc, khiến hoa thêm nhiều phần nổi bật, khỏe khoắn, tươi trong.
Một buổi tối, giữa hè mà mát mẻ, diệu vợi như thể thu đã sang rồi, chắc chắn thế rồi, người bạn mang sen trắng tới nhà tặng. Thế là cả nhà bỗng xốn xang, xao động, tươi vui hẳn lên. Còn đó mùi vôi vữa, sơn tường, sự bừa bộn của một ngôi nhà mới, nhưng có sen ghé vào, lập tức góc này sạch sẽ, góc kia gọn gàng, người tìm bình, người lấy nước… cứ như mở hội cho sen. Tôi đã thửa sẵn một chiếc vò đất nung, như dự liệu ngày này sẽ đến, nhưng đó lại là chiếc vò có nắp, giống vò gạo ở quê. Cắm sen, đừng vội bỏ cái nắp ra ngoài, có nó công năng cả, vấn đề cần phải cầu kỳ, khéo léo mà thôi. Lấy bút ra vạch một vòng tròn đúng tâm điểm nắp, lấy máy khoan và khoan chậm theo đường tròn đó, chốt lát bung ra mảnh đất tròn như mặt trăng, chiếc nắp không còn nguyên vẹn, mà thủng một lỗ tròn đầy ngụ ý. Cho nước vào vò, ngửa chiếc nắp, đậy lên trên, những chiếc lá sen hẵng còn tươi, mở ra xanh mướt mát xếp lên nhau, cũng cắt một đường tâm điểm đặt lên trên nắp vò, xong xuôi cứ nhẹ nhàng, khoan thai mà cắm từng bông, từng nụ xuyên qua cái vòng tròn hình trăng ấy mà chạm nước. Như thế, hoa có rụng cũng rụng rơi vào mấy lớp lá sen, nắp bình đang ngửa ra như vòng tay trìu mến. Suốt đêm ấy không ngủ được, ngắm mãi, nghĩ mãi về sen. Chỉ cần một đóa hoa cuối mùa thôi, một tấm lòng thơm thảo dành cho ta thôi, đủ cứu rỗi cả mùa hè oi bức và ngột ngạt trong trăm mối tơ vò.
Sen và đất như mối duyên không thể tách rời, nên chơi hoa cầu kỳ, tinh ý bao nhiêu, cũng đừng nên quên lãng những chum, những chóe, những vò, những bình đất nung màu nâu thuần túy mà thâm trầm, sâu nặng.
Lại nhớ, lại thương người thơ và những vần thơ trong “Bài hát ru hoa sen” của thi sĩ Trần Hòa Bình, người thầy đã sớm rời xa cõi tạm. Có nhiều giai đoạn xung quanh bài thơ ấy, nhưng rốt cuộc, cũng không ai mải miết thăm dò xem có đúng thật là một nàng thơ nguyên mẫu ở vùng Kinh Bắc hay không, mà mỗi lúc nhớ bài thơ ấy, đều hiện hữu một bóng dáng đầy lay động, huyền ảo và mong manh. Tôi đã gặp bóng dáng đó khi đứng trước đầm sen quê mình thuở còn rất nhỏ. Thấy những nàng thiếu nữ áo trắng, áo hồng tỏa từ mặt nước. Một chiếc lá khô trôi trên mặt đầm bỗng thành con thuyền nhỏ. Các nàng đi đâu? May chăng chỉ gió mới có thể trả lời. Nhưng độ cuối mùa, luôn là những cuộc trở về. Tôi gặp những nàng thiếu nữ trong hiện hữu của đàn bà con cái quê mình, vẻ đẹp mộc mạc thoảng hương đất đai, mùa vụ đầy nhân hậu, ân cần. “Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình, em thức trong ta…”. Cái trạng thái mờ ảo, khó tháo gỡ, khó thoát ra đó trong thơ Trần Hòa Bình gây thương nhớ lắm. Nó vừa thực, lại như mơ, bởi sen đã ngủ trong bình mà người thì thao thức. Ai biết được niềm thao thức kéo ta về đâu, những cõi nảo cõi nào.
Bài thơ ấy đã được phổ nhạc, được học trò của thầy hát lên trong những chuyến đi xa, bên chén trà, ly rượu. Nhớ tiếng ghi-ta bập bùng dưới đôi tay tài hoa của Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ. Vũ thường hát khi đã lâng lâng hơi men. Khi anh bắt đầu cất giọng: “Ngủ đi những đóa sen/ Ta đem về thành phố/ Ngủ đi những đóa sen/ Trong chiều nay ta nhớ…” Dù lời cho nhạc đã thay đổi phần nào so với nguyên tác thơ, nhưng tinh thần lãng tử, khí chất lãng đãng của Trần Hòa Bình vẫn đó. Chữ “sen” Vũ hát nhẹ lắm, như vừa hát, vừa nâng niu, dỗ dành. Vừa dỗ sen, vừa dỗ mình, ru mình thì phải. Có lần, thay vì Vũ hát, tiếng đàn của anh hòa trong giọng hát của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. Nghe chất Từ Sơn ở đó. Thấy dáng dấp thanh cao trong dáng hình sen trắng. Tôi nghe nhiều người hát bài này, nhưng luôn tin chỉ Nguyễn Quang Hưng cảm nhận và thể hiện hay nhất câu “Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng” khi phổ nhạc được giữ nguyên như thơ vốn thế. Hát ra cái chất chân tình, nồng đượm và thuần khiết, mê man. Nhớ sen, cả khi mùa sen chưa tàn. Nhớ bạn bè, ngay khi chung nhau ấm trà, ly rượu… Tôi luôn có cảm giác ấy với bạn bè, với ký ức, với quê hương, nhất là độ sen tàn, nắng gió sắp đơm màu hoa cúc. Thầm tin, sen cuối mùa gửi hương vào đất, đất đai đến một lúc nào đó lại chập chờn hương thơm, dáng vẻ thanh cao, thoát tục./.