Aa

Những cao ốc "đắp chiếu" giữa lòng Sài Gòn bây giờ ra sao?

Chủ Nhật, 17/06/2018 - 06:01

Thời điểm năm 2008, thị trường bất động sản TP.HCM đang trong thời điểm cao trào, nhiều cao ốc cũng vì thế bắt đầu được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian bùng nổ, nhiều tòa nhà đang xây dựng dở bỗng chốc bị bỏ hoang với nhiều lý do khác nhau.

Theo thông tin tử Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến dự án dừng dang dở thì nhiều, nhưng cơ bản nhất là chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, cũng có chủ đầu tư cho dự án dừng lại để đánh giá nhu cầu thị trường. Đây là hệ quả của giai đoạn thị trường bất động sản nóng sốt. Đa số các dự án cao ốc tạm dừng khi đang được triển khai dang dở, có dự án đã xây dựng xong phần thô.

Tuy nhiên, sau nhiều năm gián đoạn, nhiều công trình trong số đó đã được tiếp tục khởi công góp phần vào sự phát triển của thị trường bất động sản TP.HCM, nhưng cũng không ít công trình vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Cao ốc Saigon One Tower

Saigon

Saigon One Tower được kỳ vọng là công trình kiến trúc độc đáo nhất TP.HCM.

Nếu nói đến công trình được bỏ hoang tại TP.HCM được dư luận quan tâm nhất phải kể tới Cao ốc Saigon One Tower. Sừng sững một góc tại đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM), bên cạnh bến Bạch Đằng và kế bên tòa nhà Bitexco 68 tầng là Cao ốc Saigon One Tower (tên cũ Saigon M&C Tower).

Với “địa thế vàng”, tổng vốn 256 triệu USD, được thiết kế xây dựng 41 tầng, dự án được kỳ vọng là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất TP.HCM.

Được khởi công xây dựng năm 2009, cao ốc này được thiết kế để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế. Nhưng khi hoàn thành hơn 80% hạng mục, dự án bỗng “án binh bất động” từ cuối năm 2011 đến nay.

Tháng 7/2017, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, lãnh đạo TP.HCM cho biết, dự án này đã có chủ đầu tư mới và sẽ tái khởi động xây dựng khoảng 20% hạng mục còn lại trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, khi dự án chưa kịp triển khai thì Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ (thời điểm hiện đó, tổng số tiền nợ cả gốc và lãi đã đến 7.000 tỷ đồng) theo quy định của pháp luật. Theo thông tin từ báo chí trước đó, VAMC đưa dự án Cao ốc Saigon One Tower ra bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 6.110 tỷ đồng.  Đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin gì về dự án này.

Dự án Kenton Residences quận 7

Sau nhiều năm

Đến năm 2017 Kenton Residences đã được chính thức tái khởi động và đổi tên thành Kenton Node.

Dự án Kenton Residences cũng có một khoảng thời gian bị rơi vào tình trạng tạm ngưng thi công. Dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ liền kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng, được quy hoạch với tổng diện tích 9,1ha, gồm 9 tòa tháp cao từ 15 - 35 tầng, 1.640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm 20.000m2 do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư.

Được khởi công từ năm 2009, đến năm 2011 thì toàn bộ công trình bị đóng băng. Dự án bị dừng thi công bởi nguồn vốn eo hẹp. Cùng lúc đó, chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách bán hàng cũng như nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn không thể lay chuyển được tình hình.

Sau 6 năm “ngủ yên”, đến năm 2017 Kenton Residences đã được chính thức tái khởi động và đổi tên thành Kenton Node. Theo quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt, dự án Kenton Node sẽ là một tổ hợp gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phố đi bộ dài hơn 1,8 km, phòng khám quốc tế. Trong đó, khách sạn theo 5 sao gồm 288 phòng; khu condotel có 586 căn.

Cao ốc DB Tower

 

Cao ốc DB Tower và V-Ikon là

Cao ốc DB Tower và V-Ikon là "hàng xóm" của nhau

Một dự án đáng chú ý nữa phải kể đến là cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp DB Tower. Nằm tại số 141-143-145 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), dự án do Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Cận Viễn Đông làm chủ đầu tư với tổng số tiền lên đến 689 tỷ đồng. Theo thiết kế được chủ đầu tư công bố, dự án có 3 tầng hầm dành cho bãi đậu xe. Từ tầng trệt đến tầng 14 là khu vực văn phòng cho thuê. Từ tầng 15 đến tầng 22 là khu căn hộ gồm 76 căn.

Dự án DB Tower khởi công từ năm 2010 tuy nhiên đến giữa năm 2012 khi đã xong phần sàn thô thì bỗng tạm ngừng lại. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, DB Tower đã hoàn thiện. Hiện nay, Công ty Đầu tư Diamon House vẫn đang giới thiệu về vấn đề cho thuê văn phòng tại cao ốc này.

Cao ốc V-Ikon

Được xem là “hàng xóm” với DB Tower, cao ốc V-Ikon cũng có thời gian vướng phải tình trạng nằm “thoi thóp” trên khu đất “vàng”. Dự án có vị trí tại 129A-131-131A-133-135A-153/33 đường Điện Biên Phủ do Công ty TNHH Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô xây dựng gồm 4 tầng hầm và 26 tầng cao, diện tích văn phòng cho thuê khoảng 11.000m2. Mặc dù đã bắt đầu lắp kính từ giữa năm 2013 nhưng đến nay công trình vẫn tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Theo thông tin của Reatimes, việc cao ốc V-Ikon bị ngưng trệ trong thi công là do chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện. Vào năm 2017, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác Tài sản Agribank (Agribank AMC) đã công bố bán đấu giá tài sản thế chấp tại Agribank Chi nhánh Sài Gòn.

Cụ thể, Agribank AMC sẽ đấu giá toàn bộ công trình cao ốc V-Ikon đang xây dựng dở dang. Giá khởi điểm tài sản là 319,5 tỷ đồng (đã gồm VAT). Tuy nhiên, cao ốc V-Ikon ra đấu giá 5 lần nhưng vẫn chưa có kết quả.

Thuận Kiều Plaza

Thuận Kiều Plaza

Thuận Kiều Plaza còn được gọi là cao ốc "ba cây nhang".

Bên cạnh những dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm, Thuận Kiều Plaza lại rơi vào thảm cảnh không có người ở. Công trình do Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong) xây dựng, trong đó phía doanh nghiệp Việt Nam góp 25% tổng vốn xây dựng.

Dự án tọa lạc trên đường Hồng Bàng, một trong những trục đường chính nối trung tâm TP.HCM và khu vực Chợ Lớn, tổng diện tích xây dựng là 100.000 m2, khởi công xây dựng từ năm 1994, hoàn thành vào năm 1998.

Do lối thiết kế các căn hộ rất chật chội, giống như những “tổ chim”, các căn hộ không phù hợp với nhu cầu của cư dân. Đồng thời, cũng có tin đồn Thuận Kiều Plaza được thiết kế mang tính tâm linh, nhìn từ xa giống như 3 cây nhang nên các căn hộ ở đây rơi vào tình trạng “nằm yên chờ chủ”.

Đến năm 2014, Thuận Kiều Plaza được bán cho Công ty CP đầu tư An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) với giá trị hơn 600 tỷ đồng. Sau đó, chủ mới chỉ thay tên đổi họ cho toà nhà này thành The Garden Apartment và bắt đầu tiến hành cải tạo. Công trình được “mặc áo mới” toàn bộ từ màu hồng gạch sang màu xanh và trắng, làm cho không gian tươi sáng hơn. Toàn bộ tường ngăn của 3 tầng trung tâm thương mại bị đập bỏ, thay vào đó là kính trong suốt.

Theo thông tin từ nhà thầu, dự án này chỉ cải tạo và sửa chữa nhỏ, không có thay đổi toàn bộ kết cấu công trình. Gói thầu này chỉ cải tạo tầng khối đế của trung tâm thương mại và sơn lại bên ngoài 3 tòa tháp của dự án nên có tổng trị giá hợp đồng chỉ 80 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top