Aa

Saigon One Tower: Vì sao "đứt gánh giữa đường"?

Thứ Tư, 23/08/2017 - 06:01

Từng được kỳ vọng là một trong ba tòa tháp cao nhất TP. HCM, tuy nhiên, sau khi xây dựng xong 80% khối lượng công việc, Saigon One Tower bị “đắp chiếu” suốt từ năm 2011 đến nay dẫn đến việc VAMC phải thu giữ dự án.

Saigon One Tower có tên cũ là Saigon M&C Tower, nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1). Khu đất được cho là có vị trị đắc địa bậc nhất thành phố mang tên Bác, có diện tích 6.672m2 trước đây do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn quản lý sử dụng. Công ty này sau đó góp vốn liên doanh xây dựng bằng quyền sử dụng khu đất.

Sau khi được thành lập, công ty liên doanh đã đầu tư xây dựng phần móng dự án và sau đó các đối tác nước ngoài đã chuyển nhượng lại vốn góp cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, nay là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn-TNHH Một thành viên. Trong giá trị chuyển nhượng có phần vốn đầu tư phần móng công trình.

Thời điểm ban đầu, khu đất này dự kiến sẽ xây dựng tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2. Trong đó, 6 tầng khối đế dành cho khu bán lẻ có diện tích 23.000 m2, khu văn phòng hạng A gồm 34 tầng có diện tích 49.000 m2, còn lại là khu căn hộ 133 căn.

Theo dự kiến sau khi hoàn thành, Saigon One Tower được xem là dự án cao thứ ba tại TP.HCM sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 238 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng).

Dự án Saigon One Tower vừa bị VAMC thu giữ.

Dự án Saigon One Tower vừa bị VAMC thu giữ.

Được khởi công từ năm 2007, tuy nhiên, sau khi xây dựng tới 80% khối lượng công việc, dự án đột nhiên bị ngưng thi công, rồi bỏ hoang từ năm 2011 đến nay.

Sau 4 năm bị “đắp chiếu” không rõ nguyên nhân, vào tháng 11/2015 chủ đầu tư dự án cao ốc Saigon One Tower đã bị Cục Thuế TP. HCM thông báo phong tỏa hóa đơn vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỷ đồng.

Suốt những năm bị đắp chiếu và bị gán cho danh hiệu “dự án làm xấu bộ mặt thành phố”, thời gian qua, UBND TP.HCM cũng tiến hành rất nhiều cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 7 tháng năm 2017 và những tháng cuối năm, lãnh đạo thành phố cho biết, dự án này đã có chủ đầu tư mới và sẽ tái khởi động xây dựng khoảng 20% hạng mục còn lại trong tháng 10 tới.

Cùng thời điểm trên, thị trường xuất hiện tin đồn đoán về việc chuyển nhượng dự án Saigon One Tower. Theo đó, dự án được cho là đã về tay nhà đầu tư ngoại là CTCP phát triển BĐS Alpha King. Công ty có các cổ đông chính là Alpha King Investment Limited giữ 93,3%, 2 cá nhân Li Yibin và Chiu Keung Kenneth nắm mỗi người 3,3%. Chủ mới của tòa nhà này được cho là có kế hoạch thuê công ty kiến trúc của Singapore để thực hiện hoàn thiện dự án và đưa vào hoạt động vào năm 2018.

Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được rục rịch triển khai thì mới đây Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã ra văn bản về việc thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ. Hiện nhóm khách hàng (bao gồm cả Sài Gòn One Tower) có tổng dự nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện tại trên 7.000 tỷ đồng.

Việc thu giữ tài sản là dự án nói trên được VAMC được thực hiện theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

Trước khi thu giữ dự án, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ có giá trị hơn 7.000 tỷ đồng của một số tổ chức tín dụng, trong đó có Công ty Sài Gòn One Tower, tiền thân là Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C.

VAMC đã nhiều lần nhắc nhở Công ty Sài Gòn One Tower cũng như các công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên các doanh nghiệp này không đưa ra được phương án trả nợ khả thi. Trên cơ sở đó, VAMC đã yêu cầu Công ty Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ nhưng công ty này cũng không thực hiện. Cuối cùng, VAMC đã tiến hành thu giữ dự án Saigon One Tower để thu hồi nợ.

Trao đổi với Reatimes về việc VAMC thu giữ Saigon One Tower, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc thu hồi dự án là rất tốt cho thị trường. Thứ nhất, việc này giúp thực hiện cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội. Thứ hai, nó tạo điều kiện để tái khởi động dự án thông qua việc đấu giá dự án bị thu hồi để chọn nhà đầu tư mới.

Mặt khác, các bên có liên quan sẽ được giải quyết các khoản công nợ tại dự án một cách minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn và tái khởi động dự án đắp chiếu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top