Aa

Những con đường đau khổ vì cao ốc

Chủ Nhật, 10/12/2017 - 23:00

Chỉ dài 500m, rộng 5m nhưng con đường Hoàng Quốc Viêt (quận 7. TP.HCM) đang phải gánh 5 dự án chung cư với số căn hộ lên tới hơn 2.000 căn. Đây chỉ là 1 trong hàng trăm tuyến đường đau khổ tại TP.HCM vì đường nhỏ mà cao ốc liên tục mọc lên gây cảnh ùn ứ kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.

Những con đường đau khổ

Là tuyến đường nhỏ, nối từ đường Đào Trí ra đường Nguyễn Thị Thập quận 7, nhưng con đường Hoàng Quốc Việt lại là con đường có số cao ốc chung cư nhiều nhất. Trong đó riêng công ty An Gia Investment có 3 dự án tại đây, 1 dự án với 2 block đã đưa vào hoạt động còn 1 dự án là An Gia Skyline đang trong giai đoạn hoàn thiện đưa cư dân vào sinh sống, 1 dự án khác là River Panorama đang xây dựng.

Ngoài ra, tuyến đường này có 1 quỹ đất chủ đầu tư đang trong giai đoạn xin giấy phép xây dựng và dự án Lacasa do Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Chính vì là tuyến đường nhỏ mà có quá nhiều dự án bất động sản hình thành khiến đoạn đường này luôn trong tình trạng kẹt cứng.

Đường Hoàng Quốc Việt chỉ dài 500m nhưng có tới 5 dự án cao ốc bất động sản xây dựng.

Đường Hoàng Quốc Việt chỉ dài 500m nhưng có tới 5 dự án cao ốc bất động sản xây dựng.

Một tuyến đường đau khổ khác hiện đang gánh trên mình 6 dự án bất động sản là đường Hồng Hà quận Tân Bình. Tuyến đường này dài khoảng 1km nối từ đường Hoàng Minh Giám tới sân bay Tân Sơn Nhất nhưng có tới 7 dự án bất động sản đang triển khai và có những dự án vừa bàn giao nhà cho khách hàng. Ngoài ra, tuyến đường này còn có 2 quỹ đất đang được chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng để xây dựng. Dù đoạn đường chỉ rộng 7m, nhưng trong tương lai khi các dự án xây dựng xong dự kiến sẽ phải "gánh" tới 5.000 căn hộ. Ghi nhận tại tuyến đường này, vì các dự án trong quá trình xây dựng, xe chở vật liệu xây dựng hoạt động liên tục nên mặt đường hiện hư hỏng nặng và luôn trong tình trạng kẹt xe, để giải quyết vấn nạn kẹt xe tại đây, Sở Giao Thông vận tải TP.HCM đã phải phân luồng giao thông lại tuyến đường này.

Hay như gần đó là tuyến đường Phổ Quang, cũng chỉ dài chưa tới 1km và rộng 7m mà đang gánh trên đó là 5 dự án bất động sản. Được biết, trước đây tuyến đường này có tác dụng giảm tình trạng kẹt xe vào đường Trường Sơn ra sân bay Tân Sơn Nhất nhưng giờ đây chính tuyến đường này lại là tuyến đường kẹt xe nghiêm trọng nhất cửa ngõ vào sân bay.

Tuyến đường Nguyễn Xí quận Bình Thạnh đang được mệnh danh là con đường đau khổ mới của TP.HCM vì chỉ dài không quá 1km mà hiện đang gánh trên mình 4 dự án bất động sản với số căn hộ lên tới hơn 2.000 căn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người dân sinh sống tại đường Nguyễn Xí cho biết 5 năm trước đây khi chưa có những dự án bất động sản thì tuyến đường này luôn thông thoáng và có nhiệm vụ làm giảm tải lượng xe lưu thông vào bến xe Miền Đông và đi về khu Đông TP cũng như lưu thông về tỉnh Bình Dương… Nhưng giờ đây, tuyến đường đã trong cảnh kẹt xe không kể ngày giờ, giao thông luôn hỗn độn. Để giải quyết tình trạng này, hai năm nay đường này đã bị thắt đầu lưu thông ra bến xe Miền Đông từ 2 chiều thành 1 chiều.

Cũng trên tuyến đường Ung Văn Khiêm quận Bình Thạnh hiện nay đang xuất hiện quá nhiều cao ốc, từ văn phòng cho thuê tới chung cư của các chủ đầu tư như Đất Xanh, Sacomreal…

Ở cửa ngõ phía Nam Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Thọ quận 7 là trục đường chính nối quận 7 và Nhà Bè cũng là "điểm đen" kẹt xe. Dọc tuyến đường này có hàng chục dự án chung cư với khoảng 100.000 căn hộ.

Ở quận 4, đường Bến Vân Đồn chỉ dài khoảng 2 km nhưng trên trục đường này đã có 12 chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại với hàng chục nghìn căn hộ. Ngay sau con đường này, đường Hoàng Diệu cũng có hàng chục tòa chung cư khác đã được đưa vào sử dụng từ trước. Các chung cư Vạn Đô, Khánh Hội 1, Khánh Hội 2, Gold View, Saigon Royal Residences, Icon 56, Masteri Millennium, Orient Apartment, tòa cao ốc REE, Trung tâm thương mại nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace... Chưa hết, phía sau lưng con đường này cũng có thêm hàng chục khu chung cư đã đưa vào sử dụng từ trước như chung cư H1, H2, H3, Tôn Thất Thuyết, Galaxy 9, Khánh Hội...

Đây chỉ là vài trong hàng trăm tuyến đường có diện tích chiều dài và chiều rộng nhỏ nhưng phải cõng trên đó hàng chục dự án bất động sản. Tất cả đang tạo cho TP cảnh ngột ngạt, quá tải trong giao thông và nặng hơn là phá vỡ quy hoạch của TP…

Vỡ trận quy hoạch

Một điều có thể nhận thấy rõ nhất đó là những tuyến đường đau khổ của TP.HCM đều nằm ở các quận trung tâm. Chính điều này đã làm cho lãnh đạo TP đứng trước mối lo lớn về tình trạng phá vỡ quy hoạch. Để cứu quy hoạch, mới đây lãnh đạo UBND TP.HCM phải ra thông báo rằng sẽ hạn chế cấp phép xây dựng những dự án cao tầng ở các quận trung tâm TP khi hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực không đảm bảo, nhằm tránh ùn tắc giao thông ngày càng tăng.

Hậu quả giao thông quá tải, những tuyến đường nhỏ hẹp luôn trong tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Hậu quả giao thông quá tải, những tuyến đường nhỏ hẹp luôn trong tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Điều này theo các chuyên gia là cần thiết, bởi hiện nay việc cấp phép xây dựng cao ốc thường căn cứ vào quy hoạch hạ tầng. Tuy nhiên có một thực tế đường thì đứng im, không triển khai đầu tư theo quy hoạch trong khi cao ốc mọc nhanh như nấm sau mưa.

Bà Trịnh Hoài Linh, Giảng viên Khoa quy hoạch Đại học Kiến Trúc TP.HCM cho rằng không ở đâu có quy hoạch lạ như ở TP.HCM, ngay cả như Singapore, đất nước có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số đông nhưng quy hoạch giao thông vẫn rất hài hòa và bảo đả, mật độ dân cư đông nhưng giao thông vẫn đảm bảo lưu thông và ngay cả những tiện ích của người dân cũng phải đặt lên hàng đầu trong quy hoạch.

“Tính ở góc độ quy hoạch, sẽ phải tính mật độ dân số, ví dụ như khu vực quận 4, quy hoạch đủ cho 500.000 dân sinh sống thì phải có bao nhiêu trường học, bao nhiêu khu vui chơi, giải trí, công viên và giao thông sao cho đảm bảo, tiết chế thế nào cho chung cư được xây dựng… nhưng hiện nay quận này hay các quận khách của TP không theo quy định chung về quy hoạch như trên”, bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh thì đây là nguyên nhân chính dẫn tới cảnh kẹt xe, đời sống người dân đi xuống…

Ngoài ra, KTS Ngô Viết Nam Sơn còn cho rằng, hiện nay việc cấp phép xây dựng của TP.HCM đang được thực hiện tràn lan, không khoa học, nguyên nhân chính là do 3 cơ quan nhà nước gồm Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng chưa có sự phối hợp tốt.

Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện hữu nên hạ tầng không theo nổi. Khi kẹt xe, ách tắc, bên giao thông lại “nhảy” vào xử lý kiểu theo đuôi, tắc đâu chữa đấy, tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, chồng chéo, lộn xộn.

Chỉ thẳng ra ví dụ cụ thể, ông Sơn dẫn chứng con đường Nguyễn Hữu Cảnh dù được mở rộng ra thêm vài m2 chiều rộng nhưng lượng chung cư cao tầng tại đây được cấp phép xây dựng cao hơn cả tuyến đường mở rộng. Chính vì vậy, đường này vẫn được xếp vào top đầu trong những con đường kẹt xe, ngập lụt và đường vừa làm xong đã xuống cấp…

“Đành rằng các dự án giao thông hạ tầng đều đã có trong quy hoạch của TP, nhưng chưa hiện hữu, nhà cao tầng mọc lên, dân cư đổ đến rồi sao giao thông, hạ tầng theo kịp?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Một điều đáng lo nữa mà giới quy hoạch chỉ ra cho TP.HCM từ những con đường đau khổ này đó là việc TP.HCM có quy hoạch giãn dân giai đoạn 2015 tới 2020 với mục đích đưa người dân từ trung tâm TP ra các quận vùng ven sinh sống nhằm giảm kẹt xe, thông thoáng cho các quận trung tâm TP.

Để làm điều này, TP xây dựng hạ tầng kết nối vùng ven, nhưng TP lại không kích thích doanh nghiệp địa ốc xây dựng dự án vùng ven khiến các quận vùng ven vẫn vắng bóng chung cư cao tầng để đưa người dân về ở mà vẫn cấp phép cao ốc trung tâm TP đang dần chật hẹp.

“Đây là lỗ hổng rất lớn dẫn đến tình trạng đô thị lởm chởm như thế này. Tuy nhiên, nó thuộc tầm quốc gia chứ không phải riêng TP HCM. Cho nên việc hạn chế cấp phép xây dựng cao ốc ở những nơi quy hoạch và những nơi thường kẹt xe là đúng", ông Sơn nói và đề nghị thành phố cần có quy chế trong cấp phép xây dựng để đảm bảo sự thống nhất của cả 3 Sở, sẽ tránh được tình trạng như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top