Nói về mô hình Khu công nghiệp- đô thị- dịch vụ có lẽ không phải là mới ở Việt Nam. Nhưng gần đây, nhất là sau khi Nghị định 82 của chính phủ có hiệu lực, mô hình này đang được quan tâm nhiều hơn cả.
Mô hình khu công nghiệp đô thị dịch vụ là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo phát triển bền vững của khu công nghiệp. Trong mô hình này ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp còn có các khu chức năng khác như: trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí… để tạo một môi trường sống và làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Đây cũng là những đô thị vệ tinh nhằm mục đích giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố vốn đông đúc chật chội.
Mô hình này có những tiêu chí cụ thể như khi quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa. Trong đó các khu đô thị hiện đại với hệ thống tiện ích đồng bộ đáp ứng nhu cầu riêng cho nguồn lao động chất lượng cao như các chuyên gia nước ngoài, quản lý cấp cao, chuyên viên kỹ thuật… đang bắt đầu hình thành và được các nhà đầu tư hướng đến.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi… Việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.
Khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong chính các khu công nghiệp chính là "điểm mở" từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất. Đặc biệt xu hướng xây dựng khu đô thị trong khu công nghiệp mới chỉ phát triển, đây chính là mảnh đất "màu mỡ" để các nhà đầu tư bất động sản khai thác, nắm bắt cơ hội đầu tư sinh lời vượt trội.
Tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019 với chủ đề Bối cảnh mới – chính sách mới – cơ hội mới, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau về mô hình này.
Chúng ta đã có những bước phát triển nhanh chóng về khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều những rào cản, những bất cập cần giải quyết như “công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu” – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế Trần Quốc Trung, vấn đề nhà ở và phúc lợi cho công nhân trong các khu công nghiệp chưa được cải thiện rõ rệt, việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp còn khó khăn…
Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương TS Nguyễn Đình Cung thì cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay tại các KCN đó là sự thiếu đồng bộ các mặt, việc xây dựng mô hình KCN bền vững còn chậm so với tiềm năng.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài và là chủ quản lý 11 khu cụm công nghiệp trải dài từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa với quy mô trên 2000 ha đất công nghiệp, đại diện TNI Holdings Việt Nam cho rằng việc phát triển xây dựng mô hình KCN đô thị dịch vụ cũng chính là giải pháp phát triển bền vững của phân khúc này, và là yếu tố then chốt trong việc thu hút các nhà đầu tư.
Hiện nay với định hướng thu hút các dự án chất lượng, đảm bảo các tiêu chí xanh, sạch và có hàm lượng công nghệ cao, TNI Holdings đã và đang chủ động nghiên cứu các mô hình mới (Ecology Industrial Park, Business Park, Logistics Warehouse System) trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng KCN nhằm thu hút các dự án có quy mô lớn và giá trị cao trong các chuỗi sản xuất ô tô, điện thoại thông minh và sản xuất linh kiện cho máy bat, các chuỗi phụ trợ cho sản xuất…
Ông Trần Ngọc Anh – Phó TGĐ Tổng công ty Vilacera kiến nghị nên dành quỹ đất trong khu công nghiệp để xây dựng nhà ở cho công nhân. Có như vậy mới bảo đảm nguồn lao động không bị chảy máu mỗi năm do người lao động di cư về vùng sinh sống của mình…
Giza E&C là doanh nghiệp tổng thầu xây dựng KCN với vốn đầu tư 100% FDI cũng đánh giá cao mô hình này. Ông Ngô Hữu Tiệp – CEO Giza E&C bày tỏ, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, nếu chúng ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, thì rất khó để thu hút đầu tư, nhất là các dịch vụ đi kèm KCN là nhu cầu cần thiết cho chính các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật… ngước ngoài tới các KCN làm việc.
Vì vậy, khi xây dựng Khu cụm công nghiệp thì trong thiết kế cần có những phần đất dành cho ký túc xá cho nhân viên, người lao động, có hệ thống giao thông nội bộ đạt tiêu chuẩn, hệ thống cấp điện, hạ tầng viễn thông, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu lưu trú cho chuyên gia và quản lý, các dịch vụ sức khỏe, an ninh, giáo dục, phòng cháy chữa cháy, nhà hàng, spa…
Hiện nay tại Việt Nam một Khu công nghiệp đã thành công trong việc xây dựng mô hình này như Khu công nghiệp Long Hậu – Long An, Khu công nghiệp Vship – Nghệ An… Một số KCN đang chuyển hướng và xây dựng theo mô hình này như KCN Rạng Đông - Nam Định, KCN Yên Phong 2 – Bắc Ninh, KCN Quang Minh…
Đa số các đại biểu tham gia Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019 đều tán thành việc lan tỏa mô hình KCN đô thị dịch vụ. Tuy nhiên việc đưa vào thực hiện thì còn nhiều nhược điểm. Mong rằng sớm có những hành lang pháp lý tạo điều kiện, hỗ trợ các KCN xây dựng mô hình này, để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển KCN Việt Nam, tăng nguồn ngân sách cho các địa phương, nâng cao đời sống của người lao động./.