Aa

Những điều ít biết về doanh nghiệp BĐS "tỷ đô" sắp lên sàn

Thứ Tư, 28/12/2016 - 06:01

Nắm giữ 9,8 triệu m2 sàn xây dựng tại 40 dự án; Thay đổi vốn điều lệ 12 lần trong 9 năm; Từng hồi sinh được hàng loạt dự án "tưởng chết"... là những điểm đáng chú ý về một doanh nghiệp BĐS đang làm "nóng" thị trường chứng khoán những ngày qua.

Trở thành doanh nghiệp “tỷ đô” khi lên sàn

Hôm nay, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland sẽ chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/cp. Với gần 590 triệu cổ phiếu phổ thông được niêm yết, tính theo giá tham chiếu chào sàn là 50.000 đồng/cp, vốn hóa của Novaland sẽ lên đến gần 29.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD. 

Novaland là doanh nghiệp BĐS tăng vốn nhanh. Công ty đã có 12 lần tăng vốn điều lệ trong 9 năm, từ 600 tỷ đồng đến nay đã lên con số 5.963 tỷ đồng. Hiện tại, Novaland có 40 công ty con và 6 công ty liên kết. Về đợt phát hành cổ phiếu lần này, Novaland cho biết phần lớn nguồn tiền thu được sẽ được dùng để phát triển một số dự án (hiện tại và dự án mới). Một phần để bổ sung nguồn vốn lưu động, nguồn vốn dự phòng và có thể thanh toán bớt các khoản nợ hiện hữu của công ty.

 

Năm 2017: Bàn giao 7 dự án, doanh thu dự kiến tăng trưởng 20%

Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của Novaland đạt 7.176 tỷ đồng, tăng 208,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc căn hộ đạt doanh thu thuần là 5.603 tỷ đồng, chiếm 78,07% tỷ trọng doanh thu thuần của công ty. Galaxy 9 (Quận 4), Lexington Residence (Quận 2) và Tropic Garden (Quận 2) là 3 dự án trọng điểm chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu căn hộ. Tiếp đó, doanh thu từ các sản phẩm thương mại tăng nhanh lên 697 tỷ đồng và chiếm 9,71% tổng doanh thu 9 tháng của công thu. Doanh thu từ sản phẩm thương mại thông qua việc đẩy mạnh ra thị trường các sản phẩm tại Dự án Sunrise City - Khu Central và North (quận 7). Ngoài ra, sản phẩm căn hộ văn phòng và doanh thu khác cũng lần lượt đóng góp 311 tỷ đồng (chiếm 4,33%) và 566 tỷ đồng (chiếm 7,89% tổng doanh thu).

Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần của Novaland tăng từ 16,97% năm 2014 lên 20,08% năm 2015 và giảm nhẹ đạt 19,87% trong 9 tháng đầu năm 2016. Trong đó, mảng kinh doanh căn hộ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận gộp và có tỷ suất lợi nhuận gộp lần lượt là 23,07% (năm 2015) và 19,13% trong 9 tháng đầu năm 2016.

Năm 2014, kợi nhuận gộp thấp hơn là do 2 dự án ghi nhận kết quả kinh doanh trong năm này là Sunrise City và Tropic Garden được xây dựng và mở bán trong thời gian thị trường BĐS suy yếu, dẫn đến thời gian bán kéo dài, các chi phí phát sinh bao gồm cả lãi vay được vốn hóa gia tăng. Trong khi đó, các dự án mới được ghi nhận doanh thu trong năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 là các dự án được xây dựng và bàn giao trong thời gian ngắn, do đó các chi phí phát sinh được giảm thiểu và lợi nhuận gộp đạt cao hơn.

Năm 2017, Novaland dự đoán đạt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng khá mạnh với doanh thu thuần 17.528 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.144 tỷ đồng. Với đặc thù doanh thu của ngành BĐS, đơn vị này sẽ ghi nhận doanh thu lớn đến từ 7 dự án đã được bán từ năm 2014 - 2016 và sẽ bàn giao trong năm 2017, đạt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2016. Dự tính, Novaland sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ thuộc các dự án The Tresor (quận 4), Lucky Palace (quận 6), GardenGate, Golden Masion, Kingston Residence, Orchard Garden (quận Phú Nhuận) và The Botanica (quận Tân Bình)...

Nắm giữ 9,8 triệu m2 sàn xây dựng tại 40 dự án

Trong giai đoạn 2015 - 2016, Tập đoàn Novaland đã thực hiện M&A hàng loạt các dự án mới tại khu vực trung tâm TP. HCM như Quận 2, 4, 7 và Phú Nhuận, nâng tổng quỹ đất của hơn 40 dự án đang nắm giữ lên 9,8 triệu m2 sàn xây dựng.

Đơn vị này cũng đã tiến hành mở bán 10 dự án mới trong năm 2015 và 5 dự án mới trong 9 tháng đầu năm 2016. Một số dự án đang triển khai như Dự án Galaxy 9, Dự án Icon 56, Dự án Lexington Residence, Dự án Tropic Garden, Dự ans Sunrise City, Dự án Harbor City, Dự án GardenGate, Dự án Golden Mansion, Dự án Kingston Residence, …

Cụ thể, xác định khu đông TP. HCM  là "điểm nóng", Novaland đã xác định khu vực này là hướng phát triển đầu tiên của Tập đoàn bởi hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh. Tại đây, Novaland đã mua lại Dự án Lexington Residence nằm trong Khu Đô thị mới City Horse, Quận 2 có quy mô 21.356 m2 từ Công ty TNHH BĐS Đại Hưng Phú. Bên cạnh đó, công ty mua lại Dự án The Sun Avenue, mặt tiền Đại lộ Mai Chí Thọ, Quận 2, TP HCM từ Công ty TNHH Gia Phú.

Dự án Galaxy 9, Icon 56 (Quận 4) là những dự án đã được Tập đoàn Novaland mua lại và phát triển ở khu vực trung tâm thành phố. Galaxy 9 trước đó có tên là Moon Garden do Công ty Cao su Miền Nam (Casumina) làm Chủ đầu tư và đã xây xong phần móng. Còn Icon 56 tiền thân là Dự án Khahomex - Savico Tower do CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) và CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (Khahomex) làm chủ đầu tư. Cũng tại khu vực này, Novaland đã mua lại và đưa ra thị trường quý I/2015 Dự án RiverGate Residence tại 151 Bến Vân Đồn, Quận 4. Đây vốn là khu đất của Dự án Cao ốc Văn phòng, Trung tâm thương mại và Căn hộ do Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên làm Chủ đầu tư với tổng diện tích sàn gần 77.991 m2 .

Tại khu Nam thành phố, Novaland chủ trương phát triển Dự án Lucky Palace có quy mô 3.876m2 (số 50 Phan Văn Khỏe, Quận 6), theo hướng tổ hợp Căn hộ, Thương mại hiện đại như mô hình “Chợ An Đông 2”, giá trị giao dịch chỉ từ vài trăm triệu đồng/lô thương mại.

Khu Tây TP. HCM, Tập đoàn Novaland đã thực hiện giao dịch mua lại và hợp tác thành công khá nhiều dự án. Trong đó có hai dự án là Orchard Garden và GardenGate tại Quận Phú Nhuận, tọa lạc liền kề sân bay Tân Sơn Nhất và sát bên công viên Gia Định với diện tích khoảng 4.303 m2 và 4.887 m2 tương ứng. 

Tự tin đối mặt với các rủi ro

Ở thời điểm hiện tại, cũng như nhiều doanh nghiệp BĐS lớn khác, Novaland cũng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro đặc thù của ngành, trong đó có rủi ro chung của ngành BĐS và rủi ro khi lên sàn giao dịch HOSE. 

Một trong số đó là tính thanh khoản của tài sản. Sản phẩm BĐS có đặc thù từ lúc bán hàng đến lúc bàn giao cho người tiêu dùng thường mất từ 24-30 tháng, do đó việc chuyển từ tài sản sang tiền mặt là khá lâu, đặc biệt lúc thị trường suy giảm. Tuy nhiên, các dự án của Novaland thường là mua lại hoặc hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp khác. Cùng với việc bán trước cho người mua qua hợp đồng góp vốn và sản phẩm có mức giá trung và cao cấp từ 1,3 đến 5 tỷ đồng nên sản phẩm có tính thanh khoản khá. Do đó, rủi ro này cũng được công ty khắc phục được phần nào.

Một rủi ro sắp tới Novaland cũng phải tính trước đó là biến đổi giá cổ phiếu khi niêm yết trên HOSE. Đây là rủi ro công ty khó tránh khỏi và khó lường trước. Về rủi ro pha loãng do phát hành cổ phần phổ thông để chuyển nợ, căn cứ theo số dư nợ đã giải ngân tính đến thời điểm 30/9/2016, số cổ phần phổ thông tối đa mà Novaland sẽ phát hành trong năm 2017 để hoán đổi nợ là hơn 33 triệu cổ phiếu. Việc phát hành này dẫn đến rủi do pha loãng giá cổ phiếu và làm giảm EPS của công ty trong năm 2017 so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, số cổ phiếu phát hành gia tăng do việc chuyển đổi nợ chỉ chiếm 5,68% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành nên rủi ro không đáng kể.

Đặt mục tiêu huy động 200 triệu USD vốn ngoại

Được biết, Novaland đã xây dựng chiến lược huy động khoảng 200 triệu USD vốn nước ngoài. Theo đó, trong năm 2015 doanh nghiệp này huy động được gần 50 triệu USD, trong đó có các nhà đầu tư chiến lược là Dragon Capital; Vinacapital và một nhà đầu tư tài chính trong nước tham gia cùng đợt phát hành cổ phần ưu đãi chuyển đổi này.

Tính đến cuối năm 2016, Novaland đã huy động thêm hơn 60 triệu USD từ hai nhà đầu tư đến từ Thụy Sỹ và Hong Kong. Hiện nay, với hơn 596 triệu cổ phiếu của Novaland, cổ đông nướ ngoài đang nắm 10,56% cổ phần. Trong đó cá nhân nắm 0,02 và tổ chức nắm 10,54%.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top